Hiện nay, có nhiều người còn trẻ đã trở thành sếp, quản lý nhiều dự án lớn của công ty. Vì điều này, trong mối quan hệ tại công ty cũng rơi vào nhiều cảnh oái ăm, điển hình như nhân viên lớn tuổi khi đi làm cảm thấy e ngại, tự ti, thậm chí không phục.
Chạnh lòng vì sếp nhỏ tuổi hơn
Sau khi sinh con thứ 2, chị Huỳnh Thị Thảo My (35 tuổi, Q.Bình Thạnh) ứng tuyển làm tại một công ty agency (chuyên cung cấp các giải pháp về marketing cho một công ty khác).
Thời gian đầu đi làm, chị không khỏi bỡ ngỡ vì môi trường làm việc đa phần đều là các bạn trẻ, nhất là gen Z (thuật ngữ chỉ nhóm người sinh từ năm 1995 đến năm 2012, nhưng cũng có người nói từ năm 1997 đến năm 2015). Có bạn chưa ra trường nhưng đã “lead” (điều phối) một dự án truyền thông lớn. Đặc biệt, người quản lý nhóm chị My nhỏ hơn chị gần chục tuổi.
“Tôi khá e dè, vì sếp tuổi nhỏ hơn tôi khá nhiều. Phải công nhận là các bạn trẻ hiện nay rất giỏi. Có đôi lần, giữa tôi và sếp bất đồng quan điểm. Khi được một người nhỏ tuổi hơn mình chỉ ra những lỗi sai hay hướng dẫn điều gì đó, tôi tự ái và nhiều khi còn thấy mình đang bị dạy đời”, chị My cho hay.
Cùng với cảm giác này, nhiều lần, chị My có ý định nghỉ việc vì thấy bản thân mình yếu kém, không theo kịp các bạn trẻ.
“Tuổi tác lớn dần, tôi thấy mình không còn nhạy bén và năng động như trước. Đôi lúc, tôi nghĩ mình là gánh nặng của cả nhóm, mọi người thường xuyên phải gánh thêm việc để giúp tôi về sớm với gia đình”, chị My kể.
Học hỏi từ sếp trẻ
Khác với chị Thảo My, anh Nguyễn Tất Thắng (38 tuổi, sống ở Singapore) lại không thấy có vấn đề gì với người sếp nhỏ tuổi hơn mình.
“Sếp tôi là một chàng trai chỉ mới 26 tuổi, rất nghiêm khắc trong công việc nhưng lại thân thiết như anh em khi rời công ty. Thời gian đầu, tôi gặp khó khăn trong giao tiếp và bất đồng văn hóa, may mắn được sếp đứng ra hòa giải. Mỗi khi họp, bạn ấy cũng chủ động nói chậm, gửi thêm bản báo cáo để tôi dễ nắm bắt”, anh Thắng kể.
Từ khi làm việc với những bạn trẻ, bản thân anh Thắng thấy mình trẻ trung, tươi tắn hơn. Ở công ty, sếp anh rất nghiêm khắc để mục tiêu chung của cả nhóm hoàn thành tốt. Nhóm anh thường xuyên được khen thưởng vì sự phối hợp ăn ý, nhịp nhàng, đạt kết quả cao.
Còn sau giờ làm, anh Thắng và sếp như bạn bè, anh em. Sếp trẻ còn là tour guide (hướng dẫn viên du lịch) đưa anh đi khám phá ẩm thực, văn hóa của đất nước Singapore…
“Người trẻ có rất nhiều cái hay, cái mới, đáng để tôi tiếp thu, học tập. Tôi cũng có thể chia sẻ ngược lại cho họ những kinh nghiệm mà mình có, càng lắng nghe nhiều thì càng học hỏi được nhiều”, anh chia sẻ.
Đòi hỏi sự nỗ lực từ hai phía
Chia sẻ về vấn đề này, anh Lê Minh An, Quản lý bộ phận tuyển dụng của khách sạn New World Saigon cho biết: “Môi trường làm việc hiện nay là sự kết hợp của nhiều thế hệ. Các bạn trẻ bây giờ rất giỏi, họ luôn cố gắng học hỏi, bắt kịp xu thế, đóng góp ý tưởng cho công ty. Vậy nên, nếu các anh chị có phần lớn tuổi không tự trau dồi bản thân thì sẽ bị tụt lại phía sau. Bản thân tôi cũng luôn mở lòng, đón nhận những kiến thức mới, học tập thêm từ các bạn trẻ”.
Anh Khương Duy, nhà sáng lập và Tổng giám đốc điều hành Công ty OhYeah Travel, bổ sung cũng nhấn mạnh rằng những nhà lãnh đạo trẻ cũng phải làm việc đúng đắn, minh bạch, giữ thái độ tốt với mọi nhân viên, đặc biệt phải luôn kính trọng với những anh chị lớn tuổi, đã có thâm niên.
“Ví dụ khi nhân viên mình làm sai, mình phải có cách phản ánh thế nào đó thật tinh tế. Vừa nghiêm túc vừa phải tạo cho họ cảm giác nhẹ nhàng, đừng để họ cảm thấy mình yếu kém và đang được dạy dỗ bởi một người nhỏ hơn”, anh Duy nói.
Còn theo anh Lê Văn Phước, Trưởng văn phòng đại diện Công ty CP công nghệ du lịch Best Price, tuổi tác không phải là yếu tố quyết định ai mới là lãnh đạo, quan trọng nhất vẫn ở kỹ năng, chuyên môn, cách xử lý công việc, những giá trị mà người đó có thể tạo ra cho công ty… Nếu gặp sếp nhỏ tuổi hơn, có điều gì không hài lòng, hãy trao đổi thẳng thắn.
Lao động – Việc làm | Tổng hợp tin tức việc làm 24h