Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội đề xuất 2 phương án rút bảo hiểm xã hội một lần. Phương án 1 giữ nguyên như hiện hành, là 12 tháng không thuộc diện bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm thì được rút một lần.
Phương án 2 thay đổi theo hướng dẫn cho phép người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần nhưng không quá 50% tổng thời gian đóng bảo hiểm, Quỹ hưu trí và Quỹ tử tuất, phần còn lại sẽ được bảo lưu, ghi nhận trên sổ bảo hiểm xã hội để người lao động có thể tiếp tục tham gia và hưởng chế độ khi đã đủ tuổi nghỉ hưu.
Bổ sung cơ chế hỗ trợ để người lao động không rút BHXH một lần
Thể hiện quan điểm về nội dung này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu thông (Bình Thuận) đề xuất tích hợp giữa hai phương án trình Quốc hội.
Theo đó, với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/7/2025 thì vẫn cho phép được hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo lộ trình giảm dần và chấm dứt vào năm 2030. Đồng thời, bổ sung thêm điều kiện quy định theo hướng có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích người lao động không rút bảo hiểm xã hội một lần.
“Phương án này sẽ giảm tình trạng gia tăng đột biến số người đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần trước khi luật có hiệu lực”, ông Thông nói.
Hơn nữa, quy định như vậy không tạo ra sự so sánh giữa những người lao động tham gia trước và sau khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực.
Cũng theo ông Thông, quy định như vậy có thể giảm bớt các phản ứng tiêu cực của người lao động, cùng với cơ chế hỗ trợ, khuyến khích người lao động không rút bảo hiểm xã hội một lần, sẽ tạo sự đồng thuận và ủng hộ của người lao động.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương), cũng đề nghị tích hợp và tiếp tục cân nhắc cả 2 phương án.
“Cả 2 phương án này vẫn chưa phải phương án tối ưu, vì thực tế ở nước ta, nhiều người rất cần một khoản chi phí để trang trải, vượt qua những khó khăn trước mắt, nên không thể hạn chế việc rút bảo hiểm xã hội một lần đối với những người tham gia bảo hiểm xã hội sau khi luật này có hiệu lực như phương án 1”, bà Nga phân tích.
Theo bà, quy định như vậy có thể gây những phản ứng trái chiều, thậm chí khiến nhiều người dân cảm giác bị đẩy vào thế khó, dẫn đến việc mất niềm tin vào hệ thống bảo hiểm.
Trong khi đó, nếu chỉ áp dụng phương án 2, nhiều người đang tham gia bảo hiểm cũng sẽ cảm thấy quyền lợi bị hạn chế, bị mất công bằng và ồ ạt rút bảo hiểm xã hội trước khi luật này có hiệu lực.
Bà đề xuất quy định theo hướng với người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày luật này có hiệu lực thì áp dụng phương án 1.
Còn đối với người tham gia bảo hiểm xã hội, sau khi luật này có hiệu lực thì áp dụng phương án 2, nghĩa là sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm có yêu cầu, sẽ được giải quyết một phần nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất.
Đề xuất người lao động được vay tín dụng với lãi suất ưu đãi
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) đề xuất để hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần, cần nghiên cứu phương án hỗ trợ cho vay tín dụng với lãi suất ưu đãi đối với người lao động thật sự khó khăn và có xác nhận của doanh nghiệp với thủ tục nhanh gọn, thuận lợi.
“Việc hỗ trợ cho vay cần được dựa vào thời gian đóng bảo hiểm, nếu thời gian càng lâu sẽ được vay càng nhiều. Ví dụ, lãi suất cho vay bình quân 7- 8%/năm thì người lao động được vay với lãi suất 2-3%/năm”, ông Thanh kiến nghị.
Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý (Đồng Nai) cho rằng phương án 1 có ưu điểm là đảm bảo kế thừa quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, không tạo ra sự xáo trộn trong xã hội, tránh được những phản ứng ngừng việc tập thể của người lao động đã từng xảy ra ở Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
“Về lâu dài, người tham gia mới sẽ không còn được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nên góp phần gia tăng số người ở lại hệ thống để được thụ hưởng các chế độ của bảo hiểm xã hội từ chính quá trình tích lũy của mình, giảm gánh nặng cho xã hội, ngân sách Nhà nước, giảm dần nghịch lý người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần khi vẫn còn trong độ tuổi lao động”, nữ đại biểu phân tích.
Theo bà, phương án này cũng thực hiện đúng nguyên lý của bảo hiểm xã hội và đảm bảo an sinh tuổi già cho người lao động. Giống như đại biểu Nguyễn Duy Thanh, bà Như Ý đề nghị có chính sách về tín dụng ưu đãi, dạy nghề, chuyển đổi nghề nghiệp để phát triển thị trường lao động cũng như giảm thiểu thấp nhất tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, để người lao động được hưởng chế độ hưu trí.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu thực trạng Việt Nam đang vấp phải là đối tượng từ 35 tuổi trở lên nghỉ việc rất nhiều.
Nguyên nhân, theo ông Hòa, do doanh nghiệp “suy dinh dưỡng”, ngừng hoạt động nên công nhân nghỉ việc và thường khi người lao động bị nghỉ việc thường phải rút bảo hiểm xã hội.
Ủng hộ phương án 1, song ông Hòa đề nghị bổ sung quy định Ngân hàng chính sách xã hội phải cho vay với những đối tượng không rút bảo hiểm xã hội một lần mà muốn duy trì để khi nghỉ việc vẫn có số tiền vay đó trang trải cuộc sống.
Để thuận lợi, phát huy tính dân chủ của đại biểu, ông Hòa ủng hộ việc lấy phiếu ý kiến về 2 phương án rút BHXH một lần.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm