Gen Z (Generation Z) thuộc thế hệ được sinh ra vào khoảng năm 1997 tới 2012; cũng có nhiều người cho rằng Gen Z sinh từ năm 1995 đến 2010. Đến năm 2025, Gen Z được dự báo sẽ chiếm gần một phần ba lực lượng lao động Việt Nam.
“Vỡ mộng” freelancer
Trước khi làm freelancer, chị Nhật Linh (22 tuổi, ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM) từng là nhân viên của công ty xuất khẩu lao động Nhật Bản với mức lương 13 triệu đồng/tháng. Nhưng sự gò bó ở môi trường công sở khiến chị Linh mệt mỏi và căng thẳng.
Trong khi lướt mạng xã hội, chị Linh ấn tượng với những bài đăng tuyển dụng freelancer có nội dung: “Làm việc ở nhà, thời gian linh hoạt, kiếm được 100 triệu đồng/tháng là chuyện bình thường”. Lời mời chào hấp dẫn chị Linh, nên chị xin nghỉ việc văn phòng.
Tháng 4.2024, chị chuyển sang làm freelancer cùng lúc 2 jobs (hợp đồng) vì nghĩ có thể sắp xếp được thời gian. Chị Linh làm content social (sáng tạo nội dung tiếp thị trên internet) và cộng tác viên hỗ trợ livestream bán hàng.
Quyết định này không được gia đình chị Linh ủng hộ bởi thu nhập bấp bênh, không có bất kỳ chế độ đãi ngộ, bảo hiểm xã hội hay lương cứng. Nhưng vì đam mê và sự tự do nên chị vẫn kiên định chọn làm freelancer.
Nhận việc, chị Linh ngỡ ngàng khi số lượng bài viết lớn vượt qua tầm kiểm soát, chị Linh phải hoàn thành 6 bài viết/tuần, chưa kể khách hàng còn yêu cầu chị quay, dựng các clip liên quan và liên tục đòi chỉnh sửa nội dung bất kể giờ giấc. Còn công việc hỗ trợ livestream bán hàng chị làm từ 19 giờ – 0 giờ.
Nhiều đầu việc, chị Linh lại không có nhiều kinh nghiệm nên việc tồn đọng lại, chị phải thức cả đêm để làm. Nhiều hôm, chị làm đến 18 tiếng/ngày.
“Trong lòng tôi lúc nào cũng thấy bất an, căng thẳng và áp lực. Tôi ám ảnh đến nỗi đi ngoài đường nhìn cây cỏ, đường sá cũng nghĩ đến cần làm nội dung gì cho hấp dẫn”, chị Linh ngán ngẩm.
Sau 2 tháng làm freelancer, chị Linh nhận thấy công việc không lung linh như chị tưởng khi chỉ kiếm được 3 triệu đồng/tháng. Tiền lương không đủ để chị chi trả các chi phí như sinh hoạt, tiền thuê trọ hằng tháng.
Chị Linh đành gấp rút “quay xe” trở lại làm nhân viên văn phòng. “Làm công việc tự do thu nhập chỉ đủ để tôi ăn uống qua bữa. Tôi phải rút tiền tiết kiệm ra dùng và xin thêm tiền trợ cấp của gia đình để trang trải”, chị Linh thất vọng.
“Tự do là tự lo”
Là một người thuộc thế hệ Gen Z, anh Nguyễn Hoàng Nguyên (22 tuổi, ở TP.HCM) không thích cuộc sống ràng buộc và các quy định nơi công sở, nên anh chọn làm freelancer cũng được 4 năm nay. Nhờ tiếp xúc với mạng xã hội từ sớm nên anh xây dựng được nhiều mối quan hệ và có nhiều khách hàng tìm đến. Anh cũng tự tìm việc trên các trang mạng tuyển dụng như Linkedin, Threads.
Hiện tại, anh Nguyên nắm trong tay 3 jobs (livestream bán hàng, content creator – nhân viên sáng tạo nội dung, và làm quảng cáo). Thời gian làm việc linh hoạt và tùy thuộc vào khối lượng công việc. Đôi lúc, anh chỉ mất vài tiếng để hoàn thành, nhưng cũng có lúc anh làm việc cả đêm.
Chia sẻ về nghề tự do, anh Nguyên cho hay: “Nhiều người nghĩ làm việc tự do là dễ nhưng thực ra tự do là tự lo. Nếu ở văn phòng, nhân sự sẽ được chia công việc ra làm. Nhưng người làm freelancer cần biết làm nhiều vị trí khác nhau, biết quản lý thời gian, quản lý công việc… Nó như đang vận hành công ty khởi nghiệp một thành viên vậy, không phải ai cũng thành công. Muốn kiếm nhiều tiền, mình cần phải “cày” rất nhiều”.
Hằng tháng, anh Nguyên kiếm được 30 – 50 triệu đồng nhờ làm freelancer nên cuộc sống của anh trở nên dư dả. Anh chia sẻ, freelancer cũng có deadline, KPI (chỉ tiêu) giống như công việc ở văn phòng. Muốn trở thành một freelancer “cứng”, chúng ta cần phải cố gắng gấp nhiều lần. Ngoài ra, mỗi người cần trang bị kiến thức, kinh nghiệm, tính kỷ luật và tính tự giác cực kỳ cao.
Anh Nguyên nói, anh chưa xem freelancer là lý tưởng. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thị trường làm việc khắc nghiệt thì freelancer cũng trở nên cạnh tranh hơn. “Nhiều khi tôi có cảm giác mông lung vì tính không ổn định khi làm công việc tự do. Trong tương lai tôi nghĩ mình sẽ thử tìm một công việc văn phòng để thử sức”, anh Nguyên chia sẻ.
Cân bằng cả hai
Là một người trẻ, anh T.L.Q (22 tuổi, ở TP.HCM) vẫn cân bằng được công việc của một nhân viên văn phòng và làm freelancer. Hiện tại, ngoài là nhân viên của một công ty Anh ngữ, anh còn nhận thêm 3 jobs bên ngoài là viết kịch bản TikTok, viết content SEO (làm nội dung) và thiết kế hình ảnh. Anh chỉ nhận làm freelancer vào thời gian rảnh như buổi tối hoặc cuối tuần. Mỗi tháng anh Q. “bỏ túi” khoảng 20 triệu đồng nhờ các công việc này.
“Tôi tìm kiếm sự ổn định, mối quan hệ với đồng nghiệp và sự thăng tiến trong công việc nên tôi ưu tiên làm văn phòng. Những thời gian rảnh tôi tìm thêm các công việc tự do để có thêm thu nhập. Đôi lúc tôi cũng gặp khó khăn khi 3 jobs “dí” cùng một lúc, đang ‘chạy deadline’ freelancer nhưng lại bận việc chính. Khi đó, tôi tăng ca buổi đêm để hoàn thành, cố gắng không ảnh hưởng đến cả hai bên”, anh Q. nói.
Freelancer hay làm nhân viên văn phòng đều có những khó khăn cần đương đầu. Điều quan trọng là chúng ta cần nỗ lực hết mình với hướng đi mà mình đã lựa chọn.
Lao động – Tin Tức Việc làm