Công việc thu nhập cao, đầy cạnh tranh
Nghề bốc vác “kanglou” (cầu thang) ở Quảng Châu, Trung Quốc, từ lâu nổi tiếng là công việc có vòng tuyển chọn công nhân vô cùng gay gắt.
Để chứng minh sức mạnh và sự nhanh nhẹn, các ứng viên phải mang một bao cát nặng 50kg trên vai, lên xuống 4 tầng lầu 10 lần và phải hoàn thành trong vòng 40 phút. Nhiều công nhân thử việc không chịu được sự cực nhọc đã quyết định bỏ việc trước khi được nhận đồng lương đầu tiên.

Những công nhân bốc vác làm việc vô cùng vất vả để đổi lấy mức lương nhiều người mơ ước (Ảnh: Jiang Wanru/White Night Workshop).
Tuy nhiên, những người kiên trì với nghề này sẽ nhận được thu nhập nhiều người mơ ước, thậm chí còn có cơ hội nổi tiếng trên mạng xã hội.
Nơi làm việc của họ đa phần là những tòa nhà cũ, không có thang máy. Người dân sống tại thành phố không còn lạ lẫm trước hình ảnh những công nhân bốc vác người đẫm mồ hôi, liên tục lên xuống các cầu thang của tòa nhà, trên vai vác theo các bao cát, xi măng, vật liệu xây dựng… nặng nề.
Xiangzi (28 tuổi) được thuê làm công nhân bốc vác, vận chuyển vật liệu xây dựng trong công trình cải tạo ga điện ngầm ở Quảng Châu.

Công nhân bốc vác gánh trên vai áp lực cuộc sống vô cùng nặng nề (Ảnh: Jiang Wanru/White Night Workshop).
Trong 2 tuần, nhóm công nhân toàn những thanh niên đầy cơ bắp của Xiangzi đã vác gạch, keo dán, hỗn hợp bột trét và chất thải xây dựng, liên tục lên xuống các cầu thang chật hẹp, ngột ngạt.
Một trong số họ thỉnh thoảng ngã gục xuống nền đất vì kiệt sức hoặc bị thương trong lúc làm việc.
Suốt khoảng thời gian đó, những công nhân như Xiangzi phải làm việc từ 7h đến 19h mỗi ngày, chỉ nghỉ trưa một chút để ăn. Xiangzi phụ trách vận chuyển cùng lúc 2 bao vữa 40kg mỗi lần lên xuống cầu thang. Vì thế, anh có thu nhập cao hơn các đồng nghiệp, có thể kiếm 1.300 NDT/ngày (tương đương với hơn 4,6 triệu đồng).
Thậm chí, có hôm Xiangzi làm việc đến tận khuya, kiếm gần 2.000 NDT/ngày (hơn 7,1 triệu đồng).
Tiếp tục làm việc dù giẫm phải đinh
Ah Wen, người đang điều hành nhóm công nhân bốc vác, cho hay mỗi thành viên trong nhóm đều biết cách vượt qua giới hạn thể chất để hoàn thành công việc. Họ xem hàng hóa như những “đồng tiền đang di chuyển”, chẳng hạn 1.700 thùng gạo sẽ tương đương với 3.000 NDT (khoảng 10,7 triệu đồng).

Công nhân bốc vác xem hàng hóa như những “đồng tiền đang di chuyển” (Ảnh: Jiang Wanru/White Night Workshop).
Nhóm của Ah Wen phải vận chuyển những vật dụng rất nặng, đòi hỏi kỹ thuật đặc biệt của công nhân. Anh bộc bạch cả nhóm từng phải vận chuyển chiếc tủ nặng 250kg, 4 người đàn ông vẫn không khiêng nổi.
Vì thế, họ phải dùng một cây sào hỗ trợ, rồi cùng nhau khiêng lên. Nếu 1 trong số họ chùn bước hoặc buông tay, chiếc tủ có thể đè lên người khác. Một thành viên trong nhóm từng bị hàng trăm kg thép đè lên ngón tay cái. Vậy nên, tinh thần đồng đội trong nghề này là rất quan trọng.
“Sức mạnh là một yếu tố cần thiết trong công việc. Phần lớn, sức mạnh tinh thần của các công nhân đến từ gánh nặng trong cuộc sống của họ. Nhiều người phải làm việc cật lực để trả nợ, trang trải học phí của con cái hoặc dành dụm tiền để kết hôn”, Ah Wen chia sẻ.

Các công nhân có thể bị thương trong lúc làm việc, nhưng hầu hết đều gắng gượng để hoàn thành (Ảnh: Jiang Wanru/White Night Workshop).
Mặc dù một số công trình vẫn có thang máy nhưng công nhân tự nhắc nhau không nên dùng. Bởi trong quá trình vận chuyển, nếu làm hư hỏng thiết bị bên trong thang máy, họ sẽ phải đền rất nhiều tiền.
Ah Wen không thể quên được cảnh một công nhân trong nhóm giẫm phải đinh vẫn phải nén đau tiếp tục làm việc như không có chuyện gì xảy ra. Bởi thu nhập lý tưởng của công việc này đã giúp đỡ rất nhiều cho cuộc sống của những công nhân có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có Ah Wen.
Năm ngoái, Ah Wen từ quê đến Quảng Châu để làm công nhân bốc vác. Trong tuần đầu tiên, vì chưa quen việc nên anh chỉ kiếm được vài trăm NDT. Nhưng chẳng mấy chốc, thu nhập của Ah Wen đã tăng lên 9.000 NDT/tháng (hơn 32 triệu đồng), đồng nghĩa với việc anh phải làm việc hơn 10 tiếng/ngày.
Những công nhân bốc vác như Ah Wen phải đối mặt với những loại thuế “bất thành văn” do quản lý dự án tự đặt ra. Họ sẽ lừa những công nhân thiếu kinh nghiệm, trả lương thấp hơn thỏa thuận với khách hàng, để bỏ túi số tiền chênh lệch.

Họ còn bị lừa tiền, quỵt lương, bị phạt những khoản vô lý (Ảnh: Jiang Wanru/White Night Workshop).
Ngoài ra, những người mới vào nghề cũng phải đối mặt với những khoản tiền phạt như chậm chạp, làm hỏng hàng hóa, cãi nhau với khách hàng. Họ còn bị chủ dự án giam lương tối đa 2 tuần, gây sức ép để các công nhân chán nản rồi tự nghỉ việc.
Ah Wen nhận định nghề của anh đã có sự thay đổi trong 2 năm gần đây. Năm 2024, khách hàng phải trả 2 NDT/tầng cho mỗi bao xi măng nặng 50kg. Năm nay, khách hàng đã giảm chi phí này xuống còn 1 NDT.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm