Trong phạm vi hoàng cung triều Nguyễn, điện Thái Hòa là công trình kiến trúc quan trọng nhất xét về nhiều mặt: chức năng, vị trí, ý nghĩa lịch sử, giá trị văn hóa nghệ thuật.
Điện Thái Hòa là địa điểm sinh hoạt quan trọng nhất của triều đình nhà Nguyễn. Đây là nơi diễn ra các lễ Đại triều hằng tháng (ngày 1 và 15 âm lịch ), lễ Hưng Quốc Khánh Niệm… với sự tham gia của vua, hoàng thân quốc thích và các vị đại thần.
Công trình kiến trúc này được khởi công xây dựng ngày 21/2/1805, hoàn thành vào tháng 10/1805. Tháng 3/1833 khi quy hoạch lại hệ thống kiến trúc ở Đại nội, Vua Minh Mạng đã cho dời điện Thái Hòa về phía Nam, xây dựng đồ sộ, nguy nga hơn.
Qua hàng trăm năm tồn tại, trước các tác động của thời gian và khí hậu khắc nghiệt, điện Thái Hòa xuống cấp nghiêm trọng dù đã trải qua hơn 20 lần trùng tu.
Tháng 4/2022, điện Thái Hòa được Trung tâm Bảo tồn di tích Huế tháo dỡ trùng tu với tổng kinh phí 128 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước, theo giải pháp trùng tu hạ giải toàn phần. Các chi tiết nhỏ nhất của điện được ghi lại bằng công nghệ 3D để đối chiếu về sau.
Sau thời gian thi công, đến nay dự án trùng tu điện Thái Hòa đã đi vào những công đoạn cuối. Đơn vị thi công đặt mục tiêu hoàn thành trước năm 2025.
Thợ vẽ trang trí, sơn son thếp vàng trên hệ thống cột chính của điện Thái Hòa.
Theo đại diện đơn vị thi công, một trong những khâu quan trọng nhất của quá trình trùng tu di tích nói chung, điện Thái Hòa nói riêng là trang trí, sơn son thếp vàng cho các hạng mục gỗ. Đây là công đoạn hết sức kỳ công, đòi hỏi sự tỉ mỉ.
Bóc vàng lá 24k cho vào dụng cụ để tạo thành bột, dùng cho công đoạn sơn son thếp vàng.
Được biết, sơn son thếp vàng cần phải có những vật liệu truyền thống chính, như: sơn ta (sơn lấy từ nhựa cây sơn của núi rừng Bắc bộ), vàng quỳ, bạc quỳ, bột màu, nhựa thông, dầu trẩu, dầu hỏa, vải trắng, giấy nhám, keo epoxy, bột gỗ xay mịn, bột đá…
Trước khi thực hiện trang trí, sơn son thếp vàng, các cấu kiện gỗ cần phải qua nhiều công đoạn xử lý bảo quản phòng mối mọt, vệ sinh bề mặt, trám các vết nứt nhỏ, sơn lót, mài mịn, sơn cầm,…
Theo đại diện đơn vị thi công, quá trình sơn gỗ rất cầu kỳ.
Riêng hệ thống 80 cột của điện Thái Hòa, có 66 cột được sơn son, vẽ linh vật rồng, thếp vàng uốn quanh.
Để có những hình vẽ chính xác, các nghệ nhân sẽ bọc các bản quét từ hiện vật gốc quanh cột rồi lấy dấu, cẩn thận quét lớp sơn cầm lên bề mặt những hoa văn cần thếp vàng.
Sau đó, dùng vàng lá được dát mỏng để thếp lên hoa văn hay chi tiết cần trang trí. Cuối cùng, thợ sơn lộng bao quanh các hoa văn, họa tiết đã thếp vàng để hoàn thiện đường nét cho sắc sảo, tinh tế.
Đại diện đơn vị thi công cho biết, công đoạn trang trí mỗi một cột điện Thái Hòa tùy theo số người sẽ kéo dài 5-7 ngày mới hoàn thành.
Hiện nay, đơn vị thi công tập trung hơn 60 nhân lực, trong đó có khoảng 40 thợ sơn son thếp vàng và các nghệ nhân, họa sĩ vẽ trang trí.
Để kịp hoàn thành dự án theo kế hoạch, đội ngũ lao động làm việc cả ngày lẫn đêm và dù thời điểm nào cũng phải chong đèn cho đủ ánh sáng, thi công mới chính xác.
Công đoạn sơn son thếp vàng bên trong điện Thái Hòa đã đạt gần 80% khối lượng. Cả ngôi điện toát lên dấu ấn vàng son một thuở, biểu trưng cho uy quyền một triều đại.
Việc những công trình kiến trúc quan trọng như: điện Thái Hòa, Kiến Trung, Cần Chánh, Ngọ Môn, Hưng Miếu được ưu tiên nguồn lực trùng tu, tôn tạo, phục dựng, đã góp phần mang lại sức sống mới cho di tích Hoàng thành Huế.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm