Báo Thanh Niên từng đăng loạt bài Nghỉ hưu sớm, phản ánh sức hút của xu hướng “bỏ phố về quê” với người lao động trẻ. Khảo sát cho thấy, một số thì chuộng lối sống bình yên và mong muốn để giải tỏa áp lực. Số khác muốn về quê để làm nông nghiệp sạch, phát triển các dịch vụ nghỉ dưỡng, du lịch hoặc làm các công việc liên quan sáng tạo nội dung trên mạng xã hội, kinh doanh online.
Đây cũng là xu hướng chuyển dịch lao động mới từ thành thị về nông thôn mà nhiều chuyên gia khuyến cáo Nhà nước nên chú trọng thêm để giải tỏa áp lực việc làm tại đô thị.
Thích “nhảy việc” hay là mưu cầu môi trường tốt?
Dù vậy, thực tế “bỏ phố về quê” này cũng là một trong những nguyên do dẫn đến nhiều định kiến trong quan hệ lao động ngày nay như gen Z (Generation Z, là thế hệ trẻ được sinh ra từ khoảng năm 1997 tới 2012; một số người cũng nói rằng gen Z sinh từ năm 1995 đến 2010) không biết quý trọng công việc, gen Z có sức chịu đựng kém, thích nhảy việc nếu vừa ý.
Anh Nguyễn Hoàng Hiệp (đang học chương trình sau đại học tại Hà Lan) trước đây từng là Quản lý nhân sự cấp cao của Lazada – một nền tảng thương mại điện tử, cho rằng cần thêm số liệu thống kê cụ thể từ những đơn vị, tổ chức uy tín để đánh giá thực trạng “bỏ phố về quê”.
Mặc dù anh Hiệp cũng đánh giá đây là một xu hướng mới nở rộ trong những năm gần đây, nhưng anh nhận xét chỉ đang có một số ít cá nhân “bỏ phố về quê” được đề cập tới trên truyền thông và trở thành đề tài được mọi người quan tâm thảo luận. Còn về tình trạng người trẻ có xu hướng nghỉ việc, nhảy việc nhiều, anh Hiệp cho rằng đó là chuyện hoàn toàn bình thường.
“Trong thị trường lao động hiện nay, có thể nói số lượng người lao động nhiều hơn số lượng vị trí việc làm. Đối với người trẻ, xu hướng tìm một môi trường làm việc vui vẻ, hòa đồng, đúng sở thích, đang dần trở thành những tiêu chí quan trọng và được quan tâm nhiều hơn, bên cạnh mức thu nhập ổn định. Do đó, nhảy việc để tìm cho mình một nơi làm việc tốt hơn, phù hợp hơn với họ là dễ hiểu”, anh Hiệp nói.
Đánh giá người lao động gen Z, anh Hiệp cho hay các bạn trẻ rất chủ động, nhiệt huyết, có nhiều kỹ năng, giao tiếp rất tốt. Họ biết cách làm mới mình, học hỏi liên tục từ các anh chị đồng nghiệp, bạn bè.
Tuy nhiên, cũng có nhiều bạn thiếu đi sự năng động trong công việc, còn hời hợt trong cách làm, ứng tuyển.
Còn định kiến, phân biệt lực lượng lao động trên 35 tuổi?
Trái với người lao động trẻ, lứa gen Z, nhóm lao động trên 35 tuổi, đặc biệt là nhóm U50 không chủ động nhảy việc nhiều như các bạn trẻ.
Anh Hiệp nêu lý do vì người lao động lớn tuổi đã có được vị trí ổn định và có nhiều mối quan tâm khác như gia đình, con cái chứ không chỉ là sự nghiệp. Thế nên, họ thường sẽ ưu tiên tới tính ổn định nhiều hơn. Tuy nhiên, với những người làm văn phòng, đặc biệt là tại các doanh nghiệp lớn, thì hầu như đều là những người có kinh nghiệm làm việc, có kiến thức quý báu đáng được học hỏi.
Còn đối với nhóm phổ thông tại các công xưởng, nhà máy thì lao động lớn tuổi sẽ gặp nhiều hạn chế về cơ hội nghề nghiệp.
“Thị trường lao động Việt Nam còn tồn tại những định kiến nhất định về chuyện người lớn tuổi thì không nhanh nhẹn, không còn trẻ khỏe như các bạn trẻ, mức độ tiếp thu của họ cũng không nhanh nhẹn bằng. Với những vị trí không cần quá nhiều kinh nghiệm như lao động phổ thông, chân tay thì đúng là các công ty có xu hướng không ưu tiên tuyển những người lớn tuổi”, anh Hiệp phân tích.
Theo anh Hiệp, một trong những lý do khá thực tế trong tuyển dụng lao động phổ thông là tài chính. Nếu doanh nghiệp tuyển một bạn trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm thì mức chi phí họ phải trả thấp hơn rất nhiều so với người đã có nhiều năm kinh nghiệm.
Ưu tiên tuyển dụng ai?
Phóng viên đặt câu hỏi: “Đặt trong một giả định 2 người lao động 25 tuổi và 45 tuổi cùng ứng tuyển vào một vị trí, anh sẽ ưu tiên chọn ai và căn cứ những tiêu chí nào?”.
Anh Hiệp trả lời điều này sẽ phụ thuộc vào yêu cầu của vị trí đang tuyển. Giả sử, công ty đang cần tuyển vị trí giám đốc thì giữa một bạn trẻ chỉ mới có 1 – 2 năm kinh nghiệm và một người 45 tuổi đã có hơn 20 năm kinh nghiệm thì đơn vị phải chọn người thứ hai.
Hay trường hợp khác, công ty tìm một bạn chuyên xử lý giấy tờ, xử lý các hồ sơ, tác vụ đơn giản thì nếu tuyển một bạn sinh viên mới ra trường, công ty sẽ chỉ cần trả khoảng 8 triệu đồng/tháng. Còn nếu tuyển một người 45 tuổi đã từng làm qua nhiều cấp bậc, từng lên chức quản lý thì mức giá để tuyển người này là 50 triệu đồng/tháng. Công ty sẽ chọn người thứ nhất.
Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM) cho biết, theo kết quả khảo sát nhu cầu sử dụng lao động tại 1.443 doanh nghiệp với tổng số lao động khoảng hơn 40.000 người thì lao động dưới 25 tuổi chiếm 20,88%; lao động từ 25 – 34 tuổi chiếm 43,77%; lao động từ 35 – 49 tuổi chiếm 28,04%; lao động từ 50 tuổi trở lên chiếm 7,31%.
Ngoài ra, lao động quản lý chiếm 9,02%; lao động gián tiếp chiếm 17,32%; lao động trực tiếp chiếm 73,66%.
Còn phân theo trình độ chuyên môn kỹ thuật thì lao động làm việc trong doanh nghiệp chủ yếu là lao động có trình độ đại học trở lên chiếm 29,45%; cao đẳng chiếm 18,24%; trung cấp chiếm 12,9%; sơ cấp chiếm 13,61%; lao động phổ thông chiếm 25,8%.
Lao động – Việc làm | Tổng hợp tin tức việc làm 24h