Thông thường JD – Job Description (mô tả công việc) gồm: Tên vị trí, mô tả ngắn gọn về vai trò và nhiệm vụ chính của vị trí đó. JD tìm việc còn liệt kê các yêu cầu về kỹ năng, trình độ học vấn và kinh nghiệm cần thiết. Qua đó, ứng viên có thể xem xét bản thân mình có phù hợp với vị trí đó hay không trước khi ứng tuyển.
Muôn kiểu JD tuyển dụng
Chị Hà Linh (23 tuổi, Q.Bình Thạnh, là một người sáng tạo nội dung), đã chia sẻ về một trải nghiệm không mấy vui vẻ khi đọc một JD tìm việc. “Gần đây tôi tìm thấy một công việc mà theo tôi là rất phù hợp với kỹ năng của mình. Tuy nhiên, khi tôi đọc chi tiết JD, tôi cảm thấy khá sốc.
Công ty yêu cầu ứng viên phải tốt nghiệp đại học loại giỏi, có ít nhất 2 năm kinh nghiệm, trình độ tiếng Anh tương đương IETLS 6.0 trở lên, biết xây dựng kế hoạch content. Đồng thời thành thạo các phần mềm liên quan đến chụp ảnh, quay video. Ngoài ra, vị trí đó còn đòi hỏi ứng viên hỗ trợ công ty trong việc sáng tạo, quản lý dự án truyền thông và sẵn sàng tăng ca”, chị Linh kể.
Điều khiến chị Linh bất ngờ hơn chính là mức lương không tương xứng, thấp hơn rất nhiều so với khối lượng công việc. Khi liên hệ với nhân sự để hỏi thêm về mức lương, chế độ đãi ngộ thì chị chỉ nhận được câu trả lời chung chung, không rõ ràng.
“Tôi quyết định không nộp đơn vì cảm thấy rằng công ty ấy đang cố gắng tìm kiếm một ứng viên ‘hoàn hảo’ mà không sẵn sàng chi trả một mức lương hợp lý”, chị Linh nói.
Bên cạnh những JD dài như sớ, cũng có nhiều công ty chỉ làm JD một cách qua loa, mơ hồ. Những JD này thường chỉ nêu vắn tắt về công việc mà không đi vào chi tiết về yêu cầu, trách nhiệm hay kỹ năng cần có. Điều này khiến ứng viên khó hình dung được công việc và không biết liệu mình có phù hợp với vị trí đó hay không.
Tìm lại niềm tin khi gặp những JD “khó nhằn”
Chị Hằng (22 tuổi, ở Đà Nẵng, nhân viên của một công ty thương mại điện tử) chia sẻ, chị hay tìm kiếm việc làm trên các hội nhóm và mạng xã hội LinkedIn. Khoảng thời gian đầu mới đi làm, chị cảm thấy mất niềm tin và nghi ngờ năng lực bản thân bởi một vài JD tìm việc mơ hồ như: Yêu cầu quá cao so với mức lương; sử dụng những từ ngữ như “must have” (phải có), “essential” (thiết yếu), “mandatory” (bắt buộc) một cách quá mức.
Ngoài ra, chị Hằng khá sốc với những JD ghi chung chung, đến lúc chị đi phỏng vấn mới biết vị trí chị nộp đơn không như trong bảng mô tả công việc.
Tuy nhiên, sau khi tìm được những công việc lý tưởng thông qua các JD tìm việc. Chị Hằng đúc kết: “Nên tìm hiểu kỹ về công ty và vị trí ứng tuyển trước khi đọc JD. Thay vì mất tự tin vào bản thân khi đọc những JD “xịn xò” thì ứng viên nên xây dựng CV nổi bật, tập trung vào những điểm mạnh của bản thân. Đánh giá xem mình đáp ứng được những yêu cầu nào và cần cải thiện những gì. Đừng quá chú trọng vào những yêu cầu quá cao mà tập trung vào những yêu cầu mà bạn có thể đáp ứng”.
Tương tự, anh Trần Lê Quang (22 tuổi, ở TP.HCM) chia sẻ, từ đầu anh đã xác định được mức lương, kinh nghiệm của bản thân rồi nên anh không bị choáng ngợp bởi những JD tìm việc “khó nhằn”.
“Tôi sẽ bỏ qua những JD có khối lượng công việc cao, tập trung ở nhiều lĩnh vực khác nhau hoặc yêu cầu nhân viên phải làm việc đa nhiệm. Tôi sẽ chọn công việc nào phù hợp với năng lực, mục tiêu nghề nghiệp của bản thân rồi mới gửi CV. Ngoài ra, JD cũng là một cách thể hiện văn hóa công ty đó để mình có thể cân nhắc nên chọn hay không”, anh Quang nói.
Là nhà tuyển dụng nhân sự của một công ty bất động sản, anh Sỹ (37 tuổi, ở TP.HCM) nói: “Để tránh mất thời gian cho cả 2 bên. Nhà tuyển dụng chúng tôi ưu tiên viết JD rõ ràng, súc tích, dễ hiểu. JD tập trung vào kỹ năng và kinh nghiệm thực sự cần thiết cho công việc để tuyển ứng viên phù hợp. Tránh đưa ra những yêu cầu quá hoàn hảo hoặc quá mơ hồ”.
Đối mặt với những JD “khó nhằn”, “toxic” (độc hại) là điều không tránh khỏi trong cuộc đua tìm việc làm. Tuy nhiên, bằng cách đánh giá lại bản thân, hiểu rõ JD, thay đổi góc nhìn, bạn hoàn toàn có thể vượt qua những khó khăn và tìm lại niềm tin để tiếp tục hành trình tìm kiếm công việc phù hợp.
Lao động – Tin Tức Việc làm