Cơ sở sấy cau rộng hơn 1.000m2 của gia đình bà Nguyễn Thị Yên (50 tuổi, xã Minh Sơn, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa) nằm cạnh đường Hồ Chí Minh. Từ đầu tháng 8 đến nay, 5 lò sấy và 2 lò luộc cau của gia đình bà luôn trong trạng thái đỏ lửa, hoạt động hết công suất.
Gia đình bà Yên có thâm niên hơn 10 năm làm nghề sấy cau. Bà Yên cho biết, giá cau năm nay cao hơn mọi năm, ở mức 70.000-75.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến 80.000 đồng/kg. Không chỉ giá cau tươi cao, thị trường thu mua cau sấy khô cũng nhộn nhịp.
“Mọi năm giá cau tươi chỉ 30.000-40.000 đồng/kg, nhưng năm nay giá cao gấp đôi, bán chạy hơn nên chúng tôi có thu nhập cao, ổn định. Có thời điểm thương lái đặt hàng nhiều, các công nhân tại xưởng phải đẩy mạnh công suất cả ngày lẫn đêm”, bà Yên nói.
Theo bà Yên, nghề sấy cau đem lại thu nhập cao nhưng chỉ kéo dài hơn 3 tháng (từ tháng 8 đến hết tháng 10). Năm nay, giá cau cao từ đầu vụ, kéo dài nhiều ngày nên cơ sở của bà hoạt động đều đặn.
Nói về quy trình sản xuất, bà Yên cho biết, 5 tấn cau tươi sẽ làm ra được 1 tấn cau khô. Mỗi ngày gia đình bà thu mua gần 10 tấn cau tươi. Cau tươi sau khi mua về sẽ được nhặt hết cành, sau đó đưa vào nồi luộc khoảng 3-4 giờ cho hết nước chát và đưa đi sấy khô, phân loại.
“Vào vụ cao điểm, mỗi ngày chúng tôi sấy được 1-2 tấn cau khô. Hiện giá bán ra khoảng 400.000 đồng/kg, trừ hết chi phí, mỗi tháng gia đình tôi thu nhập khoảng 100 triệu đồng”, bà Yên nói.
Bà chủ cơ sở sấy cau cũng cho hay, mặc dù lợi nhuận cao nhưng nghề sấy cau bấp bênh, do phụ thuộc thị trường Trung Quốc.
“Tất cả phụ thuộc vào thương lái, có năm họ thu mua nhiều thì được giá, nhưng cũng có năm thua lỗ vì ế ẩm, giá thấp. Như năm nay, thị trường Trung Quốc thu mua đều đặn nên tạm ổn định hơn các năm”, bà Yên chia sẻ.
Ngoài đem lại thu nhập cao, cơ sở sản xuất cau khô của gia đình bà Yên còn tạo việc làm cho 15 lao động địa phương, với mức lương 4,5-10 triệu đồng/tháng, tùy vào công việc cụ thể.
Ông Đặng Sỹ Thu, Chủ tịch UBND xã Minh Sơn, huyện Ngọc Lặc, cho biết trên địa bàn có 2 cơ sở sấy cau hoạt động hơn 10 năm nay, trong đó có hộ gia đình bà Yên.
Theo ông Thu, năm nay giá cau cao và kéo dài trong nhiều ngày nên các chủ cơ sở sấy cau có nguồn thu nhập cao, không bấp bênh như mọi năm. Ngoài ra, nhiều hộ dân trên địa bàn trồng cau cũng có nguồn thu ổn định.
“Tuy không quy hoạch vùng trồng nhưng ở địa phương có nhiều hộ dân trồng cau tại vườn, nhà nhiều vài trăm cây, nhà ít vài chục cây. Nhìn chung cây cau là cây dễ trồng, đem lại thu nhập cao nhưng rất khó để xây dựng vùng trồng, vì hiện nay chưa có nhà máy chế biến, phụ thuộc vào thương lái”, ông Thu nói.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm