Ngày 24/4/2018 UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt Đề án phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh phục vụ nhà máy sản xuất sợi dệt tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Đề án được thực hiện ở địa bàn 12 huyện: Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thọ Xuân, Như Xuân, Thường Xuân, Lang Chánh, Quan Sơn, Triệu Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Hà Trung và Hoằng Hóa.
Mục tiêu của đề án đến năm 2020 phát triển vùng nguyên liệu gai xanh với diện tích 3.000ha. Giai đoạn 2021-2025 mở rộng thêm diện tích 3.457ha, nâng tổng diện tích đất trồng cây gai xanh nguyên liệu đến năm 2025 là hơn 6.400ha. Định hướng năm 2030, tổng diện tích gai nguyên liệu ổn định hơn 6.400ha.
Ngày 1/10/2021, UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục ban hành quyết định mở rộng phạm vi đề án thêm 6 huyện, gồm: Yên Định, Thạch Thành, Hậu Lộc, Nông Cống, Như Thanh, Mường Lát.
Mục tiêu là vậy nhưng theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Thanh Hóa, đến nay, tổng diện tích cây gai xanh trên địa bàn tỉnh này mới hơn 930ha tại 18 huyện. Trong đó, tập trung nhiều nhất là huyện Cẩm Thủy hơn 413ha, Thạch Thành 108,9ha, Bá Thước hơn 91ha…
Tuy nhiên, đã có hơn 200ha cây gai xanh bị người dân phá bỏ, chuyển đổi sang cây trồng khác.
Trong đó, huyện Yên Định có hơn 10ha đã bị phá bỏ; huyện Lang Chánh có hơn 60ha nay cũng chỉ còn lại một vài hecta; huyện Thạch Thành đã có hơn 78ha/108,9ha bị phá bỏ. Nhiều huyện số diện tích trồng cây gai xanh đã bị chặt bỏ hơn một nửa như Ngọc Lặc, Như Xuân, Bá Thước,…
Đến ngày 14/2, Sở NN&PTNT Thanh Hóa có văn bản gửi UBND các huyện trồng gai xanh nguyên liệu, Công ty Cổ phần Nông nghiệp An Phước – Viramie (gọi tắt là Công ty An Phước).
Văn bản nêu rõ: “Cuối năm 2022 công ty gặp khó khăn do tác động của các yếu tố trong và ngoài nước dẫn đến đầu tư, phát triển công nghệ, thu mua chế biến vỏ gai và mở rộng vùng nguyên liệu gặp khó khăn. Điều này đã ảnh hưởng đến tâm lý thâm canh, chăm sóc và phát triển vùng nguyên liệu gai xanh”.
Từ thực tế trên, Sở NN&PTNT Thanh Hóa chỉ đạo UBND các huyện hạn chế mở rộng trồng mới cây gai xanh.
Rõ ràng niềm tin của người dân về cây gai xanh đã giảm sút. Tại nhiều huyện, tình trạng đốn bỏ, chuyển đổi sang cây trồng khác đang diễn ra.
Tuy nhiên, mới đây thông tin từ Sở NN&PTNT Thanh Hóa, Công ty An Phước lại có văn bản đề nghị bổ sung, mở rộng thêm diện tích tại huyện Thiệu Hóa, các xã, phường ven sông Mã của thành phố Thanh Hóa vào phạm vi thực hiện đề án phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh.
Ông Vũ Quang Trung, Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cho biết, mặc dù công ty đề xuất, song có được triển khai hay không còn phụ thuộc vào việc các huyện đánh giá tính hiệu quả của cây gai cũng như nhu cầu của người dân.
“Hiện Sở yêu cầu UBND các huyện rà soát, xác minh lại hiện trạng, đánh giá hiệu quả, khả năng phát triển của cây gai xanh; điều kiện, cơ chế liên kết, định hướng cụ thể… Trên cơ sở đó, Sở sẽ tổ chức hội nghị giữa công ty và các địa phương về vấn đề này”, ông Trung nói.
Trước đó báo Dân trí đã có bài phản ánh về việc nhiều hộ dân tại huyện Lang Chánh tham gia đề án trồng cây gai xanh nhưng không hiệu quả khiến người trồng vỡ mộng với “cây làm giàu” nên ồ ạt chặt bỏ. Còn tại huyện Cẩm Thủy có tình trạng doanh nghiệp chậm trả tiền và ngừng thu mua sản phẩm một thời gian khiến người dân lo lắng.
Mới đây, chia sẻ với phóng viên Dân trí, nhiều người dân tại vùng nguyên liệu trồng cây gai xanh cho biết, công ty đã trả tiền và thu mua trở lại vỏ khô cây gai xanh cho bà con.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm