“Thấy khách đông vậy thôi chứ doanh thu giảm nhiều so với mọi năm. Năm nay chúng tôi vẫn giữ được các mối quen, nhưng khách không mua nhiều như trước nữa, thương lái cũng lấy ít hàng hơn”, ông Thọ (47 tuổi), tiểu thương chợ Thiếc ở quận 11, TPHCM cho biết.
Ông Thọ là tiểu thương bán đồ cúng đã hơn 37 năm tại khu chợ này. So với 10 năm trước, ông Thọ nhận định, nhu cầu mua đồ cúng của người dân hiện giảm nhiều. Điều này nghĩa là doanh thu của cửa hàng cũng giảm theo.
Trước đây, các tiểu thương có thể kiếm hàng chục triệu đồng/ngày trong các dịp lễ lớn, giờ con số đó chỉ còn trong mơ.
“Lượng khách giảm nhưng giá nguyên vật liệu, mọi chi phí đều tăng. Chúng tôi phải gồng gánh nhiều thứ, chấp nhận lãi ít lại để giữ chân khách. Buôn bán ở chợ vất vả, đau đầu mà giờ lãi lời không đáng kể, con cháu cũng không có ý định nối nghiệp”, ông Thọ lắc đầu.
Ông cho hay, người kinh doanh mặt hàng này chỉ mong chờ vài dịp lễ tết trong năm để kiếm bù những tháng “nông nhàn”. Dù ngày cuối năm, sạp hàng của ông liên tục đón khách lui tới, vị tiểu thương vẫn sợ mất nghiệp, khó tìm người nối tiếp công việc.
Ghi nhận của phóng viên Dân trí, trong ngày 1/2 (tức 22 tháng Chạp), khách chen chân tại chợ Thiếc để mua đồ cúng tiễn ông Táo về trời (23 tháng Chạp).
Chị Thùy Trang, thương lái chuyên doanh đồ “âm phủ”, đi từ TP Thủ Đức đến quận 11 để lấy hàng về bán. Đã 10 năm nay, chị Trang lấy hàng tại khu chợ này. Mọi năm, gia đình chị đều mua hàng với số lượng lớn để bán dần cho các dịp lễ.
“Từ giai đoạn Covid-19 đến nay, người dân thắt chặt chi tiêu. Những mặt hàng phục vụ nhu cầu tâm linh như vàng mã cũng ế ẩm, ít người còn ham chuyện cúng cầu, “lấy tiền thật đổi tiền giả” như trước. Vậy nên năm nay tôi chỉ lấy hàng cầm chừng, bán hết mới nhập thêm”, chị Trang nói.
Chị Tuyết Hằng (ngụ tại quận 1) cũng đến khu chợ từ sớm để mua đồ chuẩn bị cúng tiễn ông Táo. Nhà làm ăn, tín lễ nên những năm trước, chị Hằng đều chi 3-4 triệu đồng mua sắm đồ cúng. Năm nay việc kinh doanh khó khăn, thất bát, chị chỉ lướt ngang, nhặt một số tiền vàng cơ bản cho lễ cúng ông Công, ưu tiên những loại giá rẻ.
“Gia đình tôi từng mua sẵn đồ cúng cho cả năm để cứ đến dịp thì dùng thôi. Nhưng năm nay tình hình kinh tế khó khăn, không biết việc kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng đến mức nào nên tôi chi tiêu tiết kiệm, tính toán hơn, dùng hết đến đâu mới mua đến đó và chỉ mua những thứ thật sự cần thiết”, chị Hằng giải thích.
Quanh khu chợ Thiếc, các sạp kinh doanh bánh thuẫn, bánh tổ, mía… phục vụ lễ cúng ông Táo năm nay chỉ lác đác khách. Phía bên trong quầy, tiểu thương kiên nhẫn ngồi chờ khách, ai nấy đều thấy trước tình hình khó khăn.
Trước đây, tiểu thương có thể đóng cửa, hết hàng sớm vẫn có doanh thu “khủng”, nay nhiều chủ sạp cố trụ đến chiều tối cũng không “vớt” được thêm đáng kể.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm