Đến thời điểm này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi và Kon Tum đã có hai buổi làm việc chính thức bàn nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến sáp nhập tỉnh. Trong đó, buổi làm việc thứ hai diễn ra vào ngày 11/5 tại trụ sở UBND tỉnh Quảng Ngãi.
Tại đây, hai tỉnh đã thảo luận về phương án sắp xếp cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý tại cấp xã theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; thảo luận về số lượng đại biểu và dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi mới.

Ông Dương Văn Trang, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum (Ảnh: Quốc Triều).
Một trong các nội dung được lãnh đạo 2 tỉnh tập trung thảo luận là mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội cho nhiệm kỳ 2025-2030 của tỉnh Quảng Ngãi mới. Trong đó, ông Dương Văn Trang, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum, đã góp ý nhiều nội dung quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế cho nhiệm kỳ tới.
Một vấn đề được ông Trang nhấn mạnh là phát triển vùng trồng và xây dựng nhà máy hiện đại để chế biến sâu đối với cây dược liệu, đặc biệt là cây sâm Ngọc Linh. Việc này sẽ giúp người dân phía Tây tỉnh Quảng Ngãi mới phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập bình quân đầu người.
Theo quy hoạch, tỉnh Kon Tum có khoảng 20.000ha đất có thể trồng sâm Ngọc Linh. Hiện nay, diện tích sâm Ngọc Linh đạt khoảng 3.000ha.
Cây sâm Ngọc Linh có giá trị kinh tế rất cao. Trong khi khu vực phía tây tỉnh Quảng Ngãi mới có vùng trồng rộng lớn. Do đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi mới cần có định hướng để phát triển cây sâm Ngọc Linh.

Nhiều hộ dân tỉnh Kon Tum làm giàu từ việc trồng sâm Ngọc Linh (Ảnh: Phạm Hoàng).
Ông Trang đề nghị, trong giai đoạn 2025-2030 cần nâng tổng diện tích trồng sâm Ngọc Linh lên 6.000ha. Cùng với việc nâng diện tích, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi mới cần có định hướng kêu gọi xây dựng các nhà máy chế biến sâu sản phẩm sâm Ngọc Linh.
Việc mở rộng vùng trồng sâm Ngọc Linh sẽ tạo vùng nguyên liệu bền vững cho việc kêu gọi xây dựng nhà máy chế biến sâu đối với sản phẩm này. Sâm Ngọc Linh có giá 100-200 triệu đồng/kg nhưng khi được chế biến sâu có thể sẽ tăng giá lên 500-700 triệu đồng/kg.
“Còn đến 17.000ha có thể trồng sâm Ngọc Linh. Cây sâm có giá trị rất cao nên những hộ trồng sâm sẽ khá và giàu. Điều này góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao thu nhập cho người dân ở phía tây tỉnh Quảng Ngãi mới”, ông Trang nhấn mạnh.
Sâm Ngọc Linh là loại dược liệu quý hiếm, được mệnh danh là “quốc bảo” của Việt Nam. Loài cây này chỉ sinh sống, phát triển tốt dưới tán rừng ở độ cao 1.200-2.000m trên dãy núi Ngọc Linh thuộc 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam.

Theo quy hoạch, tỉnh Kon Tum còn khoảng 17.000ha có thể trồng được cây sâm Ngọc Linh (Ảnh: Quốc Triều).
Năm 2022, Tỉnh ủy Kon Tum ban hành nghị quyết về việc đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo nghị quyết này, Tỉnh ủy Kon Tum xác định mục tiêu đưa tỉnh này thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trở thành trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước.
Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Kon Tum có vùng trồng dược liệu đạt khoảng 25.000ha, trong đó Sâm Ngọc Linh khoảng 10.000ha. Sản lượng các loại dược liệu đạt trên 130.000 tấn, ngành dược liệu đóng góp khoảng 15% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh Kon Tum.
Tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum sẽ sáp nhập lấy tên là tỉnh Quảng Ngãi. Tỉnh Quảng Ngãi mới có diện tích hơn 14.800km2, dân số gần 2,2 triệu người, 96 đơn vị hành chính trực thuộc.
Trung tâm chính trị, hành chính của tỉnh Quảng Ngãi sau sáp nhập đặt tại tỉnh Quảng Ngãi hiện nay.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm