Tiếp cận dưới góc độ quyền của lao động nữ, góp ý vào dự thảo luật BHXH sửa đổi, TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cho hay dự thảo luật cơ bản đã đáp ứng yêu cầu cần thiết về mở rộng đối tượng, bảo đảm tốt nhất quyền, lợi ích cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ.
Tuy nhiên, theo ông Lợi, dự thảo đưa ra mức hưởng trợ cấp thai sản 2 triệu đồng khi sinh con đối với trường hợp BHXH tự nguyện là quá thấp. Theo Tờ trình số 527 của Chính phủ về dự thảo luật BHXH mức 2 triệu là căn cứ theo Nghị định 39/2015 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số sinh con đúng chính sách dân số.
“Đến nay, nghị định này đã được thay thế tại điều 36 Thông tư 55 của Bộ Tài chính ngày 15.8.2023 áp dụng cho Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Như vậy, quy định 2 triệu cho mức hỗ trợ này là quá thấp và không còn phù hợp. Đề nghị cơ quan soạn thảo nâng mức hỗ trợ này lên”, ông Lợi nêu ý kiến.
Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng cho rằng, chế độ thai sản ngoài hỗ trợ về tiền mặt, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc bổ sung chế độ chăm sóc sức khỏe, khám thai định kỳ. Hiện nay, chế độ BHXH tự nguyện chưa thực sự thu hút, bổ sung chế độ thai sản phù hợp cũng là điều kiện cần thiết để thu hút lao động trong độ tuổi tham gia.
Ông Lợi dẫn chứng, theo tiêu chuẩn quốc tế, phụ nữ cần được nghỉ thai sản ít nhất 14 tuần thì mức này chỉ tương đương 145.000 đồng/tuần, tức là khoảng 600.000 đồng/tháng, chỉ bằng 40% mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn.
Thực tiễn thời gian qua, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ cho phụ nữ là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn khi sinh con đúng chính sách dân số.
Ông Lợi đề xuất: “Mức hưởng chế độ thai sản tối thiểu cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện (bao gồm cả lao động nữ và lao động nam) là 1,5 triệu đồng/tháng (mức chuẩn nghèo nông thôn) trong 14 tuần (3,5 tháng) là phù hợp và vẫn giữ chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số.
Đồng thời, theo Công ước 183 của tổ chức lao động quốc tế chế độ thai sản nên được áp dụng cho tất cả phụ nữ kể cả những người làm việc trong điều kiện không chính thức”.
Tại hội thảo góp ý dự thảo luật BHXH do Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức ngày 27.3, bà Phạm Thu Thưởng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo – nữ công (LĐLĐ TP.Hải Phòng) cũng cho rằng, dự thảo luật đã bổ sung chế độ thai sản đối với người tham gia BHXH tự nguyện theo mức là 2 triệu đồng cho 1 lần sinh. Tuy nhiên cần chia thành các mức khác nhau.
Bà Thưởng bày tỏ: “Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đa số phụ nữ là lao động tự do, nông dân không có tiền lương hàng tháng, khi nghỉ sinh con điều kiện kinh tế sẽ khó khăn. Vì vậy, thay vì đưa ra mức 2 triệu đồng lần sinh, cần chia theo các mức: sinh con thường là 2 triệu đồng; sinh con phải phẫu thuật là 3 triệu đồng; trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng”.
Đề xuất nâng mức hỗ trợ lên 3,6 triệu đồng
Về mức trợ cấp thai sản đối với lao động tham gia BHXH tự nguyện, theo đại diện Công đoàn ngành Giáo dục, mức trợ cấp như đề xuất của dự thảo là quá thấp, không đáp ứng được với các chi phí trong thời gian mang thai, sinh con. Đặc biệt, căn cứ vào mức sống của từng vùng, thì số tiền trợ cấp nói trên càng chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu cho người mẹ sinh con.
Chính vì thế, mức trợ cấp trên cần được điều chỉnh tăng lên để đảm bảo thực hiện được chủ trương khuyến khích, thu hút nhiều người tham gia loại hình BHXH tự nguyện của Nhà nước.
Cụ thể, mức trợ cấp hàng tháng tối thiểu phải bằng mức chuẩn hộ nghèo nông thôn. Thời gian hưởng trợ cấp 4 tháng (4 tháng là thời gian hồi phục cần thiết để đảm bảo sức khỏe cho người mẹ sau khi sinh con trước khi quay trở lại làm việc).
Chi phí hưởng chế độ trợ cấp thai sản do ngân sách nhà nước đảm bảo và có sự chia sẻ quỹ BHXH, nhằm đạt được mục tiêu bao phủ toàn dân cho tất cả các bà mẹ sinh con tại Việt Nam.
Đồng tình với các ý kiến đề nghị nâng mức hưởng thai sản khi sinh đối với người tham gia BHXH tự nguyện, đại diện LĐLĐ tỉnh Vĩnh Phúc kiến nghị nâng mức hưởng lên 3,6 triệu đồng để bằng mức hưởng của đối tượng đóng BHXH bắt buộc và điều chỉnh tăng lên theo lương cơ sở vào từng thời điểm.
Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, luật BHXH liên quan đến nhiều đối tượng, độ bao phủ lớn, trong đó lao động nữ chịu tác động đáng kể và đặc thù. Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tổng hợp, báo cáo ban soạn thảo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đóng góp tiếng nói của công đoàn nói chung và đặc biệt là tiếng nói của lực lượng làm công tác nữ công của tổ chức Công đoàn nói riêng, để luật BHXH đảm bảo tính khả thi, khoa học, chặt chẽ trong thời gian tới.
Luật BHXH sửa đổi dự kiến sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 vào tháng 5 tới.
Chính sách BHXH tự nguyện bắt đầu được triển khai từ năm 2008. Qua khảo sát, thống kê của BHXH một số địa phương, những người thuộc đối tượng tham gia BHXH tự nguyện chủ yếu trong khu vực phi chính thức với đặc thù lao động tự do, thu nhập bấp bênh và không bền vững.
Tính đến tháng 3.2024, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt 1,568 triệu người, tăng 13,66% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, so với 17,69 triệu người tham gia BHXH bắt buộc thì số người tham gia BHXH tự nguyện vẫn còn khiêm tốn.
Lao động – Việc làm | Tổng hợp tin tức việc làm 24h