Khi xây dựng chiến lược lao động – việc làm đến năm 2030, TPHCM đánh giá lực lượng lao động thế giới đang có sự thay đổi lớn về công việc.
Trong đó, việc làm xanh (Green jobs), kinh tế số đang trở thành một xu thế của toàn cầu. Những ngành nghề mới sẽ được tạo ra và một số ngành nghề sẽ bị suy giảm.
Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, trong vòng 5 năm tới, ứng dụng công nghệ cao trong mọi lĩnh vực sẽ tạo ra các công việc đòi hỏi trình độ công nghệ cao, thay thế cho các công việc cơ bản.
Đặc biệt, các chuyên gia ước lượng sẽ có 44% kỹ năng cốt lõi thay đổi trong vòng 5 năm tới. Những kỹ năng cốt lõi của lực lượng lao động tương lai là tư duy sáng tạo, tư duy phân tích, tư duy hệ thống, trình độ kỹ thuật số, tính tò mò và học hỏi suốt đời, nhanh nhẹn, linh hoạt và có sức chống chịu…
Từ việc nghiên cứu sự chuyển đổi công việc trong tương lai, chiến lược lao động – việc làm của TPHCM xác định các kỹ năng mà người lao động cần có để đáp ứng yêu cầu công việc.
Yêu cầu kỹ năng lao động cho chuyển đổi số
Theo UBND TPHCM, nhu cầu về các kỹ năng mới trong nền kinh tế số có thể phát sinh theo ba hướng.
Thứ nhất, người lao động trong mọi ngành nghề cần có các kỹ năng công nghệ số, công nghệ thông tin nền tảng để có thể sử dụng những công nghệ đó trong công việc hàng ngày của họ.
Thứ hai, người lao động trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm và dịch vụ công nghệ số, công nghệ thông tin – phần mềm, thương mại điện tử, dữ liệu lớn… đòi hỏi các kỹ năng chuyên môn về công nghệ thông tin để lập trình, phát triển ứng dụng và quản lý mạng.
Thứ ba, người lao động phải có những kỹ năng hỗ trợ về công nghệ số để thay đổi cách xử lý công việc để đáp ứng được yêu cầu ứng dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng cao.
Để chuẩn bị lực lượng lao động cho nền kinh tế số, TPHCM sẽ xây dựng hội đồng chuyên phụ trách trong việc xác định và định hướng phát triển các kỹ năng cần thiết cho tương lai. Từ đó, xác định và đưa bộ kỹ năng cơ bản, phổ cập hóa chúng cho mọi tầng lớp học sinh.
Ngoài ra, Thành phố sẽ có các chính sách thúc đẩy giáo dục và đào tạo kiến thức kỹ thuật số. Đồng thời, phối hợp cùng doanh nghiệp hỗ trợ về tài chính và tạo điều kiện về mặt thời gian cho người lao động được tái đào tạo các kỹ năng này…
“Xanh hóa” thị trường lao động
TPHCM xác định, với những cam kết chuyển đổi xanh của Việt Nam thì nền kinh tế sẽ có những thay đổi cốt lõi về các ngành nghề, cách thức sản xuất, kinh doanh.
Do đó, thành phố định hướng sẽ phát triển lực lượng lao động cho chuyển đổi xanh, xác định sự dịch chuyển trong nhu cầu lao động xanh cho từng ngành và lĩnh vực cụ thể.
Từ đó, TPHCM sẽ có các chương trình, chính sách dịch chuyển lực lượng lao động phù hợp. Trước mắt, thành phố tập trung chuyển dịch lực lượng lao động ở các ngành nghề có cấp độ chuyển dịch xanh cao.
Sắp tới, thành phố sẽ xác định bộ kỹ năng “xanh” cho từng ngành nghề lĩnh vực. Từ bộ kỹ năng này, các cơ sở giáo dục sẽ có trọng tâm để đào tạo người lao động đúng với nhu cầu của thị trường trong tương lai.
Theo UBND TPHCM, việc làm xanh có xu hướng đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn và đòi hỏi trình độ về khoa học công nghệ tương đối cao so với việc làm truyền thống.
Do đó, thành phố đánh giá quá trình chuyển đổi cần thời gian. Quá trình “xanh hóa” thị trường lao động cần có những bước đệm, chuyển đổi những lao động làm những công việc gây ô nhiễm nặng sang những công việc trung lập (không xanh và không gây ô nhiễm) trước, sau đó mới sang những công việc xanh.
Để thúc đẩy tiến trình này, TPHCM sẽ có chính sách hỗ trợ cho người lao động phải chuyển đổi việc làm xanh. Những lao động này sẽ được tái đào tạo các kỹ năng cao hơn để trở nên cạnh tranh hơn.
Tìm kiếm nhân tài từ sớm để đào tạo
Ngoài việc chuyển đổi lực lượng lao động theo diện rộng cho kinh tế số và kinh tế xanh, TPHCM định hướng sẽ phát triển nguồn lực lao động cho nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo.
Theo UBND TPHCM, phát triển nguồn lực lao động cho nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo cần tập trung vào một nhóm lao động nhất định, từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa cho cả lực lượng lao động.
Do vậy, TPHCM định hướng sẽ tuyển dụng, đào tạo và phát triển nhân tài từ sớm bằng nhiều phương pháp.
Đầu tiên, thành phố dự kiến sẽ thiết kế các chương trình học cho học sinh theo hướng khuyến khích học sinh tìm tòi, sáng tạo.
Ngoài ra, thành phố sẽ tổ chức các cuộc thi khoa học để tìm kiếm các tài năng, trao học bổng từ các cấp học thấp.
Một biện pháp khác là thông qua hệ thống giáo dục (đặc biệt là hệ thống trường chuyên, trọng điểm) để tìm kiếm tài năng trẻ, cấp học bổng để xây dựng lực lượng cán bộ nghiên cứu nòng cốt.
Định hướng chung, TPHCM xác định sẽ có chính sách đào tạo và nâng cao trình độ của nhân lực nghiên cứu khoa học thông qua triển khai nhiệm vụ nghiên cứu, phát triển công nghệ tại các cơ sở nghiên cứu, đào tạo có uy tín ở trong và nước ngoài.
Thành phố đặt mục tiêu phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành đẳng cấp quốc tế; phát triển nhân lực khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp và cả nhân lực quản lý nhà nước.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm