Nhu cầu ngày càng tăng
Anh Lê Văn Thuận (34 tuổi, ngụ tại Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk), chủ trại huấn luyện chó FF47, cho hay, mỗi tháng, có 15-25 chú chó được mang đến để tham gia các khóa huấn luyện. Những con chó sẽ được học các kỹ năng cơ bản, được vui chơi, kết nối với những chú chó khác để trở nên khỏe mạnh và vâng lời hơn.
Học phí đào tạo của mỗi chú chó thường dao động từ 5 đến 8 triệu đồng/tháng, tùy theo độ tuổi, giống chó và yêu cầu của người chủ.
“Bộ môn huấn luyện là thú vui của những người yêu thích thú cưng và dần trở thành một môn thể thao thật sự. Nhờ đó, nghề huấn luyện chó đã có nguồn thu nhập ổn định. Người học và thành thạo nghề cũng có thể tự mở trang trại huấn luyện chó của riêng mình”, anh Thuận nói.
Theo anh Thuận, một người huấn luyện chó chuyên nghiệp ở trang trại sẽ kiếm được 40-80 triệu đồng/tháng. Họ còn có thể tăng thu nhập nhờ dịch vụ nhân giống, bán thức ăn hoặc các dụng cụ huấn luyện cho chó.
“Riêng trang trại của tôi, hằng tháng, doanh thu từ việc đào tạo học viên theo nghề, huấn luyện chó, nhân giống, mở dịch vụ lưu trú, kinh doanh sản phẩm cho thú cưng,… dao động từ 100 đến 200 triệu đồng”, anh Thuận chia sẻ.
Để trở thành người huấn luyện chó chuyên nghiệp, anh Thuận cho hay học viên phải trải qua 2-3 tháng đào tạo. Người theo nghề phải thật sự yêu thương động vật thì mới rèn được tính kiên nhẫn và chịu được những áp lực.
Huấn luyện viên còn phải nắm các kiến thức thú y, cách xây dựng chuồng trại, khu thả, tập luyện, chăm sóc chó và hiểu khả năng ghi nhớ của loài vật này. Trong quá trình đào tạo, huấn luyện viên dạy từ kiến thức dễ đến khó, không được đốt cháy giai đoạn, bỏ bất kỳ bước nào.
Người huấn luyện còn phải có sức khỏe bền bỉ, dẻo dai. Họ và cả chú chó đều bắt buộc phải tiêm phòng ngừa bệnh dại định kỳ trước khi bước vào khóa huấn luyện, để hạn chế rủi ro bị thương, nhiễm bệnh.
“Thời gian huấn luyện sẽ tùy vào nhu cầu của người chủ chó, nhưng đa phần chỉ cần mất 2-3 tháng đối với cách đào tạo thông thường và từ 6 tháng đến 1 năm đối với chú chó chuẩn bị đi thi chuyên nghiệp”, anh Thuận nói.
Biến nghề thành môn thể thao chuyên nghiệp
Anh Võ Nguyên, quản lý trại huấn luyện chó Tân Khuyển (huyện Hóc Môn, TPHCM), cho biết, huấn luyện viên sẽ đào tạo một chú chó 2 lần/ngày, mỗi lần trong vòng 30 phút.
Hằng tháng, trang trại có khoảng 30 con chó được mang đến để tham gia khóa huấn luyện. Mặc dù công việc tạo ra thu nhập cao nhưng cũng mang lại áp lực và rủi ro.
“Đào tạo những con chó dữ, có thân hình to lớn thường gây khó khăn cho người huấn luyện. Thỉnh thoảng, người huấn luyện còn bị chó tấn công, cào và cắn gây thương tích”, anh Nguyên nói.
Tuy nhiên, nhờ quy tắc tiêm phòng ngừa bệnh dại định kỳ nên người huấn luyện có thể tránh được trường hợp xấu nhất xảy ra.
Theo anh Thuận, khó khăn nhất đối với huấn luyện viên là gặp những chú chó có khả năng tiếp thu kém. Người huấn luyện phải vô cùng kiên nhẫn, chịu khó giải thích chi tiết cho người chủ và từng bước hướng dẫn chú chó.
“Nếu thật sự yêu chó thì theo nghề rất lâu. Chú chó khi đã cảm nhận được sự yêu thương thì việc huấn luyện cũng trở nên dễ dàng hơn. Tôi nhớ như in lần chú chó mình đã huấn luyện nhiều năm trước, ríu rít vẫy đuôi trong lần gặp lại nhau”, anh Thuận kể.
Trước đây, anh Thuận từng du học ở Cộng hòa Séc nhưng sau đó đã quay về Việt Nam để khởi nghiệp. Năm 2018, anh dắt theo chú chó dòng Malinois như một người bạn đồng hành, đến Đắk Lắk để mở trang trại huấn luyện.
“Ở Séc, tôi đã được tiếp xúc với công việc này và nhận ra đó là một nghề xa xỉ, có tiềm năng. Lúc đó, tôi bắt đầu mọi thứ với số vốn 800 triệu đồng, bắt đầu với việc mở trang trại 3 ha, vừa huấn luyện, vừa là nơi lưu trú cho chó”, anh Thuận chia sẻ.
Khi công việc ngày càng phát triển, anh quyết định hướng đến việc biến nghề huấn luyện chó trở thành một môn thể thao chuyên nghiệp. Tháng 4/2024, anh cũng vừa tổ chức thành công cuộc thi chó thể thao bộ môn bảo vệ tại TPHCM với sự tham gia của nhiều người chơi đến từ các nước như Mỹ, Úc, Ấn Độ, Việt Nam, Malaysia,…
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm