Mỗi từ thốt ra đều có thể kiếm ra tiền
“Ngoài đọc lời quảng cáo, tôi còn nhận lồng tiếng cho video phim, với giá khoảng 3.000 đồng/từ. Ngoài công việc này, tôi còn mở lớp đào tạo giọng nói cho học viên. Tổng thu nhập 60-70 triệu đồng mỗi tháng”, Trần Thiên Trung (biệt danh Trung Voice, ngụ tại tỉnh Bình Thuận), nói.
Thiên Trung là một voice talent – những người có giọng tốt, tham gia vào ngành đọc quảng cáo – nổi tiếng trên mạng xã hội. Từ năm 2021 đến nay, Trung đã góp giọng cho hàng nghìn video quảng cáo. Anh còn từng nhận đọc thêm sách nói, podcast nhưng do thời lượng quá dài, giọng nói của anh bị ảnh hưởng nên Trung buộc phải dừng nhận những “đơn đặt hàng” dạng này.
Về công việc đào tạo, đến nay, chàng trai đã hướng dẫn bằng video thu sẵn cho hơn 1.000 người và mở lớp dạy trực tuyến, kèm trực tiếp cho khoảng 30 học viên.
Trang TikTok của anh hiện thu hút hơn 1,9 triệu lượt thích. Riêng video mà Trung miêu tả những tính từ tôn vinh tiếng Việt như “thượng đỉnh/ thượng hạng/ năm sao/ đẳng cấp…” đã trở thành xu hướng, đạt đến 5,4 triệu lượt xem.
Từ sự nổi tiếng ấy, Trung bộc bạch công việc của anh dần trở nên vô cùng bận rộn, đến mức không có nhiều thời gian nghỉ ngơi và phải từ chối một số lời mời hợp tác. Mỗi ngày, anh phải làm việc từ 7h đến 0h, trải qua 3 ca đứng lớp đào tạo kéo dài 1,5-2 tiếng/ca và thu âm giọng nói gửi cho khách hàng.
“Nghề này thường được xem như một công việc bán thời gian, kiếm thêm thu nhập. Nhưng tôi quyết định xem nó như một công việc chính. Nhờ biết cách xây dựng thương hiệu cá nhân và đầu tư cho sự đa dạng của giọng nói, mỗi từ tôi thốt ra đều có thể kiếm ra tiền”, anh Trung chia sẻ.
Tuy nhiên, để có được thu nhập cao trong nghề, chàng trai cho hay mọi thứ không hề dễ dàng.
Dùng giọng nói giúp cuộc sống tốt hơn
“Khó nhất là lồng tiếng nhân vật. Bởi mỗi nhân vật trong phim có độ tuổi, giới tính, tính cách, vùng miền… khác nhau, tôi phải giả giọng, nhấn nhá thật tự nhiên. Tùy vào tình tiết trong phim, người lồng tiếng còn phải biết diễn bằng giọng nói, sao cho miêu tả được cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố.
Mỗi từ thốt ra đều phải được trau chuốt kỹ lưỡng về nguyên âm, phụ âm, tông giọng. Nếu không có khả năng xử lý, voice talent sẽ tốn thời gian chỉnh sửa, vô tình làm mất uy tín với khách hàng”, anh Trung bộc bạch.
Kể từ khi theo đuổi nghề này, Trung đã quên mất vị của… nước đá, rượu bia do phải hạn chế tối đa. Lúc ngủ, anh cũng không được để quạt thổi thẳng mặt hay mở điều hòa quá lạnh. Nếu không cẩn thận, voice talent sẽ phải đối mặt với cơn “ác mộng” tồi tệ nhất, chính là mất giọng.
“Kiếm tiền bằng giọng nói nên mất giọng là xem như… đói luôn. Dù được nhiều đơn vị ngỏ lời hợp tác, tôi cũng chỉ nhận trong khả năng để tránh “bào” giọng quá mức. Tôi từng có một khoảng thời gian bị mất giọng vì làm việc liên tục, đó là nỗi sợ lớn nhất mà tôi không muốn gặp lại”, Trung trải lòng.
Ngay từ nhỏ, chàng trai đã được sống trong môi trường đa dạng ngôn ngữ vùng miền, do lớn lên ở Gia Lai, học đại học ở TPHCM và có bố mẹ là người gốc Bắc. Năm 2018, Trung bỏ học giữa chừng vì biến cố gia đình, rồi tham gia vào câu lạc bộ bóng đá.
Thời điểm này, anh được giao đọc lời bình cho các trận đấu và vô tình phát hiện tiềm năng của mình. Do không có khả năng theo học lớp đào tạo chuyên nghiệp, Trung ngày đêm theo dõi, tập luyện theo những giọng nói hay trên TV, Internet để thỏa đam mê.
Tuy nhiên, vì không có người định hướng, anh trở nên mông lung và đành đi làm nông nghiệp ở khắp các tỉnh, thành để kiếm sống. Lâu dần, chàng trai đột nhiên nhớ nghề, quyết tâm quay lại với công việc voice talent.
Trung chia sẻ anh đã mất 3 năm để luyện tập, tư duy cách xây dựng thương hiệu trên mạng xã hội để quảng bá tài năng đến nhiều người. Từ một chàng trai kiếm ba cọc ba đồng, giờ đây Trung có thể nuôi sống bản thân, phụ giúp gia đình bằng giọng nói “trời sinh”.
“Để làm được công việc này, ngoài việc có giọng nói hay, tôi còn phải nỗ lực và yêu nghề rất nhiều. Nghề này không chỉ giúp cho bản thân tôi có thu nhập cao mà còn khiến cuộc sống của những người từng tham gia lớp đào tạo của tôi trở nên tốt hơn.
Từng có nhiều học viên là nhân viên chăm sóc khách hàng, nhờ thay đổi cách sử dụng giọng nói mà “dễ thở” hơn trong công việc. Không ít người là ba, mẹ, chồng, vợ, cũng chia sẻ giao tiếp trong gia đình trở nên nhẹ nhàng hơn nhờ điều chỉnh tông giọng hợp lý”, anh Trung kể.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm