Bà Phan Thị Thu (52 tuổi, trú thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh, Đức Trọng, Lâm Đồng) cho biết, gia đình bà nuôi 24 bò sữa, sau khi tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục vào tháng 7, toàn bộ đàn vật nuôi bị bệnh tiêu chảy. Trong đó, có 1 bò mẹ đang cho khai thác sữa bị chết, 1 bò bị hư thai 7 tháng tuổi.
“Bò mẹ bị chết có trọng lượng khoảng 700kg, nếu áp giá bồi thường của công ty thuốc là 70.000 đồng/kg, gia đình chỉ nhận được 35 triệu đồng, chỉ bằng 50% giá trị của bò mẹ bị thiệt hại.
Với số tiền bồi thường đó, gia đình tôi không thể mua nổi bò mẹ về tiếp tục khai thác sữa. Hiện, bò mẹ được bán với giá hơn 80 triệu đồng/con”, bà Thu chia sẻ.
Gia đình anh Nguyễn Duy Thành, thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh có 26/30 bò sữa bị nhiễm bệnh, tiêu chảy. Đến nay, có 3 bò mẹ đang cho khai thác sữa đã bị chết, thiệt hại khoảng 240 triệu đồng.
Anh Thành cho hay, trước khi 3 bò mẹ nhiễm bệnh, chết, mỗi ngày gia đình thu hoạch 20-25kg sữa/con, giá sữa bình quân 15.000 đồng/kg. 3 bò mẹ bị chết có trọng lượng khoảng 600kg/con. Trường hợp áp giá bồi thường của công ty thuốc 70.000 đồng/kg, gia đình anh chỉ nhận được 126 triệu đồng.
Theo anh Thành, với số tiền 126 triệu đồng, việc mua lại 3 bò mẹ ở giai đoạn cho khai thác sữa là điều không thể.
Anh nói: “Số tiền bồi thường không thể bù đắp được so với thiệt hại. Hiện nay, một số hộ dân bán bò mẹ khai thác sữa ở mức 60-65 triệu đồng, tuy nhiên đa phần đã được tiêm vaccine, bị nhiễm bệnh nên chúng tôi cũng không dám mua”.
Theo người dân, với mức giá bồi thường mà công ty thuốc đưa ra, họ chỉ có thể mua bê về để sản xuất. Giá bê giống khoảng 10 triệu đồng/con nhưng cần chăm sóc thêm 2 năm mới có thể khai thác sữa.
Ông Phạm Phi Long, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Lâm Đồng cho biết, trong cuộc làm việc với người dân và cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng, đại diện Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco (Navetco), đơn vị cung cấp vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục Navet-LpVac đã đưa ra mức bồi thường nhưng giá thấp nên người dân không đồng ý.
Theo đó, Navetco đưa mức bồi thường 55.000 đồng/kg bò hơi; 60.000 đồng/kg bò mang thai; 65.000 đồng/kg bò sinh sản không mang thai và 70.000 đồng/kg đối với bò sinh sản mang thai; bò chết do hộ chăn nuôi tự xử lý, có xác nhận của chính quyền địa phương, mức hỗ trợ 7-10 triệu đồng/con.
Navetco cũng đưa ra mức hỗ trợ chi phí điều trị, thiệt hại 1-6 triệu đồng/con đối với bò sữa bị bệnh. Thời điểm tính bồi thường được xác định từ ngày phát sinh ca bệnh đầu tiên đến ngày 26/9.
Về việc thỏa thuận mức giá bồi thường, anh Nguyễn Duy Thành nói: “Chúng tôi đã đề nghị công ty thuốc nâng mức bồi thường đối với bò không mang thai là 100.000 đồng/kg; bò mang thai 110.000 đồng/kg; bò sinh sản là 120.000 đồng/kg”.
Ông Phạm Phi Long cho biết, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã đề nghị Navetco xem xét, điều chỉnh mức giá phù hợp, sớm bồi thường cho người dân.
Từ 22 đến 31/7, đàn trâu, bò tại Lâm Đồng được tiêm phòng bệnh viêm da, nổi cục. Đã có khoảng hơn 31.000 liều đã được thực hiện xong, trong đó có 10.000 liều được thực hiện trên đàn bò sữa.
Theo người dân, sau khi tiêm 7-10 ngày, bò sữa có biểu hiện xuống sức, bỏ ăn, ho, sùi bọt mép, tiêu chảy ra máu và chết. Hiện, có 550 bò sữa tại Lâm Đồng bị chết.
Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết luận, nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy ở đàn bò sữa do nhiễm virus Pestivirus tauri (BVDV type 2) sau khi tiêm vaccine Navet-LpVac của Công ty Cổ phần thuốc thú y Trung ương (Navetco).
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm