Tài sản của người nông dân đang bị nước lũ đe dọa
Vợ chồng bà Hoàng Thị Hoa nhấp nhổm ra cổng ngóng trông cảnh xóm Bến Vôi (xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, Hà Nội) chìm sâu trong biển nước. Ngay trước cổng nhà bà, nước lũ dâng lên đến 1,2m, sâu nhất khu vực.
Mấy bao thóc trong kho của bà được vận chuyển lên nhà ở cho an toàn. Tuy nhiên, thóc vẫn bị ẩm mốc, bà đổ ra giữa nhà hong khô. Chồng bà tất bật, đi ra đi vào liên tục để kiểm tra xung quanh nhà xem nước dâng cao bao nhiêu, có an toàn không?
Sống khu vực ngoài đê, ven sông, dường như gia đình nào ở xóm Bến Vôi đều sắm một chiếc thuyền nhôm vì thường xuyên bị ngập do mưa lớn. Tuy nhiên, lâu lắm, bà Hoa mới chứng kiến trận ngập khủng khiếp như vậy.
Sau một đêm, khu vực nhà bà sinh sống nước dâng lên 1,2m. Theo dự báo của cơ quan chức năng, Hà Nội tiếp tục mưa, có lẽ khu vực này sẽ bị ngập lụt nặng nề hơn. May thay, căn nhà của gia đình bà khi xây dựng được tôn lên cao, nước lũ đục ngầu mới chỉ tràn qua cổng nhà.
Tuy nhiên, cả gia tài của người nông dân này là mấy con bò, trâu, mấy nghìn con vịt và hai ao cá đang ở khu vực trang trại phía xa xa ẩn hiện giữa làn nước mênh mông. Bà còn chưa thể ra kiểm tra vì nước đang lên quá cao.
“Bò và vịt ở khu vực cao rồi. Nhưng nước dâng lên nữa thì chúng tôi không biết sẽ ra sao. Hai ao cá của gia đình có lẽ mất trắng rồi, cá theo dòng nước lạ đi ra ngoài hết”, bà Hoa nghẹn ngào.
Gia đình bà làm nông nghiệp nên những vật nuôi đó là thu nhập chính trong cả năm. Nếu bị thiệt hại, bà chỉ còn cơm trắng mà ăn. Người nông dân khu vực này mong mỏi trời ngừng mưa, nước rút nhanh để bảo vệ trang trại.
Theo bà Hoa, dù gia đình bao vây trong biển nước, bất tiện đủ đường nhưng bà vẫn cố chịu được. Tuy vậy, nhiều nông dân mất đi ao cá, đàn vịt thì không biết bấu víu vào đâu. Dứt lời, bà quay ra tiếp tục đảo số thóc ẩm ướt, bỏ đi những phần hạt nảy mầm.
Gà lên hiên nhà ở, chó trú ẩn ở tầng 2
Đứng trong khoảng sân nhỏ trước căn nhà cấp 4 đã ngập sâu 70cm, bà Hoàng Thị Ký loay hoay gia cố khu vực chuồng gà tạm. Đàn gà hơn chục con là một trong những tài sản ít ỏi còn lại sau khi nước lũ sông Tích dâng cao rạng sáng ngày 10/9.
Bà Ký cho biết, mưa lớn đã kéo dài từ trước bão Yagi khiến cả xóm Bến Vôi ngập lụt. Đàn gà của bà vì thế cũng bị chết dần chết mòn. Trước đó, bà đã đưa gà lên mái hiên, kê sàn cho trú ngụ trên những thùng sơn loại to.
Cả ngày nay nước lũ chưa có dấu hiệu ngừng tăng, bà lại phải chằng chống bằng cách nâng độ cao, kê thêm các tấm gỗ và nhiều đồ vật trong nhà khiến chiếc chuồng gà tạm đôi lúc chòng chành giữa biển nước.
Không chỉ thiệt hại về vật nuôi, bà Ký còn gần như mất trắng số thóc lúa mới thu hoạch. “Nước lên cao trong đêm. Năm tạ lúa mới thu hoạch đã ngập hết chưa kịp chạy”, bà Ký vừa nói vừa chỉ tay về phía căn nhà nước dâng cao tới ngang cửa.
Năm thành viên trong gia đình bà Ký đã di tản qua nhà người thân ở khu vực cao hơn, bà Ký nhận nhiệm vụ ở lại trông coi nhà cửa.
Bà Ký cho biết, nhìn từ trên cao, xóm Bến Vôi như hình một con cá giữa biển nước. Người dân xóm nhỏ đã quen với cảnh nước dâng cao mỗi lần mưa lũ. Tuy nhiên, mấy năm qua, đây là lần ngập cao nhất.
Như nhiều hộ dân khác, bà Ký cũng tích cóp sắm cho mình một chiếc thuyền nhỏ. Chiếc thuyền là phương tiện di chuyển của bà và người thân khi đường làng bị hòa làm một với dòng sông.
Tuy vậy, khi nào nước dâng cao và chảy xiết, bà Ký không dám đi thuyền mà cố thủ ở nhà. Thóc lúa đã ngập hết, lương thực còn lại của bà Ký là vài cân gạo và mỳ tôm, đồ khô. Bà thở dài nói: “Mưa lũ tài sản, nhà cửa bị ảnh hưởng, tôi chẳng thiết tha gì hết, chỉ ăn qua loa. Mong sao trời sớm tạnh mưa, nước rút để chúng tôi trở lại cuộc sống bình thường.
Để chủ động phòng, thu dung cấp cứu ban đầu cho người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, huyện Quốc Oai đã chỉ đạo khẩn trương thành lập Trạm Y tế lưu động tại xóm Bến Vôi, xã Cấn Hữu, nơi đang bị cô lập bởi lũ lụt.
Trạm Y tế lưu động trực thuộc Trung tâm Y tế huyện, có chức năng triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng; quản lý, theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân trên địa bàn xóm Bến Vôi theo quy định hiện hành.
Mực nước sông ở mức báo động
Chiều 10/9, mực nước sông Tích tại huyện Quốc Oai ghi nhận là 8,40, trên mức báo động III 40cm.
Ông Cấn Văn Luân, Phó chủ tịch xã Cấn Hữu cho biết, do mực nước sông Tích ngày càng tăng nhanh gây tràn một số tuyến đê bao. Để đảm bảo an toàn giao thông Ban chỉ huy Phòng chống Thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn xã đã chỉ đạo lập rào chắn tại các tuyến đường bị ngập nước. Tại các khu vực ngập sâu, xã đã dựng biển cảnh báo hoặc cấm phương tiện di chuyển để đảm bảo an toàn.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm