Sau phiên đàm phán lương tối thiểu vùng năm 2024, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách, pháp luật (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam), cho biết quan điểm chung của các thành viên đều đánh giá, tình hình hiện nay cả doanh nghiệp và người lao động đều gặp khó khăn. Nhiều thông tin đang cần xem xét.
Khi Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 là từ 5 – 6%, cơ bản nhiều thành viên cũng đồng thuận.
Theo ông Quảng, phía đại diện chủ sử dụng lao động cũng đã nhìn thấy được sự thiện chí của phía đại diện người lao động nêu ra tại phiên họp. Hiện nay, các doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn, vì vậy, họ mong muốn lùi thời điểm xem xét điều chỉnh tiền lương để doanh nghiệp có điều kiện duy trì sản xuất, đảm bảo việc làm cho người lao động.
Các chuyên gia độc lập cũng đồng ý tăng lương, nhưng đề nghị cân nhắc là thời điểm tăng và mức tăng phù hợp.
Sau khi nghe ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước, giới sử dụng lao động, các chuyên gia độc lập, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đã xin hội ý và thống nhất sẽ chưa quyết đề xuất mức tăng lương, thời điểm tăng lương năm 2024 tại phiên họp này mà lùi đến phiên họp thứ hai.
Hiện cả hệ thống chính trị đang tìm mọi cách để tháo gỡ, hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động. Chính vì vậy, các thành viên đều đồng ý sẽ đề xuất điều chỉnh tăng tiền lương tối thiểu vùng trong năm 2024.
“Mức tăng như thế nào, thời điểm tăng từ 1.4 hay từ 1.7 thì phải chờ các thông tin, dữ liệu đầu vào dịp cuối năm nay để cùng xem xét, đánh giá tại phiên họp tới của Hội đồng Tiền lương quốc gia”, ông Quảng cho hay.
Khảo sát của Bộ LĐ-TB-XH tại 63 tỉnh, thành phố trong 4 tháng đầu năm cho thấy, hơn 500.000 người bị ảnh hưởng đến việc làm, trong đó có gần 300.000 người thôi việc.
Phía Bộ LĐ-TB-XH cũng thống nhất sẽ điều chỉnh tiền lương tối thiểu trong năm 2024, tuy nhiên, thời điểm tăng, mức tăng sẽ được xem xét kỹ hơn tại phiên họp tiếp theo, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 11 tới.
Sẽ tăng lương nhưng không phải thời điểm này
Trao đổi với báo chí, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bày tỏ: “Mong muốn điều chỉnh lương của người lao động là hoàn toàn chính đáng. Song, các doanh nghiệp hiện nay rất khó khăn, các đơn hàng, các hợp đồng đang bị gián đoạn. Các chủ sử dụng lao động đang cố gắng duy trì việc làm các tháng cuối năm và những năm tiếp theo. Điều chỉnh trong lúc này không phù hợp lắm. Tăng sẽ có tăng nhưng không phải thời điểm này”.
Theo ông Phòng, Hội đồng Tiền lương quốc gia chưa nên quyết định ngay việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng. Việc xem xét tăng lương cần có độ trễ và nên được quyết định căn cứ vào các thông số kinh tế, sản xuất thời gian tới đây.
Tại phiên họp, bộ phận kỹ thuật đã tính toán họp để đánh giá lại tình hình, để tăng lương cho năm 2024 vào cuối năm 2023. Đơn vị đưa ra đề xuất tăng lương vào thời điểm từ ngày 1.1.2024 hoặc ngày 1.7.2024. Mức đề xuất tăng lương tuân theo nguyên tắc lương tối thiểu bằng hoặc cao hơn mức sống tối thiểu.
Do đó, các thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất, cần thêm thời gian để đánh giá về các yếu tố tăng lương.
Theo kết quả khảo sát tình hình đời sống, việc làm, tiền lương của người lao động năm 2023 được đại diện Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam trình bày tại cuộc họp, có 24,5% người lao động cho biết tiền lương và thu nhập chỉ vừa đủ đáp ứng 100% chi tiêu cho cuộc sống; còn lại 75,5% người trả lời cho biết thu nhập hiện tại không đáp ứng đủ thu nhu cầu chi tiêu của họ, thậm chí, có trường hợp thu nhập chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu chi tiêu.
Đáng chú ý, chỉ có 8,1% người lao động có dư tích lũy từ tiền lương và thu nhập; 11,2% không thể đủ sống và ngoài thời gian làm việc tại doanh nghiệp họ phải làm thêm việc khác để kiếm thêm thu nhập.
Trước những khó khăn trên, đại diện phía người lao động cho rằng, đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 2024 ở mức 5 – 6% là để bù đắp chỉ số trượt giá và để duy trì tiền lương thực tế cho người lao động.
Lao động – Việc làm | Tổng hợp tin tức việc làm 24h