Khi được đặt vấn đề nên chọn công ty lớn hay công ty nhỏ làm việc sau khi ra trường thì chị Ngọc Huyền (27 tuổi, nhân viên văn phòng ở Q.3, TP.HCM) liền trả lời rằng nên chọn công ty lớn trước.
Công ty lớn có nhiều kinh nghiệm, va chạm
Theo chị Huyền, các công ty lớn sẽ giúp cho các bạn sinh viên mới ra trường cơ hội đào tạo để các bạn lấy thêm kinh nghiệm, thích nghi cách vận hành chuyên nghiệp của một tổ chức lớn.
Làm ở công ty lớn có thể làm đẹp CV, tên tuổi của công ty lớn chắc chắn sẽ là một lợi thế khi người lao động muốn chuyển sang công việc khác sau này.
Về vấn đề tiền lương, chị Huyền cho rằng gen Z mới ra trường chưa cần tiết kiệm quá nhiều cũng như chưa phải chi nhiều thứ, thế nên hãy khoan ưu tiên tiền bạc.
Tương tự ý kiến này, chị Ngọc Mai (26 tuổi, đang làm nhân viên truyền thông – marketing cho một công ty về lĩnh vực dược ở Q.Tân Bình, TP.HCM) kể rằng khi ra trường, chị chọn thực tập rồi ở lại làm việc luôn tại một công ty truyền thông. Quy mô của công ty này khá lớn, có khoảng 300 nhân viên. Vào làm việc ở nơi này, mức lương của chị chỉ tầm 5 triệu đồng trong ít nhất 6 tháng đầu. Nhưng đổi lại, chị có nhiều kinh nghiệm và học được cách làm việc có tổ chức.
Sau một năm đầu, lương của chị tăng lên khoảng 8 triệu đồng, rồi 10 – 15 triệu đồng/tháng, tùy năng suất. Chuyển chỗ làm mới, chị lấy thương hiệu công ty cũ làm đẹp hồ sơ cá nhân.
“Khi tới giai đoạn này thì tự khắc người lao động trẻ sẽ thấy bản thân hợp làm việc ở đơn vị có quy mô như thế nào để phát triển tiếp”, chị Mai nêu quan điểm.
Công ty “nhỏ nhưng có võ”
Trong khi đó, chị Miên (26 tuổi, nhân viên ở một trung tâm ngoại ngữ tại Q.1, TP.HCM) lại cho rằng sinh viên mới ra trường hãy chọn công ty có quy mô nhỏ hơn để được phát triển nhiều đầu việc, nhiệm vụ.
Môi trường làm việc ở công ty nhỏ linh hoạt hơn. Điều này sẽ gia tăng đáng kể kinh nghiệm, kỹ năng của các bạn mới ra trường.
“Mình đã làm hai năm ở công ty nhỏ và mình thấy bản thân mình cải thiện được rất nhiều kỹ năng. Trước đó mình làm ở một doanh nghiệp lớn. Đa số các đơn vị có quy mô nhân sự lớn thường chi lương thấp cho newbie (người mới), ảnh hưởng đến đời sống nhân viên lắm. Công việc căn bản, paperwork (liên quan hành chính, giấy tờ) nên nhiều khi mình hoài nghi giá trị của mình”, chị Miên cho hay.
Quan trọng là sự ưu tiên cá nhân
Việc xác định thực tập, dấn thân làm việc vào một doanh nghiệp lớn hay nhỏ, theo chị Hà Phương (30 tuổi, làm ở phòng hành chính – nhân sự tại một công ty về vật tư y tế ở TP.HCM) sẽ phụ thuộc rất nhiều vào sự ưu tiên cá nhân người lao động.
Cụ thể, chị Phương cho rằng ai cũng mong muốn có một cuộc sống đủ đầy, cả điều kiện vật chất lẫn tinh thần. Thế nên, nguyên tắc công việc không nên dừng lại ở chuyện “được gì mất kia”, mà phải giúp người lao động sinh tồn, thỏa mãn, đầu tư cho tương lai.
“Công việc phù hợp với mỗi người là tùy thời điểm và sự ưu tiên cá nhân. Ở công ty lớn hay công ty nhỏ đều có những ưu điểm và nhược điểm nhất định, chủ yếu xoay quanh vấn đề phúc lợi và cơ hội đào tạo. Quan trọng là các bạn sinh viên mới ra trường đã khám phá bản thân và có lộ trình phát triển nghề nghiệp thế nào”, chị Phương cho hay.
Lao động – Tin Tức Việc làm