Theo lời của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thanh Trà tại cuộc họp báo định kỳ chiều 20.6, Bộ Chính trị đã thống nhất thực hiện 4/6 nội dung trong đề án cải cách tiền lương từ ngày 1.7.
Theo đó, do phát sinh nhiều bất cập và cần phải thận trọng nghiên cứu từng bước nên việc bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương chưa đủ điều kiện để thực hiện. Tức, từ ngày 1.7, chưa thay mức lương cơ sở bằng chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết 27 năm 2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.
Dự kiến, mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khu vực công (sau đây gọi tắt là người làm cho nhà nước) tăng 30%, tăng từ 1,8 triệu đồng (1.800.000 đồng) lên 2,34 triệu đồng (2.340.000 đồng), mức tăng là 540.000 đồng.
Đồng thời, sẽ giữ nguyên các loại phụ cấp hiện có như phụ cấp chức vụ lãnh đạo, kiêm nhiệm, thâm niên vượt khung, trách nhiệm theo nghề.
Công thức tính tiền lương
Như vậy, nếu tăng lương cơ sở lên 30% thì lương của người làm cho nhà nước sẽ thay đổi. Hiện nay, việc tính lương của người làm ở khu vực công được quy định tại Nghị định 204 năm 2004 của Chính phủ. Trong đó, tiền lương = lương cơ sở x hệ số lương.
Các bảng phụ lục đính kèm theo Nghị định 204 nêu chi tiết bảng lương chuyên gia cao cấp và bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước, bao gồm nhóm ngạch và các đối tượng áp dụng.
Ví dụ, với công chức loại A1 (sinh viên đại học mới ra trường vào làm cho cơ quan nhà nước sẽ được áp dụng mức này) có hệ số lương khởi điểm là 2,34. Như vậy, tiền lương mới dự kiến từ ngày 1.7 = 2.340.000 đồng x 2,34 = 5.475.600 đồng.
Công chức làm việc cứ ba năm thì được xét tăng một bậc lương (quy định tại Thông tư số 79 năm 2005 của Bộ Nội vụ).
Công thức tính phụ cấp
Ngoài lương cơ sở, người làm cho nhà nước được nhận thêm phụ cấp. Sau khi có nghị định của Chính phủ về mức lương cơ sở mới, Bộ Nội vụ sẽ có văn bản hướng dẫn thực hiện chi tiết.
Cần lưu ý khi lương cơ sở tăng thì mức phụ cấp cũng tăng theo, vì công thức tính mức phụ cấp = lương cơ sở x hệ số phụ cấp hiện hưởng.
Đối với các khoản phụ cấp tính theo % mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có): mức phụ cấp = mức lương + mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) + mức phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) x tỷ lệ % phụ cấp được hưởng theo quy định.
Tính thu nhập tăng thêm
Riêng tại TP.HCM, ngoài lương, các khoản phụ cấp thì người làm cho cơ quan nhà nước còn hưởng thêm thu nhập tăng thêm.
Theo Nghị quyết 08 năm 2023 của HĐND TP.HCM về chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết số 98 năm 2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, mức chi thu nhập tăng thêm tối đa là 1,8 lần mức lương ngạch, bậc, chức vụ và chi thu nhập tăng thêm không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý của thành phố.
Điều 12 Quyết định 20 năm 2024 của UBND TP.HCM chỉ chi thu nhập tăng thêm đối với trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
Căn cứ kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng và mức chi trả thu nhập tăng thêm, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quyết định chi thu nhập tăng thêm theo mức tối đa cho người được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và với cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ thì hưởng thu nhập tăng thêm tối đa là 80% của trường hợp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Theo Nghị quyết 185 năm 2023 của HĐND TP.HCM về dự toán thu ngân sách nhà nước và thu chi ngân sách năm 2024, hệ số chi thu nhập tăng thêm tối đa là 1,5 lần so với tiền lương ngạch bậc, chức vụ. Đối với các đối tượng nhận thu nhập tăng thêm theo mức tiền cụ thể, mức chi tối đa 3 triệu đồng/tháng.
Công thức tính mức thu nhập tăng thêm/tháng = hệ số lương + hệ số phụ cấp chức vụ (nếu có) x mức lương cơ sở x 1,5 (hệ số thu nhập tăng thêm).
Ví dụ đối với công chức đang hưởng lương bậc 1 (2,34) có thể sẽ nhận được mức thu nhập tăng thêm lên tới 8.213.400 đồng/tháng (= 2,34 x 2.340.000 đồng x 1,5).
Lao động – Tin Tức Việc làm