Chấp nhận huề vốn, khuyến mãi để níu chân khách
Anh Huỳnh Ngọc Bảnh (30 tuổi, quê tại tỉnh Hậu Giang) từng là công nhân tại tỉnh Bình Dương. Trước đó, mức lương 6 triệu đồng ở nhà máy không đủ để anh trang trải cuộc sống gia đình, nuôi vợ con. Vì thế, anh quyết định bỏ việc, đăng ký tài khoản làm nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội TikTok.

Anh Bảnh trong một phiên livestream bán hàng (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Một triệu đồng là thu nhập đầu tiên của Bảnh nhờ đoạn clip quảng cáo cho nhãn hàng thực phẩm nổi tiếng.
Không lâu sau, kênh TikTok của anh đạt hàng trăm nghìn lượt theo dõi và hàng triệu lượt thích, giúp anh Bảnh kiếm được thu nhập tăng gấp nhiều lần so với thời điểm còn làm công nhân.
“Mỗi phiên livestream trên TikTok, doanh thu có thể đạt 4-5 triệu đồng, trên Facebook là 10 triệu đồng. Thu nhập không chỉ đến từ việc livestream bán hàng mà còn đến từ hợp đồng quảng cáo với các nhãn hàng”, anh Bảnh nói.
Nhờ cơ hội mới này, gia đình anh không còn phải chật vật như trước nữa.
Thế nhưng, vài tháng qua, tình hình kinh doanh trên nền tảng số dần có sự thay đổi và khó khăn hơn.
“Doanh thu livestream bán hàng và hợp đồng quảng cáo bất ngờ giảm hơn một nửa. Những đoạn clip quảng cáo quá rõ ràng dần kén người xem, không còn đạt hiệu quả, tương tác cao như trước nữa”, anh Bảnh nói.
Thời gian gần đây, anh Bảnh quyết định bán giá rẻ, khuyến mãi, chấp nhận hòa vốn để giữ chân khách. Tuy nhiên, tình hình cũng không mấy khả quan.
Chị Trần Thị Thu Hiền (29 tuổi, ngụ tại tỉnh Trà Vinh) là chủ của kênh TikTok hơn 200.000 người theo dõi và 4 triệu lượt thích. Thu nhập của nữ TikToker đến từ 3 nguồn gồm chạy quảng cáo cho các nhãn hàng, tự mở kênh bán hàng hoặc nhận quà chuyển đổi thành tiền mặt trên sóng trực tiếp.

Doanh thu bất ngờ sụt giảm, người làm nghề livestream tìm đủ cách níu chân khách hàng (Ảnh minh họa: Nhân vật cung cấp).
Song chị cũng ghi nhận thu nhập từ nghề livestream bán hàng đã giảm một nửa so với trước.
“Sau nhiều sự việc tiêu cực, quảng cáo sai sự thật của một số người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, khách hàng cũng trở nên e dè với sản phẩm mà chúng tôi quảng bá hơn. Đứng trước thách thức ấy, chúng tôi cũng cố gắng hoàn thiện quy trình quảng cáo, cam kết mang đến sản phẩm chất lượng, rõ nguồn gốc để gầy dựng uy tín bản thân, lấy lại lòng tin của khách hàng dành cho nghề này”, chị Hiền chia sẻ.
Kinh doanh nền tảng số cũng phải có chiến lược dài hạn
Anh Nguyễn Minh Tân, chuyên gia đào tạo livestream, cho hay trong 1-2 năm gần đây, nghề này đã phát triển mạnh về quy mô lẫn chất lượng.
Theo AccessTrade Việt Nam, mỗi tháng có khoảng 2,5 triệu phiên livestream bán hàng với sự tham gia của hơn 50.000 nhà bán hàng trên các nền tảng như Facebook, Shopee và TikTok. Các thương hiệu cao cấp cũng dần có mặt trên “sân chơi” này.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng cũng kéo theo nhiều khó khăn, thử thách cho người làm nghề.
“Ngày nay, sự cạnh tranh trong nghề rất khốc liệt vì càng có nhiều người tham gia vào thị trường. Các sàn thương mại điện tử thay đổi chính sách liên tục cũng là một phần tác động đến doanh thu của người làm nghề livestream”, anh Tân nói.

Người làm nghề cần có chiến lược dài hạn hơn để phát triển công việc kinh doanh (Ảnh minh họa: Nhân vật cung cấp).
Ngoài ra, nhiều vụ việc hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng bị phanh phui gần đây cũng là rào cản lớn cho các nhà bán hàng. Bởi người tiêu dùng trở nên cẩn trọng và e dè nhiều hơn trong việc đưa ra quyết định lựa chọn mua sản phẩm trên các phiên livestream.
“Doanh thu sụt giảm là một quy luật tất yếu của thị trường. Thế nhưng, sự sụt giảm thường chỉ xảy ra rõ rệt ở những nhà bán hàng không có chiến lược dài hạn và cụ thể, không đầu tư về chất lượng, nội dung mà chỉ tập trung cạnh tranh về giá”, anh Tân nhấn mạnh.
Để giữ chân người tiêu dùng và duy trì thu nhập, người làm nghề livestream cần xây dựng chiến lược dài hạn, đầu tư vào chất lượng nội dung của các phiên livestream bán hàng như tổ chức tư vấn, chia sẻ kiến thức, kèm theo yếu tố giải trí để gia tăng hiệu quả.
Bên cạnh đó, người làm nghề phải cập nhật và thích ứng với những sự thay đổi nhanh chóng của chính sách các sàn thương mại điện tử; đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cá nhân và nội dung chất lượng cho kênh bán hàng; mở rộng trên nhiều nền tảng để tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng hơn và tránh bị lệ thuộc.

Nghề livestream dần đứng trước nhiều thử thách khi thị trường thay đổi (Ảnh minh họa: Nhân vật cung cấp).
“Gần đây, nhiều nhà bán hàng đã chuyển từ livestream đơn lẻ sang xây dựng hệ sinh thái nội dung đa điểm chạm. Họ bắt đầu bằng video ngắn để tăng tương tác, sau đó dẫn dắt người xem vào các phiên livestream, rồi tiếp tục tiếp thị qua quảng cáo hoặc ưu đãi cá nhân hóa để chốt đơn. Cách làm này giúp giảm phụ thuộc vào lượng truy cập tự nhiên, đồng thời tăng độ nhận diện thương hiệu và tỷ lệ chuyển đổi.
Đáng chú ý, nội dung livestream cũng đang dịch chuyển từ bán hàng thuần túy sang mô hình giải trí kết hợp bán hàng (shoppertainment). Thay vì chỉ giới thiệu sản phẩm, người bán cần lồng ghép yếu tố giải trí để thu hút và giữ chân người xem trước khi bán hàng. Đây là hướng đi các nhà bán hàng nên cân nhắc trong thời gian tới”, anh Tân cho hay.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm