Sinh mạng nằm trong tay lái
Mới đây, mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh một tài xế container mải mê xem iPad, dẫn đến lạc tay lái rồi tông vào dải phân cách và nhà dân. Sự việc được xác nhận xảy ra tại huyện Củ Chi (TPHCM). Hậu quả là tài xế đã tử vong, nhà người dân thì bị hư hỏng nặng.
Anh Trần Văn Chính (34 tuổi, quê tại Lâm Đồng), tài xế xe container, cho hay vì phương tiện này thường dùng để chở hàng có trọng lượng lớn, nên khi xe bị chệch hướng, tài xế rất khó xử lý cho dừng lại ngay lập tức. Đó là nguyên nhân vì sao Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia luôn nhắc nhở các tài xế không được sử dụng điện thoại trong lúc lái xe và luôn phải tập trung hết mức.
Thấy đoạn clip đồng nghiệp tử nạn vì sơ sẩy, tài xế Chính không khỏi trầm ngâm, trải lòng về nghề “cưỡi hung thần” của mình.
Làm tài xế cho những chuyến xe đường dài hơn 7 năm, anh Chính đã quen với nhịp sống bận rộn và công việc vô cùng vất vả này.
Nghề tài xế lương “ba cọc ba đồng” như anh Chính miêu tả, mất một chuyến hàng là cả gia đình phải chịu đói. Vì thế, anh Chính ví bước chân lên xe như bước vào cửa tử, để trở về nhà an toàn thì chỉ có tập trung cao độ và không lơ là một phút giây nào trong suốt hành trình.
Chuyến đi dài nhất của anh Chính thường kéo dài 8-10 ngày, xuất phát từ TPHCM ra Tây Bắc.
“Cơn ác mộng của tài xế chính là những hôm mưa bão hay chỉ đơn thuần là màn đêm tĩnh mịch. Trong khi người khác chăn ấm, nệm êm, những tài xế như tôi phải vật lộn với cơn buồn ngủ và đủ loại hiểm nguy.
Thỉnh thoảng, tôi thường xối thẳng nước đá lên đầu cho tỉnh. Khi nào buồn ngủ quá, sợ bản thân rơi vào “giấc ngủ trắng”, tôi liền tìm trạm dừng để nghỉ ngơi một lát rồi đi tiếp. Sinh mạng của mình và những người khác nằm trong tay lái, bản thân tôi không dám lơ là bất kỳ giây phút nào”, nam tài xế nói.
Theo anh Chính, nhiều tài xế chỉ vì áp lực của tiến độ công việc mà phóng nhanh, vượt ẩu. Nhưng đối với anh, người làm bất kỳ nghề nào cũng phải có đạo đức.
“Từng chứng kiến nhiều tai nạn thảm khốc trên đường, tôi luôn tự nhắc mình nhấn nhẹ chân ga. Tôi và cả những người tham gia giao thông khác, ai cũng có một gia đình phía sau”, anh Chính trải lòng.
Nghề đánh đổi nhiều thứ
Giấc ngủ ngon nhất của anh là những lần ít ỏi được về nhà nằm cạnh vợ, con. Còn lại, nam tài xế phải thường xuyên ăn “bụi”, ngủ “bụi”, xem xe là nhà và cabin là giường. Những giấc ngủ này chưa bao giờ trọn vẹn, bởi anh luôn thấp thỏm lo sợ rằng sẽ có trộm đến “thăm”.
Đối với anh Chính và nhiều tài xế khác, bữa cơm gia đình tưởng chừng đơn giản nhưng là điều xa xỉ. Họ không thể ở cạnh chăm sóc cho vợ, con mỗi lúc ốm đau, chỉ có thể trông chờ vào người thân để giữ “lửa” gia đình. Vì thế, hầu như các tài xế đều ngậm ngùi chia sẻ rằng họ đã chuẩn bị sẵn tâm lý nếu “người vợ ở nhà không còn kiên nhẫn chờ đợi”.
Anh Hoàng (32 tuổi, quê tại Nghệ An), tài xế container, bộc bạch anh đã theo nghề hơn 11 năm. Năm nay, con gái anh đã 8 tuổi, nhưng những lần anh đưa con đến trường hầu như đếm trên đầu ngón tay.
Vào thời điểm công việc bận rộn, các lô hàng từ miền Trung, miền Nam ra vào liên tục, tài xế Hoàng hiếm khi được về nhà. Những lúc neo xe ở bãi đỗ để chờ chuyển hàng là lúc rảnh rang nhất mà anh Hoàng có thể bốc máy, gọi về hỏi thăm vợ, con.
Bên trong cabin, tài xế Hoàng dán một tấm ảnh gia đình để vơi đi phần nào nỗi nhớ nhà. Tấm ảnh đó cũng là thứ nhắc nhở anh làm việc có trách nhiệm, đạo đức để có thể an toàn trở về.
Nhiều chuyến hàng chở trái cây, cần đến nơi đúng giờ để đảm bảo hàng không hư hỏng, anh Hoàng vẫn quyết tâm không phóng nhanh, vượt ẩu.
“Đối với một tài xế, tỉnh táo và tập trung là thứ luôn phải tuân thủ, nhưng đồng thời cũng thách thức chúng tôi rất nhiều. Sau nhiều vụ việc tài xế tử nạn vì sơ sẩy, chúng tôi càng ghi nhớ sự quan trọng của 2 điều ấy”, tài xế Hoàng chia sẻ.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm