Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định số 37 (NĐ 37) về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26 năm 2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.
NĐ 37 có nhiều nội dung, trong đó quy định mới về “kích thước tối thiểu cá ngừ vằn được khai thác” thu hút sự quan tâm của nhiều ngư dân hành nghề lưới rê, lưới vây.
Theo đó, NĐ 37 quy định, con cá ngừ vằn phải có kích thước từ 500mm (50cm), ngư dân mới được đánh bắt.
Cuối tháng 7, Ban Quản lý cảng cá tỉnh Bình Định thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) ra thông báo về việc tạm ngừng ký giấy biên nhận bốc dỡ thủy sản qua cảng cá Quy Nhơn (Bình Định) đối với các loài thủy sản không đủ kích cỡ theo quy định tại NĐ 37.
Từ thông báo trên, nhiều ngư dân lo ngại quy định mới về đánh bắt con cá ngừ vằn ở NĐ 37 sẽ khiến họ gặp khó.
“Cá ngừ vằn 50cm chiếm khoảng 2-3% sản lượng khai thác”
Với hơn 30 năm kinh nghiệm làm nghề lưới rê đánh bắt cá ngừ vằn, ông Nguyễn Tấn Lầu, ở Khánh Hòa, chủ tàu KH-96778-TS, cho biết mỗi lần vươn khơi với 11 lao động, 200 triệu đồng phí tổn, trung bình tàu của ông mang về bờ khoảng 10 tấn cá ngừ vằn.
“Khi cập bờ, 80% số cá đánh bắt được sẽ bán cho các doanh nghiệp đưa về nhà máy chế biến, xuất khẩu đồ hộp. Phần còn lại được tiêu thụ nội địa”, ông Lầu nói.
Trong số cá trên, kích cỡ trung bình của cá ngừ vằn đạt 25-30cm, trọng lượng khoảng 2,5kg, còn loại hơn 50cm chỉ chiếm 2-3% tổng sản lượng khai thác được trong mỗi chuyến biển.
“Cá ngừ vằn có sản lượng vô cùng lớn ở vùng biển nước ta. Tuy nhiên, loại cá này mà chiều dài đạt hơn nửa mét lại thuộc dạng hiếm có, một chuyến biển nhiều lắm cũng được 200-300kg”, ông Lầu chia sẻ.
Ông Lầu cho biết, cá ngừ vằn dài 50cm hiếm có ở vùng biển nước ta do loài cá này chủ yếu sống ở vùng khơi, nước sâu; mặc khác chúng bơi rất nhanh nên các tàu khó đuổi kịp để đánh bắt.
Theo ngư dân này, việc NĐ 37 quy định phải đánh bắt con cá ngừ vằn tối thiểu dài 50cm mới được bán cho doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gây khó cho các chủ thuyền.
“Doanh nghiệp xuất khẩu không được mua con cá dưới 50cm chúng tôi biết bán cho ai. Không có người mua chúng tôi thua lỗ, buộc phải cho tàu nằm bờ”, ông Lầu chia sẻ.
Ông Nguyễn Nuôi, chủ 2 chiếc tàu ở Khánh Hòa, cho biết hầu hết các tàu cá lưới rê, lưới vây bắt con cá ngừ vằn đều vào bờ từ ngày 7 đến 14 (âm lịch). Do đó, số lượng loài cá này cập cảng trong một thời điểm ngắn lên đến hàng chục, trăm tấn mỗi ngày.
“Với số lượng cá ngừ vằn lớn như thế, nếu doanh nghiệp không được phép mua, chẳng biết đổ đi đâu cho hết”, ông Nuôi chia sẻ.
Ông Nuôi kiến nghị các cơ quan trung ương cần xem xét, nghiên cứu để cùng tháo gỡ khó khăn cho bà con ngư dân. Vì bám biển không chỉ là kế sinh nhai của ngư dân, mà còn bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Quy định đánh bắt cá ngừ vằn 25cm không chỉ tác động đến ngư dân, mà còn ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp.
Lãnh đạo một doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp ở thị xã Sông Cầu (Phú Yên), cho biết quy định “cá ngừ vằn dài 50cm” của NĐ 37 sẽ tác động rất lớn cho toàn ngành xuất khẩu cá ngừ đóng hộp.
“Thực tế trong nhiều năm qua, ngư dân đánh bắt được con cá ngừ vằn dài 50cm chỉ chiếm dưới 5%. Như vậy, nếu quy định của NĐ 37 được siết chặt sẽ khiến cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp không có cá nguyên liệu đầu vào, từ đó ảnh hưởng và có khả năng phá vỡ hợp đồng đã ký với các đối tác nước ngoài”, lãnh đạo doanh nghiệp ở Phú Yên lo lắng.
Rà soát quy định kích thước khai thác tối thiểu
Theo thống kê của Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, năm 2023, cả nước có gần 3.500 tàu lưới vây và lưới rê (tương ứng với 30.000 lao động) khai thác cá ngừ sọc dưa và các loại cá ngừ nhỏ tại 12 tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ.
Bên cạnh đó, có khoảng 15 doanh nghiệp sản xuất chế biến và xuất khẩu đồ hộp cá ngừ, ước tính với số lượng công nhân lao động khoảng 4.500 người.
Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu ngành cá ngừ đóng hộp đạt hơn 9.200 tỷ đồng.
Theo Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, quy định khai thác cá ngừ vằn trên 50cm đã gây tác động đến hàng chục nghìn ngư dân và người lao động tại doanh nghiệp. Vì ngư dân không có cá để bắt, còn doanh nghiệp không mua được cá dưới 50cm chế biến.
Trước những khó khăn của ngư dân, doanh nghiệp mới đây, Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam đã có văn bản kiến nghị gửi lãnh đạo Bộ NN&PTNT.
Ông Vũ Đình Đáp, Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, cho biết thực tế trên thế giới chưa nước nào quy định về kích thước tối thiểu khai thác con cá ngừ vằn. Mặc khác, theo nghiên cứu con cá ngừ vằn trên 50cm là hiếm có ở vùng biển nước ta.
Viện nghiên cứu Hải sản (Bộ NN&PTNT) từng công bố, con cá ngừ vằn đực đạt kích thước 38cm và con cái 38,7cm là đã sinh sản lần đầu.
“Mỗi lần sinh sản, cá ngừ vằn đẻ hàng triệu quả trứng. Như vậy, nếu các ngành ra quy định nhằm đảm bảo nguồn lợi thủy sản cần dựa vào nghiên cứu đã công bố này. Cá đã sinh sản thì được phép khai thác”, ông Đáp nói.
Ông Đáp cho rằng quy định cá ngừ vằn 50cm mới được khai thác ở NĐ 37 là chưa phù hợp khung pháp lý và thông lệ quốc tế, cả về cơ sở khoa học và thực tiễn.
Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam kiến nghị lãnh đạo Bộ NN&PTNT rà soát lại các quy định kích thước khai thác tối thiểu đối với cá ngừ vằn; có văn bản chỉ đạo điều chỉnh tới các địa phương ven biển và Ban quản lý cảng cá để giải quyết việc cấp giấy xác nhận và giấy chứng nhận nguyên liệu thủy sản từ khai thác cho cá ngừ vằn, trong giai đoạn chờ sửa nghị định.
Tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung phụ lục NĐ 37 trong thời gian sớm nhất theo hướng quản lý nghề khai thác cá ngừ vằn theo hạn ngạch để phù hợp với các luận cứ khoa học và cơ sở thực tiễn.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm