Nhật mở rộng thu hút lao động nước ngoài
Chiều 15/8, tại trụ sở Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp tân Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki.
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng gửi lời chúc mừng ông Ito Naoki được Chính phủ Nhật Bản bổ nhiệm làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam. Đặc biệt, sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện trong dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao năm 2023.
“Chưa bao giờ quan hệ Việt – Nhật tốt đẹp như hiện nay. Do đó, tôi tin tưởng, ngài sẽ có một nhiệm kỳ thành công tại Việt Nam”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ.
Nhân dịp này, Đại sứ Ito Naoki gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia quyến, Đảng và nhân dân Việt Nam về sự ra đi của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Chia sẻ với lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, Đại sứ Ito Naoki cho biết, các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đánh giá, đất nước Đông Nam Á này có tiềm năng phát triển kinh tế rất lớn, đặc biệt tiềm năng phát triển nhân lực chất lượng cao.
Ông Ito Naoki nêu thông tin hiện có khoảng 570.000 người Việt sinh sống, làm việc tại Nhật Bản. Việt Nam cũng là quốc gia đứng đầu trong số 15 nước phái cử thực tập sinh, lao động sang Nhật.
“Số người Việt ở Nhật đã tăng gấp 3 lần, khoảng 570.000 người. Con số này có đóng góp rất lớn của Bộ trưởng”, Đại sứ Ito Naoki nói.
Thông tin với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, vị đại sứ Nhật cho biết, vừa qua, Chính phủ nước này thông qua chương trình mới thay thế cho chương trình thực tập sinh kỹ năng cũ.
Theo đó, chương trình mới sẽ ưu tiên bảo vệ quyền lợi người nước ngoài đang làm việc tại Nhật Bản, tạo cơ hội cho họ thăng tiến; lao động được chuyển chỗ làm việc theo mong muốn và nâng dần trình độ tiếng Nhật cho lao động nước ngoài.
“Tuy nhiên, chế độ mới đòi hỏi cao về trình độ tiếng Nhật. Do đó, tôi mong Bộ trưởng tiếp tục quan tâm tới vấn đề đào tạo nhân lực trước khi phái cử sang Nhật làm việc”, ông Ito Naoki nói.
Bên cạnh đó, Đại sứ Ito Naoki mong muốn, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để đẩy nhanh tiến độ dự án “Hỗ trợ kết nối thông tin việc làm cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”, mà Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam phối hợp với Cục Quản lý lao động ngoài nước đang triển khai.
Đề cập đến lĩnh vực kỹ năng đặc định, Đại sứ Ito Naoki cho biết, chương trình kỹ năng đặc định số 2 (Tokutei Gino 2) mới có 37 người thi đỗ, trong đó có 20 lao động Việt Nam. Do đó, phía Nhật Bản mong muốn hai nước thúc đẩy hợp tác hơn nữa để quảng bá chương trình này, nhằm thu hút người lao động.
Ngoài ra, theo Đại sứ Ito Naoki, hiện nay các cơ sở y tế của Nhật đang mong muốn tiếp nhận nhiều hơn điều dưỡng, hộ lý từ Việt Nam theo chương trình VJEPA – chương trình đưa điều dưỡng viên và hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản theo Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản.
“Song, số lượng ứng viên tham gia chương trình chưa đáp ứng đủ nhu cầu, mặc dù phía Nhật Bản đã nới lỏng một số tiêu chí như giảm thời gian đào tạo tiếng Nhật xuống 3 tháng”, Đại sứ Ito Naoki mong muốn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung quan tâm, gia tăng số ứng viên điều dưỡng sang Nhật.
Cũng nhân cuộc gặp này, ông Ito Naoki đề cập mong muốn hai nước sớm thúc đẩy việc ký kết Hiệp định BHXH để nội dung này sớm đi vào thực tiễn.
Đề xuất của Bộ trưởng
Trước khi phúc đáp những ý kiến mà ông Ito Naoki nêu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cảm ơn lời chia buồn của vị Đại sứ về mất mát to lớn của Đảng, người dân Việt Nam trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo mẫu mực, để lại nhiều di sản to lớn cho Đảng, người dân Việt Nam. Ông là người góp phần quan trọng trong việc vun đắp, thúc đẩy quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản phát triển tốt đẹp như ngày nay”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng gửi lời cảm ơn Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam thời gian qua đã chủ động, tích cực, phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH trong việc thúc đẩy quan hệ giữa hai nước trong lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội.
Bộ trưởng cho biết, ông đã tham dự nhiều diễn đàn ASEAN với các nước, nhưng Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN – Nhật Bản vào tháng 12/2023 để lại ấn tượng sâu sắc. Các hoạt động song phương với thông điệp và định hướng nhất quán, quan trọng “từ trái tim đến trái tim”, “từ hành động đến hành động”, “từ cảm xúc đến hiệu quả”.
Đặc biệt, trong chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Nhật Bản, lần đầu tiên, hai nước tổ chức Diễn đàn Hợp tác lao động Việt – Nhật và đi đến quyết định chọn ngày 16/12 hàng năm là Ngày lao động Việt Nam tại Nhật.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ, ông đã dành thời gian trực tiếp tới thăm và kiểm tra nơi ăn, chốn ở, công việc và đời sống của lao động Việt Nam tại Nhật Bản. Trong đó, nhiều doanh nghiệp có tới 3/4 nhân sự là người Việt.
“Họ đều là những lao động có trình độ. Chỉ sau 2-3 tháng làm việc, các lao động hoàn toàn làm chủ công nghệ và được làm quản lý. Đó là điều rất mừng”, Bộ trưởng chia sẻ.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhiều chương trình, dự án mà Bộ LĐ-TB&XH đã và đang phối hợp với Nhật Bản như chương trình thực tập sinh kỹ năng, chương trình lao động kỹ năng đặc định, chương trình đưa điều dưỡng viên và hộ lý Việt Nam sang Nhật… đã có sự phát triển vượt bậc, đạt được nhiều kết quả tích cực.
“Năm 2016, mới có khoảng 200.000 người Việt Nam tại Nhật Bản, đến nay con số này tăng lên 570.000 người. Người Việt Nam có câu ‘đất lành, chim đậu’, điều đó cho thấy Nhật Bản là đất nước được nhiều lao động Việt Nam tin tưởng, lựa chọn để sinh sống, học tập và làm việc”, Bộ trưởng đánh giá.
Tại cuộc gặp, Bộ trưởng cũng gửi lời cảm ơn phía Nhật Bản đã hỗ trợ dự án “Hỗ trợ kết nối thông tin việc làm cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”. Ông tán thành với ý kiến của Đại sứ về việc thúc đẩy dự án về đích sớm.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề cập đến việc 2 bên đã phối hợp triển khai tốt kỳ thi đánh giá kỹ năng đặc định trong ngành hộ lý, nông nghiệp hồi tháng 4 vừa qua. Thời gian tới, hai bên sẽ phối hợp tổ chức thi đánh giá trong ngành lưu trú, khách sạn.
Về hoạt động hợp tác phát triển nguồn nhân lực, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH nhấn mạnh, Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng. Với quy mô dân số hơn 100 triệu dân, Việt Nam có tới 56 triệu người trong độ tuổi lao động.
“Đây là lợi thế vô cùng lớn. Hiện có nhiều quốc gia ‘đặt hàng’ Việt Nam cung cấp lượng lớn nhân lực. Thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục quan tâm, thúc đẩy hợp tác với Nhật Bản về lao động để duy trì số lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản tương đương năm 2023”, Bộ trưởng nói.
Nhấn mạnh đến Hiệp định Bảo hiểm xã hội song phương, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung mong hai bên thúc đẩy nhanh hơn việc ký kết, bởi lực lượng lao động Việt Nam và Nhật Bản rất lớn, không nên để người lao động phải đóng BHXH 2 lần, gây khó khăn cho người lao động hai nước.
Cũng theo lãnh đạo Bộ, trong bối cảnh đồng yên giảm sút nhưng người lao động vẫn lựa chọn Nhật Bản làm điểm đến. Điều đó thể hiện niềm tin của người lao động dành cho đất nước mặt trời mọc.
Vì vậy, Bộ trưởng đề xuất Chính phủ Nhật Bản mở thêm nhóm nghề kỹ năng đặc định tiếp nhận lao động Việt Nam trong lĩnh vực nhà hàng và sản xuất chế biến thực phẩm – hai lĩnh vực lợi thế của Việt Nam.
Cuối buổi tiếp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cam kết, cá nhân ông và Bộ LĐ-TB&XH sẽ hỗ trợ Đại sứ Ito Naoki hoàn thành tốt nhất nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm