
Tùy vào thời điểm nghỉ hưu của người lao động mà điều kiện về thời gian công tác có đóng bảo hiểm để được nghỉ hưu sớm khác nhau (Ảnh minh họa: Sơn Nguyễn).
Khi nghiên cứu chế độ, chính sách dành cho cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc do sắp xếp bộ máy theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP, bà Thảo (ngụ Hà Nội) thắc mắc về chính sách đối với người nghỉ hưu trước tuổi quy định tại Điều 7 nghị định này.
Theo đó, Điểm d Khoản 2 Điều 7 Nghị định 178 quy định trường hợp có tuổi đời còn dưới 2 năm đến tuổi nghỉ hưu quy định được hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi khi có đủ thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để được hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Bà Thảo hỏi: “Quy định này chưa rõ thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là đủ 20 năm được nghỉ hưu trước tuổi hay là 30 năm đối với nữ, 35 năm đối với nam?”.
Bạn đọc Hà Như Họa, hiện là Chủ tịch Hội Nông dân xã, cũng có câu hỏi tương tự: “Tôi có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tính đến ngày 1/7/2025 là 19 năm 9 tháng. Nếu tôi xin nghỉ theo Nghị định 178 thì có được hưởng lương hưu ngay không?”.
Về vấn đề này, Bộ Nội vụ cho biết, việc tính “thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để được hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội” trong trường hợp trên tùy thuộc vào thời điểm nghỉ hưu của người lao động.
Thứ nhất, đối với trường hợp nghỉ trước thời điểm ngày 1/7/2025 (là thời điểm có hiệu lực của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024) thì áp dụng Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Khi đó, thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật là 20 năm.
Thứ hai, đối với trường hợp nghỉ sau thời điểm ngày 1/7/2025 (là thời điểm có hiệu lực của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024) thì áp dụng Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024. Khi đó, thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật là 15 năm.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm