Sốc và bị tổn thương
Chị Thùy Linh (26 tuổi, ở Q.Gò Vấp, đang làm việc cho một công ty giải trí tại Q.10, TP.HCM) nói cô đã từng gặp nhiều trường hợp đồng nghiệp nói chuyện thân thiết trước mặt mình nhưng lại đi nói xấu về mình với sếp.
Chuyện bị đồng nghiệp nói xấu với sếp, ban đầu, Linh được những người khác mách lại. Cô giữ bình tĩnh và im lặng cho qua, vì nghĩ đó là lời đồn thổi, rất có thể không chính xác.
“Nhưng có lần, sếp nhắc nhở tôi về cách làm việc thì dẫn thêm chuyện có nhiều đồng nghiệp nói tôi thế này, thế nọ. Các ý sếp nói như là các đồng nghiệp kể lại với tôi vậy. Tôi mới biết thì ra lời đồn là sự thật. Những lần vậy, tôi bị “sốc” tâm lý, vì tôi luôn cố gắng để hoàn thành tốt công việc. Trong mối quan hệ công sở, tôi là kiểu người đơn giản, trọng việc đối nhân xử thế, nghĩa là mình thoải mái và đề cao sự vui vẻ. Nhưng ai ngờ nhiều đồng nghiệp mình từng làm việc chung thì không như vậy”, Linh kể lại.
Khi biết được điều đó, Linh suy nghĩ nhiều, bị tổn thương sâu sắc. Cô gái trẻ cũng kể lại, cô từng bị stress một thời gian dài, không phải vì công việc mà là vì sợ đồng nghiệp. Cô dần né tránh đồng nghiệp, không còn nói chuyện thoải mái hay vui vẻ như trước nữa.
“Sau này, khi làm ở chỗ mới, tôi cẩn thận hơn. Tôi cố không thể hiện cảm xúc quá nhiều và bình tâm hơn khi nghe người khác nói xấu mình với sếp. Kim chỉ nam của tôi là tập trung hoàn thành tốt công việc”, Linh chia sẻ.
Trao đổi, làm rõ với đồng nghiệp
Trái lại, không chọn cách im lặng, chị Nhật (ở Q.Tân Bình, đang làm cho một công ty lĩnh vực y tế), nói mình sẽ chọn cách chất vấn người nói xấu mình.
Chị nói môi trường công sở của chị khá độc hại. Nhiều lần, chị chứng kiến đồng nghiệp vui cười trước mặt nhau, nhưng vừa quay lưng đi thì đối phương đã dè bỉu về ngoại hình, xoi mói chuyện tình cảm, đời tư và thậm chí lấy nó ra châm chọc, phán xét với quản lý.
“Vài lần, tôi tan làm muộn và ngồi nghe được câu chuyện giữa sếp và một đồng nghiệp ở bộ phận khác. Khi được sếp hỏi thăm các đầu việc ổn không, vướng ngại chỗ nào thì người đồng nghiệp này liên tiếp giải thích các lỗi sai là do các thành viên trong nhóm. Ví dụ, do chị D. gửi tài liệu đối tác trễ, do anh P. không viết báo cáo đủ tiến độ nên cả team trì trệ hay do bé G. còn mới chưa theo kịp nhóm… Sau đó, tôi để ý sếp nhắc những việc này nhiều hơn với người bị đổ lỗi”, chị Nhật cho biết.
Đến bây giờ, chị Nhật chưa rõ mình có trở thành tâm điểm của chuyện nói xấu không, vì chị thường không chú tâm chuyện ngoài công việc. Nhưng nếu chị nghe được các lời “chọc gậy bánh xe” đó, chị sẽ chất vấn trực tiếp người “tung tin đồn”, vì nó ảnh hưởng đến uy tín của chị và đánh giá của cấp trên.
Việc gặp gỡ trực tiếp đồng nghiệp sẽ làm sáng tỏ tình hình. Ngoài ra, nếu nghiêm trọng, chị Nhật sẽ gặp sếp để chia sẻ, nhờ hỗ trợ.
Hãy cứ chú tâm hoàn thành tốt công việc
Khi hỏi 5 người lao động về cách xử lý khi nếu biết mình bị bình phẩm sau lưng với sếp, thì cả 5 người đều có cách ứng xử khác nhau, nhưng tựu trung lại, tất cả cho rằng sẽ tập trung hơn vào công việc.
Anh N.G.B (35 tuổi, đang làm ở một công ty quảng cáo ở Q.3) cho hay anh sẽ im lặng vì không muốn dự phần vào vấn đề mà đồng nghiệp đi bàn tán. Thay vào đó, anh sẽ tiếp tục làm việc chăm chỉ và phấn đấu hơn do năng suất, cách làm việc là yếu tố chứng minh bản thân nhiều nhất.
“Tôi nghĩ mình cứ tập trung vào nó thôi. Còn lại vấn đề như mối quan hệ đồng nghiệp, nếu thấy không ổn thì mình nhảy việc hoặc báo cáo cấp trên. Sếp tôi là người có tâm. Anh từng nhiều lần bảo là mình cũng thường xuyên nghe ngóng mọi người để nắm bắt tình hình người lao động. Anh sẽ chủ động điều hướng câu chuyện để cuộc hội thoại không bị sa lầy thành nói xấu người khác, và sẽ cho cơ hội người lao động phản biện lại khi có ai đó mách một vấn đề trầm trọng”, anh B. nêu quan điểm.
Lao động – Việc làm | Tổng hợp tin tức việc làm 24h