“Vì cái tính hay hóng hớt của bản thân, suýt chút nữa tôi bị… ngồi tù”, Nguyễn Thị Hồng (25 tuổi, quê Quốc Oai, Hà Nội), kể “kiếp nạn” mới gặp phải tại Hàn Quốc khi giúp đỡ bé trai bị ngã trên đường.
Hồng cho biết, tuần trước, trên đường đi làm về, cô bắt gặp cảnh hai đứa trẻ đang ngồi chơi cạnh vũng nước ven đường. Lúc này, bé trai khoảng 2 tuổi bị trượt ngã, không có người lớn bên cạnh.
“Lúc đó, trời chập choạng tối, tôi đang trên đường đi làm về thì thấy cậu bé bị trượt ngã vào vũng nước. Quan sát một lúc, không thấy người lớn xung quanh, tôi chạy lại nhấc bé trai lên.
Thấy em bé có vết xước ở chân, tôi lấy khăn ướt trong túi lau vết thương giúp cháu. Đang xử lý thì bố mẹ cháu chạy ra, chưa hiểu đầu đuôi câu chuyện đã mắng tôi sa sả vì nghĩ tôi làm con họ ngã.
Tôi lên tiếng giải thích, nhưng người mẹ tiếp tục mắng chửi và một mực cho rằng tôi đang nói dối. Sau đó, người phụ nữ báo cảnh sát. Khi cơ quan chức năng đến hiện trường, tôi yêu cầu trích xuất camera để làm rõ sự việc.
Không may, camera giao thông gần đó bị hỏng, không xem lại được tình huống. Tôi nghĩ bụng, ‘pha này không biết minh oan thế nào’. May sao, nhà của người dân gần đó có gắn camera trước cửa, hướng ra khu vực hai cháu bé ngồi chơi.
Sau đó, cảnh sát đã vào nhà người dân đề nghị được xem dữ liệu từ camera. Sự việc được sáng tỏ. Mọi chuyện kết thúc ở đó. Đáng tiếc, biết hành vi của mình không đúng, nhưng mẹ bé trai không hề có một lời xin lỗi”, Hồng kể lại với phóng viên Dân trí.
Về đến nhà, cô gái chia sẻ “kiếp nạn” bản thân mới gặp phải lên mạng xã hội, để cảnh báo anh em đồng hương ở Hàn “hạn chế lo chuyện bao đồng”.
“Tôi cảm thấy rất may mắn, bởi nếu không có camera của nhà dân thì hôm đó tôi không biết mình gặp phải rắc rối gì. Bây giờ, đi ra đường, tôi không dám ‘nhanh nhảu’ nữa.
Hơn 6 năm sống ở Hàn, đây là lần đầu tiên tôi gặp phải chuyện oái oăm thế này. Suýt chút nữa, tôi giúp người thành ra tự hại mình. Người dân bản địa rất thân thiện, tốt bụng, và người mẹ trong câu chuyện tôi kể chỉ là trường hợp hi hữu.
Song, tôi khuyên mọi người nên cẩn thận để tránh rước họa vào thân như này”, nữ sinh chia sẻ.
Câu chuyện “làm ơn mắc oán” của Hồng nhanh chóng thu hút sự chú ý trên diễn đàn lao động Việt tại Hàn Quốc.
“Cất lòng tốt và tình thương ở lại Việt Nam. Điều này có thể hơi trái với lương tâm nhưng là điều cần thiết khi ra nước ngoài. Đôi khi, mình làm ơn mắc oán”, một tài khoản bình luận.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm