Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Nhiều doanh nghiệp chậm đóng BHXH hơn 10 tỷ đồng, đứng đầu là bất động sản
BHXH TPHCM vừa công bố danh sách 16.618 đơn vị chậm đóng BHXH cho người lao động từ 3 tháng trở lên (số liệu tính đến hết ngày 31/7, cập nhật ủy nhiệm chi đến hết ngày 12/8).
Trong số hơn 16.600 đơn vị này có rất nhiều đơn vị chây ì, không đóng BHXH cho người lao động nhiều năm liền với số tiền chậm đóng lên đến hàng tỷ đồng. Cá biệt, có những doanh nghiệp chậm đóng BHXH cho hàng ngàn lao động với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.
Đứng đầu danh sách là Công ty Cổ phần Tập đoàn xây dựng Hòa Bình với số tiền chậm đóng lên đến gần 44,9 tỷ đồng. Do số lượng nhân sự lớn nên công ty này chỉ chậm đóng đến tháng thứ 13 nhưng số tiền chậm đóng tăng lên rất nhanh.
Ngoài Tập đoàn xây dựng Hòa Bình, trên địa bàn TPHCM còn có rất nhiều công ty chậm đóng BHXH kéo dài với số tiền chậm đóng lên đến hàng chục tỷ đồng.
Công ty CP TMDV Thiếu Nhi Mới chậm đóng đến tháng thứ 51 với số tiền hơn 31,2 tỷ đồng.
Công Ty CP Tập Đoàn Hưng Thịnh chậm đóng đến tháng thứ 17 với số tiền hơn 19,6 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Hưng Thịnh Incons chậm đóng đến tháng thứ 18 với số tiền gần 16,2 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Hưng Thịnh Land chậm đóng đến tháng thứ 15 với số tiền hơn 24,8 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần PROPERTY X chậm đóng đến tháng thứ 18 với số tiền gần 16,5 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Dược Phẩm Pha No chậm đóng đến tháng thứ 43 với số tiền hơn 12,9 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo BHXH TPHCM, đơn vị này hy vọng khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, quy định chặt chẽ hành vi trốn đóng BHXH thì cơ quan điều tra có căn cứ để xử lý hình sự các hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH. Khi đó, chế tài sẽ đủ sức răn đe, các đơn vị sẽ hạn chế tình trạng chậm đóng BHXH, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Cộng đồng shipper phẫn nộ vì bảo vệ bắt người giao hàng quỳ gối
Mới đây, một nhân viên bảo vệ chung cư tại Trung Quốc đã bắt một shipper quỳ gối, bồi thường khiến hàng trăm đồng nghiệp của anh này phẫn nộ.
Theo đó, nam shipper trong sự việc là một sinh viên làm việc bán thời gian. Trưa 12/8, anh đến giao hàng cho một chung cư ở Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang) thì vô tình làm hỏng lan can bãi cỏ.
Một nhân viên bảo vệ chứng kiến sự việc đã tiến tới, rút chìa khóa xe máy của nam shipper, yêu cầu anh bồi thường thiệt hại. Nam bảo vệ này còn yêu cầu shipper quỳ xuống thì mới đồng ý trả lại chìa khóa xe.
Vì quá sợ hãi, lo lắng các đơn hàng còn lại không được giao đúng hạn, nam shipper đã quỳ xuống và đồng ý bồi thường 300NDT (tương đương khoảng 1 triệu đồng).
Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc nam shipper quỳ gối trước nam bảo vệ đã khiến cộng đồng này phẫn nộ, kéo đến văn phòng quản lý và yêu cầu người bảo vệ xin lỗi. Tuy nhiên, nam bảo vệ lại tỏ thái độ bất hợp tác và nhất quyết không xin lỗi, khiến cộng đồng này càng tức giận hơn.
Không lâu sau, lực lượng công an đã có mặt để đảm bảo trật tự. Meituan, công ty giao đồ ăn mà nam shipper đang làm việc, cũng đã cử một nhân viên đến trao đổi với ban quản lý chung cư sự việc và chi phí sửa chữa lan can.
Trước đó, tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, một nhân viên bảo vệ cũng đã gây phẫn nộ khi dùng thòng lọng kiểm soát động vật để trói chân một người giao hàng. Nguyên nhân là do người này đi vào bên trong chung cư mà chưa xin phép.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Tháng “cô hồn”, sale ô tô tiết lộ điều bất ngờ, thu nhập ổn nhất năm
Nghề “mưa dầm thấm lâu”
Sau 3 năm theo nghề tư vấn bán ô tô (sale ô tô) cho một thương hiệu xe nổi tiếng, Nguyễn Thanh Sơn (32 tuổi, ngụ tại TPHCM) cho hay tài sản to lớn nhất mà mình tích cóp được chính là 2 chiếc sim điện thoại, với gần 4.000 số điện thoại liên lạc của khách hàng.
Sơn cho hay sale ô tô là nghề “mưa dầm thấm lâu”. Phần lớn, để khách chịu xuống tiền cho những đơn hàng bạc tỷ này, Sơn phải “đeo bám” ít nhất vài tháng, có khi phải vài năm.
“Khách vào xem xe rồi cọc luôn thì rất hiếm. Ngoài sở thích và kiến thức, khách mua ô tô còn dựa trên cảm xúc, tâm linh. Vì thế, bên cạnh việc hiểu biết sâu rộng về thông tin của từng chiếc ô tô, sale còn phải am hiểu nhiều lĩnh vực khác, có thêm kiến thức xã hội để làm thân với khách, tạo cho họ cảm giác thoải mái khi mua xe”, Sơn nói.
Bên cạnh đó, đối với những khách hàng là cặp đôi, vợ chồng, Sơn sẽ làm thân với người vợ nhiều hơn vì phụ nữ thường là người ra quyết định.
Theo kinh nghiệm nhiều năm qua, chàng trai chia sẻ những khách hàng ít am hiểu về xe là trường hợp khó tư vấn nhất. Bởi khách sẽ có xu hướng đưa ra những yêu cầu vượt quá giá trị của chiếc xe. Điều này khiến sale khó có thể tư vấn chiếc xe nào có đủ các yếu tố mà khách hàng mong muốn.
Đối với anh, hướng ngoại, thật thà và kiên trì là các tố chất cần thiết đối với một người sale ô tô.
Theo Sơn, đây là ngành hàng đặc thù, giá trị, khách thường là những người có điều kiện, kiến thức và sự trải nghiệm cao nên sale không thể “qua mặt”, nói dối bất cứ điều gì. Ngược lại, sự chân thành và thật thà sẽ dễ tạo sự tin tưởng, khiến khách chịu xuống tiền nhanh hơn.
Sơn nhớ rõ bản thân từng đi 30km/ngày trong suốt 1 tháng để làm thân, tư vấn thủ tục pháp lý cho khách hàng. Ngoài thời gian trao đổi về công việc, Sơn còn làm thân, tâm sự với khách những câu chuyện đời thường.
Thấy chàng trai thật thà, chịu khó, khách liền đồng ý xuống tiền cọc chiếc xe trị giá hàng tỷ đồng. Mặc dù lúc đầu, người khách này thể hiện thái độ xa cách, khó chịu, khó gần.
“Những khoảnh khắc ấy, bản thân cảm thấy nhẹ nhõm và biết ơn. Có nhiều khách rất khó tính, sale thuyết phục nhiều năm nhưng họ vẫn không mua. Khi nhận những trường hợp này, tôi thường tìm hiểu nhu cầu của khách trước rồi chăm chỉ đăng tải thông tin về ô tô trên trang cá nhân của mình. Lúc ấy, khách thấy phù hợp thì sẽ chủ động liên hệ”, anh Sơn bộc bạch.
Tháng kiếm trăm triệu, tháng lỗ vốn
Với kinh nghiệm 5 năm trong nghề, nữ trưởng phòng sale ô tô, Hoàng Bích Vân (41 tuổi, ngụ tại TPHCM), bộc bạch nữ giới làm nghề này thường gặp nhiều trở ngại, vất vả hơn nam.
“Là nữ nên chúng tôi phải trang điểm, để gương mặt đó ngoài nắng cả ngày khiến làn da bị ảnh hưởng. Không những vậy, nữ nhân viên sale còn nhiều lần bị khách hàng gạ gẫm, quấy rối với những lời mời gọi khiếm nhã”, chị Vân trải lòng.
Ngoài ra, chị cũng cảm thấy tổn thương trước những định kiến như nữ giới làm nghề này sẽ phải đi chơi, qua đêm với khách thì mới bán được xe.
“Nghề nào cũng có sự tiêu cực, nhưng không phải ai cũng thế. Để bám trụ được nghề này, đầu tiên phải làm bằng cái tâm và đi lên bằng chính năng lực của mình”, chị Vân bộc bạch.
Sau nhiều năm theo nghề, ngoài thu nhập, chị còn được gặp gỡ và học hỏi từ nhiều người ở các địa vị, điều kiện sống khác nhau.
Trong đó, chị ấn tượng nhất là hình ảnh một nam công nhân ở quê lên thành phố, dùng tiền tích cóp nhiều năm đi làm để mua chiếc ô tô nhằm chạy dịch vụ. Vì mong muốn cho anh có cuộc sống tốt hơn, chị Vân không ngần ngại nộp đơn xin giám đốc duyệt bán xe cho nam công nhân với mức giá vốn.
Anh Phạm Xuân Toàn (30 tuổi, ngụ tại TPHCM), nhân viên sale ô tô, cho hay công việc này không cho phép anh sai sót bất kỳ điều gì, dù chỉ là một con số nhỏ. Bởi nếu xảy ra vấn đề, xe không giao đúng giờ, đúng ngày hẹn cho khách, anh sẽ là người đại diện cho công ty chịu mọi trách nhiệm.
“Có nhiều khách rất coi trọng tâm linh, phong thủy nên chỉ cần giao trễ 1 phút thôi cũng sẽ khiến họ giận dữ. Chỉ sau 1 lần gặp sự cố ấy, tôi đã tự rút kinh nghiệm, rèn dũa bản thân trở nên tỉ mỉ hơn”, anh Toàn nói.
Nam nhân viên sale ô tô cho biết tháng cô hồn, hay còn gọi là tháng Ngâu (tháng 7 Âm lịch), thường là thời điểm bán chạy nhất trong năm. Bởi vào tháng này, hãng thường có nhiều chính sách ưu đãi, giảm giá để thu hút khách hàng. Vì thế, người mua chỉ cần đặt cọc, chờ sang tháng để nhận xe.
Anh Toàn chia sẻ rằng nhiều người thường lầm tưởng nghề của anh có thể kiếm được rất nhiều tiền. Nhưng thực tế, thu nhập của nghề này lại không ổn định do sự cạnh tranh và sức mua giảm. Nếu trước đây, trung bình mỗi tháng một sale ô tô có thể bán 3-4 chiếc xe thì bây giờ số lượng ấy chỉ còn một nửa.
“Một số người trong nghề có thể kiếm hàng trăm triệu đồng/tháng, nhưng đối với tôi thì chỉ dừng lại ở mức hàng chục triệu đồng. Thậm chí, có những tháng không bán được chiếc xe nào, sale còn lỗ vốn khi phải chi tiền làm quảng cáo, mời khách uống cà phê…”, anh Toàn cho hay.
*Tên các nhân vật đã được thay đổi
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Quy định về đánh bắt “con cá hiếm” ảnh hưởng đến hàng chục nghìn ngư dân
Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định số 37 (NĐ 37) về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26 năm 2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.
NĐ 37 có nhiều nội dung, trong đó quy định mới về “kích thước tối thiểu cá ngừ vằn được khai thác” thu hút sự quan tâm của nhiều ngư dân hành nghề lưới rê, lưới vây.
Theo đó, NĐ 37 quy định, con cá ngừ vằn phải có kích thước từ 500mm (50cm), ngư dân mới được đánh bắt.
Cuối tháng 7, Ban Quản lý cảng cá tỉnh Bình Định thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) ra thông báo về việc tạm ngừng ký giấy biên nhận bốc dỡ thủy sản qua cảng cá Quy Nhơn (Bình Định) đối với các loài thủy sản không đủ kích cỡ theo quy định tại NĐ 37.
Từ thông báo trên, nhiều ngư dân lo ngại quy định mới về đánh bắt con cá ngừ vằn ở NĐ 37 sẽ khiến họ gặp khó.
“Cá ngừ vằn 50cm chiếm khoảng 2-3% sản lượng khai thác”
Với hơn 30 năm kinh nghiệm làm nghề lưới rê đánh bắt cá ngừ vằn, ông Nguyễn Tấn Lầu, ở Khánh Hòa, chủ tàu KH-96778-TS, cho biết mỗi lần vươn khơi với 11 lao động, 200 triệu đồng phí tổn, trung bình tàu của ông mang về bờ khoảng 10 tấn cá ngừ vằn.
“Khi cập bờ, 80% số cá đánh bắt được sẽ bán cho các doanh nghiệp đưa về nhà máy chế biến, xuất khẩu đồ hộp. Phần còn lại được tiêu thụ nội địa”, ông Lầu nói.
Trong số cá trên, kích cỡ trung bình của cá ngừ vằn đạt 25-30cm, trọng lượng khoảng 2,5kg, còn loại hơn 50cm chỉ chiếm 2-3% tổng sản lượng khai thác được trong mỗi chuyến biển.
“Cá ngừ vằn có sản lượng vô cùng lớn ở vùng biển nước ta. Tuy nhiên, loại cá này mà chiều dài đạt hơn nửa mét lại thuộc dạng hiếm có, một chuyến biển nhiều lắm cũng được 200-300kg”, ông Lầu chia sẻ.
Ông Lầu cho biết, cá ngừ vằn dài 50cm hiếm có ở vùng biển nước ta do loài cá này chủ yếu sống ở vùng khơi, nước sâu; mặc khác chúng bơi rất nhanh nên các tàu khó đuổi kịp để đánh bắt.
Theo ngư dân này, việc NĐ 37 quy định phải đánh bắt con cá ngừ vằn tối thiểu dài 50cm mới được bán cho doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gây khó cho các chủ thuyền.
“Doanh nghiệp xuất khẩu không được mua con cá dưới 50cm chúng tôi biết bán cho ai. Không có người mua chúng tôi thua lỗ, buộc phải cho tàu nằm bờ”, ông Lầu chia sẻ.
Ông Nguyễn Nuôi, chủ 2 chiếc tàu ở Khánh Hòa, cho biết hầu hết các tàu cá lưới rê, lưới vây bắt con cá ngừ vằn đều vào bờ từ ngày 7 đến 14 (âm lịch). Do đó, số lượng loài cá này cập cảng trong một thời điểm ngắn lên đến hàng chục, trăm tấn mỗi ngày.
“Với số lượng cá ngừ vằn lớn như thế, nếu doanh nghiệp không được phép mua, chẳng biết đổ đi đâu cho hết”, ông Nuôi chia sẻ.
Ông Nuôi kiến nghị các cơ quan trung ương cần xem xét, nghiên cứu để cùng tháo gỡ khó khăn cho bà con ngư dân. Vì bám biển không chỉ là kế sinh nhai của ngư dân, mà còn bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Quy định đánh bắt cá ngừ vằn 25cm không chỉ tác động đến ngư dân, mà còn ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp.
Lãnh đạo một doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp ở thị xã Sông Cầu (Phú Yên), cho biết quy định “cá ngừ vằn dài 50cm” của NĐ 37 sẽ tác động rất lớn cho toàn ngành xuất khẩu cá ngừ đóng hộp.
“Thực tế trong nhiều năm qua, ngư dân đánh bắt được con cá ngừ vằn dài 50cm chỉ chiếm dưới 5%. Như vậy, nếu quy định của NĐ 37 được siết chặt sẽ khiến cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp không có cá nguyên liệu đầu vào, từ đó ảnh hưởng và có khả năng phá vỡ hợp đồng đã ký với các đối tác nước ngoài”, lãnh đạo doanh nghiệp ở Phú Yên lo lắng.
Rà soát quy định kích thước khai thác tối thiểu
Theo thống kê của Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, năm 2023, cả nước có gần 3.500 tàu lưới vây và lưới rê (tương ứng với 30.000 lao động) khai thác cá ngừ sọc dưa và các loại cá ngừ nhỏ tại 12 tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ.
Bên cạnh đó, có khoảng 15 doanh nghiệp sản xuất chế biến và xuất khẩu đồ hộp cá ngừ, ước tính với số lượng công nhân lao động khoảng 4.500 người.
Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu ngành cá ngừ đóng hộp đạt hơn 9.200 tỷ đồng.
Theo Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, quy định khai thác cá ngừ vằn trên 50cm đã gây tác động đến hàng chục nghìn ngư dân và người lao động tại doanh nghiệp. Vì ngư dân không có cá để bắt, còn doanh nghiệp không mua được cá dưới 50cm chế biến.
Trước những khó khăn của ngư dân, doanh nghiệp mới đây, Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam đã có văn bản kiến nghị gửi lãnh đạo Bộ NN&PTNT.
Ông Vũ Đình Đáp, Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, cho biết thực tế trên thế giới chưa nước nào quy định về kích thước tối thiểu khai thác con cá ngừ vằn. Mặc khác, theo nghiên cứu con cá ngừ vằn trên 50cm là hiếm có ở vùng biển nước ta.
Viện nghiên cứu Hải sản (Bộ NN&PTNT) từng công bố, con cá ngừ vằn đực đạt kích thước 38cm và con cái 38,7cm là đã sinh sản lần đầu.
“Mỗi lần sinh sản, cá ngừ vằn đẻ hàng triệu quả trứng. Như vậy, nếu các ngành ra quy định nhằm đảm bảo nguồn lợi thủy sản cần dựa vào nghiên cứu đã công bố này. Cá đã sinh sản thì được phép khai thác”, ông Đáp nói.
Ông Đáp cho rằng quy định cá ngừ vằn 50cm mới được khai thác ở NĐ 37 là chưa phù hợp khung pháp lý và thông lệ quốc tế, cả về cơ sở khoa học và thực tiễn.
Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam kiến nghị lãnh đạo Bộ NN&PTNT rà soát lại các quy định kích thước khai thác tối thiểu đối với cá ngừ vằn; có văn bản chỉ đạo điều chỉnh tới các địa phương ven biển và Ban quản lý cảng cá để giải quyết việc cấp giấy xác nhận và giấy chứng nhận nguyên liệu thủy sản từ khai thác cho cá ngừ vằn, trong giai đoạn chờ sửa nghị định.
Tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung phụ lục NĐ 37 trong thời gian sớm nhất theo hướng quản lý nghề khai thác cá ngừ vằn theo hạn ngạch để phù hợp với các luận cứ khoa học và cơ sở thực tiễn.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
- « Previous Page
- 1
- …
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- …
- 26
- Next Page »