Theo ông Cao Thanh Thương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, toàn tỉnh Bình Định có 4.411 hộ có nhà tạm, nhà dột nát cần được hỗ trợ xây dựng lại và sửa chữa mới, trong đó xây mới 2.531 căn, sửa chữa 1.880 căn.
Chỉ sau hơn 3 tháng phát động chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, đến nay đã có 10/11 địa phương trong tỉnh hoàn thành với 4.217 hộ (đạt 94%), trong đó xây dựng mới 2.323 căn, sửa chữa 1.877 căn.

Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định ghi nhận sự nỗ lực của các cấp chính quyền, hội đoàn thể… đã chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát (Ảnh: Thùy Trang).
Tổng nguồn lực hỗ trợ hơn 300 tỷ đồng, gồm ngân sách nhà nước hỗ trợ hơn 208 tỷ đồng, vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội hơn 55 tỷ đồng, còn lại vốn huy động ngoài ngân sách.
Là địa phương miền núi, số nhà tạm, nhà dột lớn nhưng huyện An Lão đã hoàn thành 736 căn nên bà con nhân dân rất phấn khởi.
Ông Nguyễn Xuân Vĩnh, Bí thư Huyện ủy An Lão, cho hay, cùng với ngân sách hỗ trợ của tỉnh số tiền 60 triệu đồng/nhà xây mới, 30 triệu đồng/nhà sửa chữa, địa phương còn vận động nguồn xã hội hóa của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hàng tỷ đồng để hỗ trợ các gia đình sớm hoàn thành việc xây dựng, sửa chữa nhà.

Các chiến sĩ bộ đội thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định tham gia giúp dân xây nhà (Ảnh: Công Sơn).
Theo bà Lê Bình Thanh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Định, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, Mặt trận các cấp đã đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về ý nghĩa nhân văn, tầm quan trọng của phong trào trong toàn xã hội.
“Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội cấp tỉnh đã huy động hỗ trợ gần 22.700 ngày công lao động giúp dân tháo dỡ nhà cũ, vận chuyển vật liệu, hỗ trợ hơn 17 tấn xi măng, 9.000 viên gạch, 13 xe cát, 10 xe đất, 40 thùng gạch men…”, bà Thanh cho hay.
Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết, để sớm hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát, UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt theo tinh thần “rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ trách nhiệm”.
UBND tỉnh đã thành lập các tổ công tác thường xuyên kiểm tra tiến độ tại các địa phương, chỉ đạo các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, huy động các cấp, ngành và toàn thể nhân dân cùng tham gia.

Ông Phạm Anh Tuấn (đội mũ cối), Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định thăm, động viên hộ dân ở huyện Tây Sơn sắp có nhà ở mới, khang trang (Ảnh: Thùy Trang).
“Nhờ sự quyết liệt, khẩn trương vào cuộc của cả hệ thống chính trị mà những vướng mắc về đất đai, vốn, huy động nguồn lực, mỏ vật liệu xây dựng… Tất cả các khó khăn đều được giải quyết kịp thời, sớm hoàn thành chương trình trước kế hoạch đề ra”, ông Tuấn phấn khởi.
Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Bình Định khẳng định, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, cùng với việc hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, người dân nên chương trình đã về đích trước thời gian quy định.
Theo ông Dũng, ngoài hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát, tỉnh hết sức quan tâm đến việc hỗ trợ an sinh, cải thiện, nâng cao đời sống cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các gia đình chính sách.
“Chủ trương của tỉnh là tạo điều kiện hỗ trợ để các gia đình chính sách có cuộc sống ổn định ở mức khá. Đối với gia đình nghèo, cận nghèo, tỉnh hỗ trợ về đất sản xuất, chuyển đổi nghề, công ăn việc làm… để làm sao cùng với việc cải thiện nhà ở, các gia đình có đời sống ổn định, vươn lên trong cuộc sống. Bình Định phấn đấu trong năm 2025 này giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 0,6%, tiến đến xóa hết hộ nghèo”, ông Dũng nói.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm