Thất nghiệp tăng nhưng tranh chấp giảm
Ngày 29/12, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM tổ chức hội nghị tổng kết nhiệm vụ năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ năm 2024.
Theo báo cáo tổng kết, trong năm 2023, Sở đã hoàn thành 70/70 chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, đạt 100% kế hoạch năm; trong đó có 34/70 nhiệm vụ vượt kế hoạch.
Một số chỉ tiêu trọng yếu của ngành vượt kế hoạch đề ra như: Tuyển sinh đào tạo nghề (đạt 100,77% kế hoạch năm); đào tạo nghề cho lao động nông thôn (đạt 143,73% kế hoạch năm); giải quyết việc làm cho người lao động (đạt 105,27% kế hoạch năm), tạo việc làm mới (đạt 101,05% kế hoạch năm)…
Trong năm 2023, Sở đã tiếp nhận thông báo cho người lao động thôi việc của 58 doanh nghiệp với số lao động mất việc là 4.319 người (trong tổng số lao động của 58 doanh nghiệp là 45.735 người).
So với cùng kỳ năm 2022, số doanh nghiệp gửi thông báo tăng 37 doanh nghiệp, số lao động mất việc tăng 2.894 người.
Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố tiếp nhận 166.032 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, ban hành 163.691 quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động.
So với năm 2022, số hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 26.477 trường hợp (năm 2022 là 139.555 trường hợp), số người được hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 27.919 người (năm 2022 là 135.772 người).
Tuy số người thất nghiệp tăng so với năm 2022 nhưng tỷ lệ thất nghiệp đô thị năm 2023 lại đạt 3,9%, thấp hơn con số 3,97% trong năm 2022.
Có được kết quả này là do trong năm 2023, các thành phần kinh tế đã giải quyết việc làm cho gần 315.800 lượt người, trong đó tạo việc làm mới là gần 141.500 lượt lao động.
Ngoài ra, Sở còn triển khai nhiều chương trình đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Tính đến ngày 8/12, số lao động Việt Nam được đưa đi làm việc ở nước ngoài là 9.809 người.
Chất lượng lao động cũng tăng lên khi số lao động đã qua đào tạo trong năm là gần 118.700 người, nâng số lao động đã qua đào tạo trên địa bàn thành phố là gần 4,45 triệu người trong tổng số gần 5,1 triệu lao động.
Công tác kết nối cung cầu lao động hiệu quả đã tạo nên sự ổn định của thị trường lao động, giúp người lao động cần việc và doanh nghiệp cần người nhanh chóng gặp nhau.
Trong năm 2023, các cơ quan dịch vụ việc làm đã tổ chức 139 phiên, sàn giao dịch việc làm. Từ đó, tư vấn, giới thiệu việc làm cho gần 170.300 lượt người.
Đặc biệt, trong năm 2023, Sở LĐ-TB&XH TPHCM đã chủ động triển khai các hoạt động kết nối cung – cầu lao động cho các nhóm lao động chuyên biệt như thanh niên, quân nhân xuất ngũ; lao động cắt giảm trong doanh nghiệp…
Ngành cũng đa dạng hóa các hình thức tổ chức sàn giao dịch việc làm trực tuyến, trực tiếp và liên kết với 13 tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long để giới thiệu việc làm cho người lao động.
Chính nhờ giải quyết tốt kết nối cung cầu lao động nên tình hình lao động năm 2023 vẫn ổn định dù số người thất nghiệp tăng cao. Trong năm chỉ xảy ra 6 vụ tranh chấp lao động tập thể, giảm 5 vụ so với cùng kỳ năm 2022.
Nhiều khó khăn vượt quá dự báo của ngành
Tại hội nghị, ông Nguyễn Bảo Cường, Trưởng phòng Lao động – Tiền lương – Bảo hiểm xã hội, đã có báo cáo tham luận về hoạt động giám sát tình hình lao động và tiền lương năm 2023.
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Chăm sóc, bảo vệ trẻ em và Bình đẳng giới, trình bày tham luận về kết quả thực hiện công tác bình đẳng giới và mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em được sở xây dựng trong năm 2023.
Ông Nguyễn Thành Lâm, Chánh thanh tra Sở, góp ý về việc thực hiện quy trình thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực quản lý của từng phòng, ban, đơn vị.
Các đơn vị thuộc sở và phòng LĐ-TB&XH các quận, huyện tham gia thảo luận, góp ý về những hạn chế, tồn tại trong hoạt động của ngành để cải thiện; mối quan hệ giữa các đơn vị để tạo thuận lợi trong công tác năm sau…
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Anh Thắng, Phó Chánh văn phòng Bộ LĐ-TB&XH, Trưởng đại diện Văn phòng Bộ tại TPHCM, đánh giá cao những nỗ lực của Sở LĐ-TB&XH TPHCM trong năm qua để hoàn thành tất cả chỉ tiêu của ngành.
Ông Thắng cho rằng: “Trong bối cảnh điều kiện kinh tế năm 2023 vô cùng khó khăn, kết quả đó khẳng định nỗ lực của toàn bộ cán bộ, công nhân viên của Sở và chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Sở”.
Theo ông Phạm Anh Thắng, thành tích nổi bật nhất của Sở là đã ổn định được tình hình lao động. Trong bối cảnh thị trường lao động năm 2023 rất bấp bênh, hàng loạt doanh nghiệp thiếu đơn hàng, cắt giảm lao động mà số vụ tranh chấp tập thể lại giảm rất sâu. Điều đó chứng tỏ công tác giám sát và giải quyết quyền lợi, việc làm cho lao động mất việc được thực hiện rất tốt.
Kết luận hội nghị, ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM, khẳng định thành tích ổn định tình hình lao động năm qua có được là nhờ sự nỗ lực hết sức của tập thể cán bộ, công chức, viên chức ngành lao động.
Theo ông Thinh, năm 2023 có nhiều khó khăn vượt quá dự báo của ngành. Trong điều kiện kinh tế khó khăn, các ngành dịch vụ – sản xuất bị ảnh hưởng, tình hình việc làm khó khăn theo.
Do đó, Sở xác định những công việc gì thuộc trách nhiệm của ngành thì cố gắng làm tốt, từ giải quyết quyền lợi cho người lao động mất việc đến kết nối cung cầu, giải quyết việc làm, giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực đến người lao động.
Trong năm, Sở kết nối cùng các đơn vị liên quan, các địa phương khác, tổ chức rất nhiều sàn, phiên giao dịch việc làm; tổ chức nhiều buổi đối thoại, hướng dẫn, giải thích các vướng mắc của người lao động, doanh nghiệp trong lĩnh vực lao động, việc làm.
Nhờ sự chủ động và tích cực thực hiện nhiệm vụ của toàn thể người lao động mà Sở đã ổn định được tình hình lao động, đạt được kết quả hoàn thành 70/70 chỉ tiêu, đầu việc lớn của ngành trong năm 2023.
Đồng thời, ông Lê Văn Thinh tự hào khi lần đầu tiên Sở LĐ-TB&XH TPHCM được thành phố trao giải thưởng sáng tạo cho Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em, điểm sáng nhất trong ngành LĐ-TB&XH thành phố năm 2023.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm