Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, thực tế, 5.119 biên chế công đoàn địa phương được các tỉnh, thành ủy giao đến hết tháng 3. Con số này chỉ bằng một phần ba các tổ chức chính trị – xã hội khác.
Dẫn chứng thực tiễn vấn đề thiếu hụt cán bộ công đoàn tại thành phố Tân Uyên (Bình Dương), Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nêu con số, do sự bùng nổ của công nghiệp và các khu công nghiệp, trên địa bàn thành phố có khoảng 96.000 đoàn viên, 554 công đoàn cơ sở nhưng chỉ có 4 cán bộ công đoàn.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cơ chế cấp ủy địa phương giao biên chế cho tổ chức công đoàn địa phương trong biên chế được cấp trên giao cho khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị – xã hội đã bộc lộ nhiều bất cập.
Từ đó dẫn đến sự không đồng bộ về biên chế trong cùng một cấp công đoàn. Ngoài ra, còn có sự chênh lệch giữa công tác cán bộ với việc bảo đảm nguồn tài chính khi cấp ủy phân bổ biên chế nhưng công đoàn lại phải bảo đảm lương. Việc không thể điều tiết được từ nơi thừa sang nơi thiếu cũng đang là vấn đề bất cập trong quản lý biên chế cán bộ công đoàn.
Mặt khác, cán bộ công đoàn cơ sở hiện đa số hoạt động kiêm nhiệm, chịu sự chi phối từ chủ doanh nghiệp. Bởi, họ là người lao động, được chủ doanh nghiệp tuyển dụng và trả lương. Do đó, khó yêu cầu cán bộ công đoàn tại doanh nghiệp có tiếng nói độc lập, mạnh mẽ, quyết liệt.
Vì vậy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất ở những doanh nghiệp có từ 1.000 lao động trở lên cần bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách do tổ chức công đoàn trả lương.
Đối tượng này nên là hợp đồng lao động để thuận lợi xử lý các vấn đề về cán bộ và trả lương, phù hợp với mặt bằng tiền lương trong doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc cơ cấu cán bộ công đoàn chuyên trách tại doanh nghiệp có đông công nhân do công đoàn quản lý, trả lương sẽ bảo đảm tiếng nói độc lập, mạnh mẽ của cán bộ công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động…
Trên cơ sở kế thừa Luật Công đoàn 2012, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) được thiết kế theo hướng công đoàn các cấp được bảo đảm về tổ chức và số lượng cán bộ công đoàn để thực hiện được đầy đủ chức năng, quyền và trách nhiệm.
Cơ quan soạn thảo cũng đề xuất cho phép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định số lượng cán bộ chuyên trách là người làm việc theo hợp đồng lao động trong các cơ quan chuyên trách của công đoàn và công đoàn cơ sở.
Điều này nhằm bảo đảm sự chủ động, linh hoạt trong bố trí cán bộ công đoàn, đáp ứng yêu cầu phát triển đoàn viên trong từng thời điểm, giai đoạn, góp phần nâng cao năng lực hoạt động của tổ chức công đoàn.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm