Mua xe rồi lại bán xe vì… phong lan
Vũ Đức Nghi (nay 27 tuổi, trú tại xã Lộc Thanh, thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng) được biết đến là thanh niên khởi nghiệp thành công, mang lại cơ hội làm giàu cho nhiều người khác.
Nói về hành trình khởi nghiệp, Nghi chia sẻ, anh sinh ra và lớn lên ở xã Phú Trung, huyện Định Quán, Đồng Nai. Gia đình có 10 anh, chị, em, cuộc sống khó khăn nên khi đang học lớp 10, anh quyết định nghỉ và xin vào làm thuê cho các cơ sở chế biến trầm hương trên địa bàn.
Thời gian này, khi nhận được tiền lương, anh Nghi chuyển một phần cùng trang trải cuộc sống gia đình, phần còn lại tích góp mua xe máy trị giá gần 30 triệu đồng làm phương tiện đi lại.
“Năm 2013, tôi bước qua tuổi 16, cũng là lúc bén duyên với nghề trồng lan. Hồi đó, thấy người anh lên thành phố Bảo Lộc (cách nhà hơn 60km) mua phong lan về bán và có lợi nhuận cao, tôi quyết định bán chiếc xe máy mới mua để lấy vốn đi buôn.
Trong số hơn 20 triệu đồng từ việc bán xe, tôi trích một khoản để kiếm chiếc xe máy cũ làm phương tiện đi lại, còn thì dồn mua phong lan”, anh Nghi chia sẻ.
Theo anh Nghi, vốn đầu tư ban đầu ít nên mỗi lần lên thành phố Bảo Lộc, anh chỉ mua những giò phong lan nhỏ rồi đưa về Đồng Nai bán cho khách. Những năm sau, việc buôn bán thuận lợi, lãi cao nên anh có điều kiện mở rộng quy mô kinh doanh, nhập các giống hoa có giá trị kinh tế cao rồi về nhân giống, phân phối ra thị trường.
“Đến năm 2017, khi 20 tuổi, từ việc buôn bán lan, tôi tích góp được gần 6 tỷ đồng. Số tiền này tôi mua 0,6ha đất tại xã Lộc Thanh, thành phố Bảo Lộc và đầu tư xây dựng khu sản xuất các loại phong lan”, Vũ Đức Nghi kể lại.
Nuôi giấc mộng xuất khẩu lan
Đến nay, anh Nghi đã mở rộng khu vườn lên 1ha, trồng trên 300 loài lan, cả giống bản địa và ngoại nhập.
Anh Nghi phân tích: “Thành phố Bảo Lộc có điều kiện khí hậu phù hợp để lan phát triển. 95% các loại phong lan trong, ngoài nước khi đưa về trồng tại nông trại đều sinh trưởng tốt và nở hoa”.
Hiện nay, cùng với việc phát triển các loài lan sẵn có, anh Nghi tiếp tục nhập khẩu giống mới từ Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ về trồng. Khi có giò lan giống, chủ trang trại tiến hành nhân giống, đưa vào khu ươm, dưỡng, khi cây ổn thì cung ứng ra thị trường. Được biết, để có một giò phong lan đưa đến tay người chơi, chủ vườn phải chăm sóc 2-3 năm, thậm chí trên 5 năm.
Với quy mô hiện tại, mỗi tháng anh Nghi xuất bán ra thị trường khoảng 1.000 giò lan các loại với mức giá 100.000-500.000 đồng/giò.
Chia sẻ về doanh thu, thanh niên 27 tuổi nói: “Mỗi năm, sau khi trừ hết chi phí, 1ha vườn lan, tôi đạt lãi ròng khoảng 2 tỷ đồng”.
Cùng với việc mở rộng sản xuất, kinh doanh hoa lan, hiện anh Nghi liên kết, chuyển giao kỹ thuật cho 10 nông hộ khác trong vùng. Cơ sở sản xuất của anh cũng tạo công ăn việc làm cho 6 lao động thường xuyên, 60 lao động thời vụ với mức lương trung bình 6-8 triệu đồng/người/tháng.
Chia sẻ về định hướng, chủ vườn lan nói: “Thời gian tới, tôi tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất và thực hiện thêm mô hình trồng lan hồ điệp, lan vũ nữ để cắt cành hoa bán cho đối tác.
Tôi cũng dự định mở khu bảo tồn các loại hoa lan của Việt Nam làm dịch vụ, phục vụ nghiên cứu, góp phần phát triển ngành hoa lan trong nước. Mong muốn lớn nhất hiện nay của tôi là thực hiện một cách bài bản để hướng đến xuất khẩu hoa lan ra nước ngoài”.
Ông Nguyễn Minh Hiếu, Chủ tịch UBND xã Lộc Thanh, thành phố Bảo Lộc, cho biết trang trại hoa lan của anh Vũ Đức Nghi là mô hình hiệu quả, có giá trị kinh tế cao, điển hình của địa phương.
“Việc sản xuất hoa lan của anh Nghi đạt giá trị thu nhập 3-4 tỷ đồng/ha/năm, tạo công ăn việc làm cho 60 người tại địa phương.
Hiện nay, chủ cơ sở đã chuyển giao, nhân rộng và hỗ trợ thêm 10 hộ khác cùng làm giàu. Địa phương đang khuyến khích và hỗ trợ gia đình anh Nghi phát triển thêm mô hình trong thời gian tới”, ông Nguyễn Minh Hiếu chia sẻ.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm