Đây là ý kiến của ông Nguyễn Duy Cường, Phó vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB-XH), trước đề xuất của BHXH TP.HCM để người lao động tự đóng tiền BHXH của mình, thay vì để doanh nghiệp đóng như hiện nay.
Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ LĐ-TB-XH ngày 17.10, ông Nguyễn Duy Cường cho biết, từ trước đến nay, theo quy định, người lao động đóng BHXH theo đơn vị sử dụng lao động. Hàng tháng chủ sử dụng lao động sẽ trích nộp BHXH từ tiền lương phần trách nhiệm đóng của người lao động (8%) và phần trách nhiệm đóng của chủ sử dụng lao động đóng (14%).
Theo ông Cường, hiện nay có những đơn vị có đến hàng nghìn, hàng chục nghìn người lao động, họ chỉ phải trích 1 lần tiền đóng BHXH bắt buộc cùng với kỳ trả lương hàng tháng để nộp cho cơ quan BHXH.
Đa phần các đơn vị đều thực hiện trách nhiệm đầy đủ, chỉ có một số ít trường hợp chậm đóng, trốn đóng BHXH.
Ông Cường cho rằng, việc đề xuất để cho người lao động tự đóng phải có đánh giá tác động cặn kẽ bởi hiện nay chúng ta quản lý theo đầu đối tượng, cơ quan BHXH sẽ quản trên 600.000 đơn vị sử dụng lao động.
“Nếu để người lao động tự đóng phần của mình, chúng ta sẽ phải quản trên 16 triệu lao động bắt buộc. Hàng tháng phải có biện pháp đôn đốc trên 16 triệu người tham gia BHXH bắt buộc nộp phần trách nhiệm đóng BHXH. Đề xuất mới cần phải có đánh giá toàn diện đứng trên nhiều góc độ khác nhau, để làm sao phù hợp đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn trong thực tiễn, không nên vì để khắc phục hạn chế nhỏ nhưng lại ảnh hưởng đến số lớn người lao động”.
Đại diện Bộ LĐ-TB-XH đánh giá, BHXH là vấn đề lớn, phức tạp và nhạy cảm. Bộ LĐ-TB-XH được Chính phủ giao chủ trì xây dựng dự án luật BHXH sửa đổi. Tại dự thảo trình Quốc hội cuối tháng 10 sẽ bổ sung nhiều quyền lợi, khuyến khích người lao động tham BHXH; đồng thời cũng bổ sung các chế tài đối với các doanh nghiệp, đơn vị hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH.
Trước đó, ngày 13.10, tại buổi làm việc giữa Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM với BHXH TP.HCM về việc góp ý sửa đổi dự thảo luật BHXH năm 2014, ông Lò Quân Hiệp, Giám đốc BHXH TP.HCM, cho biết hiện nay có tình trạng doanh nghiệp chậm đóng BHXH. Trong đó, một số doanh nghiệp gặp khó khăn, nhưng một số có hoạt động sản xuất kinh doanh, có doanh thu bình thường nhưng vẫn chậm, trốn đóng BHXH.
Vì thế, với bối cảnh công nghệ ngày càng được sử dụng rộng rãi, ông Hiệp cho rằng nên tiến tới hình thức đóng để người lao động tự chuyển 8% tiền đóng BHXH của mình về cho cơ quan bảo hiểm, giống như hình thức thanh toán tiền điện, nước, điện thoại trực tuyến hiện nay.
Các chuyên gia cũng lo ngại nếu để người lao động tự đóng 8% sẽ rất phức tạp, khó khăn cho công tác thu BHXH.
Lao động – Việc làm | Tổng hợp tin tức việc làm 24h