Ngày 4.11, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết trong tháng 10.2023, TP.HCM đã giải quyết việc làm cho hơn 25.000 lượt người lao động, trong đó có hơn 12.000 chỗ việc làm mới, tập trung các ngành bán buôn, bán lẻ, thực phẩm, nhà hàng, hoạt động tư vấn quản lý và các hoạt động kinh doanh khác…
Tỷ lệ thất nghiệp vẫn gia tăng
Tính chung từ đầu năm đến nay, TP.HCM đã giải quyết việc làm cho 268.061 lượt người (đạt 89% kế hoạch năm), trong đó tạo hơn 119 chỗ việc làm mới. So với cùng kỳ năm 2022, tỷ lệ giải quyết việc làm tăng 0,25%, tỷ lệ tạo việc làm mới tăng 0,29%.
Về giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp, trong tháng 10.2023, TP.HCM ban hành tiếp nhận 12.211 hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Nếu tính từ đầu năm đến ngày 30.9, TP.HCM đã tiếp nhận 128.477 hồ sơ và ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 125.707 người lao động. So với cùng kỳ năm 2022, số trường hợp nộp hồ sơ tăng 9,3% (tăng 10.945 người) và có quyết định hưởng tăng 11,86% (tăng 13.329 trường hợp).
Trong tháng 9.2023, TP.HCM tiếp nhận thông báo cho người lao động thôi việc của 6 doanh nghiệp vì lý do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế, với số lao động mất việc là 292 người.
Tính số liệu từ đầu năm tới nay, có 46 doanh nghiệp thông báo cho người lao động thôi việc với số lao động mất việc là 4.022 người; tăng 27 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2022, số lao động mất việc tăng 3.847 người.
Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cũng lưu ý con số này chưa bao gồm số lượng người lao động bị mất việc theo hình thức thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động, như trường hợp ở Công ty TNHH PouYuen giảm hơn 9.000 lao động.
Sở LĐ-TB-XH TP.HCM nhận định việc hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng so với cùng kỳ năm 2022 và các doanh nghiệp tiếp tục cắt giảm lao động cho thấy tình hình lao động – việc làm trên địa bàn TP.HCM còn nhiều khó khăn, buộc doanh nghiệp phải thay đổi để duy trì hoạt động sản xuất.
Các giải pháp của TP.HCM để ổn định thị trường lao động cuối năm
Để ổn định tình hình quan hệ lao động cuối năm, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho hay đề ra 4 giải pháp trọng tâm:
Thứ nhất, tăng cường theo dõi, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, lao động, dự báo chính xác tình hình cung – cầu lao động. Đặc biệt, giám sát chặt chẽ tình hình chi trả tiền lương, thưởng cho người lao động dịp Tết Nguyên đán năm 2024.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh kết nối cung – cầu lao động, tổ chức sàn giao dịch việc làm. Đồng thời, phổ biến các chương trình đi làm việc ở nước ngoài cho người dân.
Thứ ba, đẩy mạnh truyền thông với doanh nghiệp những chính sách hỗ trợ của nhà nước về đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động, tạo điều kiện để người lao động tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi.
Thứ tư, tiếp tục có những giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Theo báo cáo kinh tế – xã hội của TP.HCM, 10 tháng năm 2023, TP.HCM đã cấp phép thành lập cho 42.670 doanh nghiệp, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên vốn đăng ký đạt 386.579 tỉ đồng, giảm 4,5%.
Trong đó, lĩnh vực 9 ngành dịch vụ chủ yếu có 31.740 doanh nghiệp thành lập, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2022; vốn đăng ký 265.833 tỉ đồng, giảm 13,2%.
Lao động – Việc làm | Tổng hợp tin tức việc làm 24h