WC, tủ để đồ – nơi nghỉ ngơi của nhân viên vệ sinh
Mỗi buổi trưa, nữ lao công Xu Ping (quốc tịch Trung Quốc) phải lén lút ăn trưa trong nhà vệ sinh nơi chị làm việc.

Làm công việc nặng nhọc nhưng nhiều nhân viên vệ sinh không nhận được chế độ đãi ngộ đủ bù đắp (Ảnh: VCG).
Cô ngồi giữa một thùng rác lớn và một buồng vệ sinh, tay trái cầm hộp thức ăn, tay phải siết chặt chiếc bộ đàm luôn phát sáng. Bởi cô phải luôn trong trạng thái sẵn sàng làm việc.
Những cảnh tương tự như vậy không phải hiếm ở Trung Quốc. Nhiều nhân viên vệ sinh tại các ga tàu điện ngầm, trường học, trung tâm thương mại hay bệnh viện thường chỉ có thể nghỉ ngơi trong nhà vệ sinh, góc cầu thang hoặc giữa những dãy tủ đựng đồ. Đó là nơi họ có ít phút để ăn uống, chợp mắt hoặc nghỉ chân đôi chút.
Tháng 3 vừa qua, mạng xã hội xuất hiện làn sóng kêu gọi các tổ chức khẩn trương đầu tư không gian nghỉ ngơi cho nhân viên vệ sinh. Nhiều sinh viên đã gửi thư tới hiệu trưởng, các nhân viên thì kiến nghị đến lãnh đạo, thậm chí nhiều người cũng đã phản ánh lên nền tảng dịch vụ công trực tuyến của chính phủ về vấn đề này.

Lao công phải ngủ tạm ở nhà vệ sinh, trong tủ đựng đồ hoặc thậm chí là ở hành lang, lối đi của cơ quan (Ảnh: VCG).
Fang Yun, một sinh viên thực tập tại bệnh viện lớn ở Thượng Hải, là người từng bắt gặp nữ lao công Xu Ping ăn một mình trong nhà vệ sinh. Cô cảm thấy rất có lỗi và dặn lòng nếu thấy có lao công ngồi ăn bên trong, cô nhất định sẽ không sử dụng nhà vệ sinh vào lúc đó.
Fang cho hay vào buổi chiều cô thường thấy nữ lao công ngồi trên ghế, dựa đầu vào tường nhà vệ sinh để ngủ. Những nhân viên như Xu hoàn toàn không được phép ngồi nghỉ. Họ phải luôn đứng ở hành lang, trên tay cầm cây lau nhà và bình nước, sẵn sàng thực hiện chỉ đạo của người quản lý.
Tại một ga tàu điện ngầm ở Thượng Hải, bà Xiao Lan (59 tuổi) chia sẻ bà được bố trí phòng nghỉ rộng 2m2, không có cửa sổ, chỉ vừa đủ chỗ cho một người đứng. Căn phòng thực ra là nơi chứa đủ thứ dụng cụ làm việc, máy móc, xe đẩy…

Phòng nghỉ tạm bợ của nữ lao công Xiao Lan (Ảnh: VCG).
Dù được cấp phòng nghỉ ở tầng hầm của cơ quan, bà thường xuyên phải nghỉ tạm ở tủ đựng đồ tại tầng B1 do công việc không cho phép rời vị trí.
Ca làm việc của bà kéo dài từ 6h30 đến 19h. Trong khung giờ cao điểm, nhà vệ sinh luôn quá tải. Cứ cách 10 phút, bà buộc phải kiểm tra từng buồng vệ sinh.
Nỗ lực đấu tranh đòi quyền lợi
Liu Hong (43 tuổi) là lao công ở tòa nhà ký túc xá 7 tầng của trường đại học tại Thượng Hải. Cô chịu trách nhiệm dọn sảnh chính, hành lang, phòng tắm, nhà vệ sinh và cả khu vực xử lý rác thải ngoài trời.
Cô làm việc 10 tiếng/ngày, 6 ngày/tuần, từ 6h đến chiều tối và chỉ nghỉ trưa đúng 10 phút.
Công việc phân loại rác phức tạp nên Liu chọn không mang găng tay. Hằng ngày, cô phải lau chùi từ tầng trệt đến tầng cao nhất của tòa nhà không có thang máy.
Liu Hong bộc bạch cô từng bị trượt ngã cầu thang, gãy chân, nằm bất động hơn 10 phút mà không ai biết. Mặc dù được sinh viên yêu mến và giúp đỡ về mặt tinh thần, cô thừa nhận mỗi ngày làm việc đều là cuộc đua với thời gian. Nữ lao công còn phải chịu đau đớn vì bệnh mãn tính do làm công việc nặng nhọc lâu năm.

Một lao công ngủ gật ở hành lang (Ảnh: VCG).
“Có lần, tôi đã bật khóc khi một nam sinh tiến đến và ngỏ lời tặng chiếc ghế đẩu có đệm ngồi. Một số học sinh khác cũng tặng tôi găng tay bảo hộ để tránh bị thương khi làm việc hoặc cho tôi phế liệu để bán, kiếm thêm thu nhập. Đó là những sự quan tâm, an ủi giúp tôi vượt qua được tủi thân khi làm nghề này”, cô Liu trải lòng.
Mặc dù công việc cực nhọc và vất vả, lương của lao công như Liu Hong chỉ ở mức 3.400 NDT/tháng (tương đương hơn 12 triệu đồng). Thế nhưng, cô có thể bị phạt đến 200 NDT nếu có ai đó khiếu nại về vấn đề vệ sinh (khoảng 718.000 đồng).
Sống ở Thượng Hải, cô Liu phải trang trải các chi phí đắt đỏ như 1.000 NDT (hơn 3,5 triệu đồng) tiền thuê nhà hằng tháng. Cô còn phải gửi 1.000 NDT cho ba mẹ chồng và chu cấp vài trăm NDT mỗi tháng cho con gái đang học cấp ba ở Sơn Đông.

Ngày càng có nhiều người đấu tranh đòi quyền lợi cho nhân viên vệ sinh (Ảnh: VCG).
Luật sư Xu Xudong, đối tác tại Công ty luật Fides (Giang Tô), cho biết nếu hợp đồng giữa đơn vị thuê và công ty vệ sinh không nêu rõ điều khoản về việc cung cấp phòng nghỉ cho nhân viên lao công, việc đề xuất rất khó thực hiện.
Ông cũng chỉ ra rằng “khu vực nghỉ ngơi” chưa được định nghĩa rõ trong luật, khiến việc áp dụng tiêu chuẩn thống nhất trở nên bất khả thi.
“Ngay cả khi điều kiện làm việc gây ảnh hưởng đến sức khỏe của những nhân viên vệ sinh, rất khó để chứng minh đó là một loại tai nạn nghề nghiệp”, luật sư nói.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm