Ông Nguyễn Minh Nhủ (50 tuổi, ngụ xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) vừa được Hội Nông dân Việt Nam vinh danh là nông dân xuất sắc năm 2024.
“Nuôi tôm không dễ ăn, có lúc còn nghèo hơn làm muối”
Ông Nhủ là chủ trang trại nuôi tôm công nghệ cao rộng 18ha. Năm vừa qua, ông thu hoạch 400 tấn tôm thương phẩm, đạt tổng doanh thu 45 tỷ đồng, lãi hơn 20 tỷ đồng, trở thành nông dân làm ăn có lãi nhiều nhất cả nước.
Dù vậy, ông Nhủ cho biết xuất phát điểm của ông chỉ là một người làm muối, ăn bữa nay lo bữa mai. Cuộc sống gia đình chỉ tốt lên khi ông chấp nhận rủi ro, mạnh dạn phá ruộng muối để làm ao tôm.
Tỷ phú nông dân kể, là con út, ông được thừa hưởng 2ha ruộng muối cha mẹ để lại. Mảnh đất nằm ngay cửa sông Ba Lai, thấp trũng, đường vào khó khăn nên không có nhiều giá trị.
Thời gian đầu, ông Nhủ nối nghiệp cha mẹ, tiếp tục làm muối. Nhưng nghề muối thu nhập thấp, lại bấp bênh, có những năm làm chẳng đủ ăn.
Ông Nhủ nhớ lại, những năm 2000 là thời gian làm muối khó khăn nhất, thời tiết bất lợi nên sản lượng giảm, giá lại thấp. Nhưng cũng cơn bĩ cực đó đã ép ông phải thay đổi.
“Năm 2010, vì làm muối quá khó khăn, tôi đánh liều phá một phần ruộng muối để đào ao nuôi tôm. Mấy năm đầu nuôi rất trúng, nên năm 2014 tôi chuyển toàn bộ 2ha ruộng muối thành ao tôm”, ông Nhủ kể.
Tuy nhiên khi ông Nhủ quyết định ăn thua với con tôm cũng là lúc thách thức của nghề nuôi tôm ập đến. Thiếu kiến thức, ít kinh nghiệm, nuôi tôm ao đất lại rủi ro cao, dịch bệnh dẫn đến việc nhiều vụ tôm ông Nhủ mất trắng.
“Không dễ ăn chút nào, có những năm một vụ trúng thì 3 vụ lỗ, cũng có lúc vì nuôi tôm mà nghèo hơn lúc còn làm muối”, ông nông dân nói.
Ông nông dân ngoài 40 tuổi đi học nghề
Nhưng trong những ngày khó khăn nhất, ông Nhủ vẫn tin con tôm mới là “cửa sáng”. Hơn nữa ruộng muối có thể đào thành ao tôm, nhưng ao tôm thì không làm lại thành ruộng muối được, tình thế buộc ông nông dân phải tiếp tục đầu tư để đi đường dài với con tôm.
Để khắc phục khó khăn, ông Nhủ quyết tâm đi học kỹ thuật nuôi tôm khi đã ngoài 40 tuổi. Năm 2017, ông bắt đầu từng bước chuyển đổi từ nuôi tôm ao đất sang nuôi ao bạt, sử dụng nhiều máy móc, áp dụng kỹ thuật chăm sóc tôm nhiều giai đoạn.
Với kỹ thuật mới, ao tôm của ông Nhủ có hiệu quả kinh tế hơn hẳn, giảm chi phí thức ăn, thuốc men, tôm lại gần như không dịch bệnh, chất lượng cao nên được giá.
“Khi ao tôm được che chắn tốt thì không còn nguồn dịch bệnh xâm nhập nữa. Các chỉ số môi trường, chất lượng nước, sức khỏe tôm đều được theo dõi hàng ngày và có thể can thiệp nhanh chóng. Nhờ đó mà tỷ lệ vụ nuôi thắng lên đến 95%”, ông Nhủ chia sẻ.
Trước đây, ông Nhủ còn phải tự đi kiểm tra màu nước, đo pH hồ nuôi. Nhưng mấy năm nay ông nông dân đã lắp đặt hệ thống theo dõi ao tôm tự động, hệ thống máy cho tôm ăn tự động. Nhờ đó mà không còn lo nắng mưa, ông Nhủ thản nhiên ngồi ở nhà mà vẫn sát sao được toàn bộ trang trại.
Chỉ từ 2ha đất ban đầu, sau những vụ tôm trúng liên tiếp, ông Nhủ không ngừng mua thêm đất, mở rộng trang trại. Trang trại càng rộng, quy mô càng lớn ông lại càng dễ áp dụng công nghệ mới, có điều kiện đàm phán được giá thức ăn cho tôm và giá bán tôm tốt hơn, hiệu quả kinh tế càng cao.
Cán bộ Hội Nông dân xã Bảo Thạnh cho biết, ông Út là người tiên phong ở huyện Ba Tri xây dựng trang trại nuôi tôm công nghệ cao.
Trang trại nuôi tôm của ông Út đang giải quyết việc làm cho 18 lao động địa phương, với mức lương 9 triệu đồng/người/tháng. Hàng năm, ông Út cũng trích một phần lợi nhuận đóng góp cho các hoạt động xây dựng giao thông, xây nhà tình nghĩa và hỗ trợ người nghèo của địa phương.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm