TPHCM không thiếu lao động
Sáng 7/8, Cục việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) đã có buổi làm việc với Sở LĐ-TB&XH TPHCM để khảo sát thị trường việc làm trên địa bàn thành phố. Chủ trì cuộc họp là ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm; bà Lượng Thị Tới, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, đề nghị các đơn vị liên quan thông tin về tình hình tuyển dụng, cung ứng lao động tại địa phương để làm rõ thông tin thành phố hiện có thiếu lao động hay không.
Theo Cục trưởng Vũ Trọng Bình, TPHCM là địa bàn có nhiều doanh nghiệp, đông lao động nhất cả nước nên tình hình cung cầu lao động tại địa phương rất quan trọng, cần có sự giám sát, quản lý và điều hành kịp thời, hiệu quả nhằm ổn định thị trường việc làm.
Thay mặt Sở LĐ-TB&XH TPHCM, bà Trần Lê Thanh Trúc, Trưởng phòng Việc làm – An toàn lao động, báo cáo cung cầu lao động trên địa bàn thành phố trong thời gian qua và khẳng định hiện nay thành phố không thiếu lao động, nguồn cung lao động rất dồi dào.
Theo bà Trần Lê Thanh Trúc, hiện số người trong độ tuổi lao động trên địa bàn thành phố cao hơn tổng nhu cầu lao động của nền kinh tế và hệ thống giáo dục đào tạo mỗi năm cung ứng bình quân 500.000 lao động.
Trung tâm Thông tin thị trường lao động và Dự báo nhu cầu nhân lực TPHCM (Falmi) cũng đã khảo sát tại 80 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố cho thấy có đến 70% số sinh viên trả lời có nguyện vọng ở lại TPHCM làm việc.
Theo Falmi, bình quân mỗi năm có khoảng 500.000 sinh viên tốt nghiệp, 70% của tổng số trên là 350.000 lao động sẵn sàng cung cấp cho thị trường, còn cao hơn tổng nhu cầu lao động mới hằng năm của thành phố (khoảng 320.000 người).
Bà Trần Lê Thanh Trúc cho biết, đầu năm nay, Falmi cũng có khảo sát tình hình tuyển dụng lao động của hơn 23.000 doanh nghiệp. Kết quả khảo sát cho thấy có một số doanh nghiệp khó khăn khi tuyển dụng lao động, lý do chính là cung cầu chưa gặp nhau.
Cụ thể, có trường hợp doanh nghiệp trả lương thấp, người lao động không hài lòng; có doanh nghiệp “chê” kỹ năng của người lao động chưa đạt yêu cầu…
“Với những doanh nghiệp thâm dụng lao động, việc sa thải người cũ và tuyển dụng người mới diễn ra quanh năm. Một số thời điểm tăng mạnh nhu cầu tuyển dụng như cuối năm, đơn hàng nhiều… Lúc đó, họ cần tuyển số lượng lớn lao động trong thời gian ngắn sẽ diễn ra tình trạng khó tuyển mang tính thời điểm”, bà Thanh Trúc cho biết.
Bà Trần Lê Thanh Trúc lấy ví dụ một doanh nghiệp giầy da lớn trên địa bàn thành phố đã cho nghỉ việc cả chục ngàn lao động trong năm 2023 vì đơn hàng khó khăn. Sang năm 2024, đơn hàng có nhiều, doanh nghiệp cần tuyển hàng ngàn lao động bổ sung thì không thể tuyển đủ ngay được.
Một hiện tượng khác là lao động bị cho nghỉ việc trong các ngành thâm dụng lao động thường là lao động lớn tuổi, thâm niên, lương hơn 10 triệu đồng/tháng.
Nay tuyển lao động mới, doanh nghiệp trả mức lương quay lại khởi điểm ban đầu, không tính thâm niên nên rất thấp, những lao động có kinh nghiệm không chịu nhận việc mà tìm công việc khác.
Chính những lý do trên dẫn đến tình trạng nguồn cung lao động trên địa bàn thành phố rất dồi dào nhưng đôi lúc, có doanh nghiệp lại khó tuyển được người.
Nâng cao hiệu quả kết nối cung cầu lao động
Để giải quyết khó khăn trên, Sở LĐ-TB&XH TPHCM đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM tăng cường tổ chức các sàn giao dịch việc làm, kết nối doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng với người lao động có nhu cầu tìm việc.
Trong những tháng đầu năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM cũng đã liên kết với các đơn vị khác trên địa bàn thành phố và 22 tỉnh thành lân cận, tổ chức các sàn giao dịch việc làm với hình thức trực tiếp và trực tuyến nhằm kết nối cung cầu lao động liên vùng, không bị giới hạn về mặt địa lý.
Hình thức này đang thể hiện hiệu quả, giúp người lao động ở TPHCM có thể tìm được việc ở các tỉnh thành khác và người lao động các tỉnh dễ tiếp cận doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng ở TPHCM hơn.
Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM thường xuyên căn cứ vào các dự báo nhu cầu lao động hằng tháng, hằng quý của Falmi để định hướng liên hệ doanh nghiệp, tổ chức sàn giao dịch theo ngành nghề mà thị trường lao động đang cần nhằm nâng cao hiệu quả kết nối cung cầu.
Để phát triển mạnh mẽ hơn hiệu quả kết nối việc làm, bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM, đề nghị ngành lao động xây dựng một hệ thống dữ liệu lao động toàn quốc gắn với dữ liệu dân cư quốc gia. Từ đó, việc quản lý và kết nối cung cầu lao động giữa các tỉnh thành, vùng miền sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn rất nhiều.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Cục trưởng Vũ Trọng Bình ghi nhận báo cáo đánh giá tích cực của các đơn vị liên quan về tình hình việc làm trên địa bàn thành phố hiện nay.
Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả hoạt động quản lý thị trường, Cục trưởng Vũ Trọng Bình chỉ đạo Falmi phải xây dựng chặt chẽ hơn các báo cáo thị trường lao động và dự báo nhu cầu nhân lực, làm nổi bật các chỉ số thể hiện “sức khỏe” của thị trường việc làm để giúp công tác quản lý thị trường và kết nối cung cầu lao động hiệu quả hơn.
Với Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM, Cục trưởng Vũ Trọng Bình chỉ đạo tăng cường mạnh hơn hoạt động kết nối cung cầu lao động về số lượng sàn giao dịch việc làm lẫn hiệu quả kết nối, giới thiệu việc làm cho người lao động.
Đặc biệt, Cục trưởng nhấn mạnh đến vai trò liên kết của Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM với các trung tâm, doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực này để bám sát hơn thực tế thị trường, nâng cao hiệu quả kết nối cung cầu lao động.
Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM còn phải nâng cao hiệu quả công tác liên kết với Falmi để tận dụng dữ liệu, triển khai hoạt động giới thiệu việc làm phù hợp với các dự báo của đơn vị này, nâng cao hiệu quả kết nối, đảm bảo ổn định thị trường việc làm tại TPHCM.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm