
Nội dung trên được nêu trong dự thảo Luật Việc làm sửa đổi đang được lấy ý kiến.
2 nhóm lao động được vay với lãi suất thấp
Khác với Luật Việc làm hiện hành vốn chỉ quy định chung về hỗ trợ vay vốn đi làm việc ở nước ngoài, dự thảo lần này phân định rõ nhóm đối tượng được vay vốn với mức lãi suất ưu đãi.
Theo khoản 2 Điều 10 Dự thảo, hai nhóm chính được hưởng mức lãi suất thấp hơn là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, và người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo đang sinh sống tại địa bàn đặc biệt khó khăn.
Ngoài hai nhóm này, dự thảo trao thêm thẩm quyền cho chính quyền địa phương. Cụ thể, khoản 4 Điều 10 quy định: Nếu nguồn vốn cho vay là từ ngân sách địa phương ủy thác, thì Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có thể quyết định mở rộng danh sách đối tượng được vay vốn ưu đãi, căn cứ vào điều kiện thực tế.
Điều này tạo ra cơ chế linh hoạt, giúp chính sách phù hợp hơn với từng địa bàn và từng nhóm dân cư dễ bị tổn thương, chẳng hạn như người có đất bị thu hồi, lao động nữ đơn thân, người sau cai nghiện hay thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự.
Tuy không mặc định nằm trong nhóm được vay vốn ưu đãi, nhưng những lao động thuộc các nhóm này vẫn được hưởng một số chính sách hỗ trợ khác khi đi làm việc ở nước ngoài.
Khoản 1 Điều 15 của dự thảo nêu rõ các đối tượng như người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có đất bị thu hồi, thanh niên sau nghĩa vụ quân sự hoặc tình nguyện viên sẽ được hỗ trợ các chi phí cần thiết trước khi xuất cảnh, bao gồm đào tạo định hướng, bồi dưỡng kỹ năng nghề, học ngoại ngữ và một số khoản chi phí khác.
Theo dự thảo Luật, người lao động muốn vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phải đáp ứng ba điều kiện chính. Thứ nhất, người lao động phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định pháp luật. Thứ hai, người lao động cần có hợp đồng ký kết với doanh nghiệp hoặc tổ chức sự nghiệp được cấp phép đưa người đi làm việc ở nước ngoài. Và cuối cùng, khoản vay phải được bảo đảm theo quy định pháp luật, tương tự các khoản vay tín dụng khác.
Huy động các nguồn vốn ưu đãi cho người lao động
Nguồn vốn để thực hiện chính sách này đến từ nhiều kênh khác nhau. Ngân sách trung ương sẽ cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay. Ngoài ra, ngân sách địa phương cũng có thể ủy thác vốn cho Ngân hàng này nhằm phục vụ nhu cầu vay vốn của người dân trên địa bàn.
Bên cạnh đó, các nguồn vốn huy động được hoặc vốn từ tổ chức, cá nhân ủy thác cũng được huy động, với cơ chế bù chênh lệch lãi suất từ ngân sách nhà nước. Việc đa dạng hóa nguồn vốn như vậy được đánh giá là phù hợp với mục tiêu mở rộng diện tiếp cận và giảm gánh nặng ngân sách trung ương.
Ngoài chính sách tín dụng, người lao động thuộc các nhóm yếu thế kể trên còn được hỗ trợ một phần chi phí khác liên quan đến việc đi làm việc ở nước ngoài như giáo dục định hướng, đào tạo nghề, bồi dưỡng ngoại ngữ và kỹ năng chuyên môn theo yêu cầu của bên tiếp nhận. Các nội dung hỗ trợ này sẽ do Chính phủ quy định cụ thể sau khi luật được thông qua.
Chính sách hỗ trợ vay vốn đi làm việc ở nước ngoài được đánh giá là một trong những điểm nổi bật và có tác động trực tiếp đến sinh kế hàng triệu người dân, đặc biệt là thanh niên nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, việc tiếp cận được một khoản vốn ưu đãi để xuất khẩu lao động không chỉ giúp người dân có thu nhập, mà còn góp phần giảm nghèo bền vững và thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực quốc gia.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm