Tại thôn Trung Chánh, xã Cát Minh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, vợ chồng chị Mai Thị Mười và anh Lê Thành Trinh đã biến đam mê nuôi chim cảnh thành một mô hình kinh tế hiệu quả, mang lại thu nhập cao.
Ban đầu, anh Trinh chỉ mua một cặp chim công qua mạng xã hội để giải trí, nhưng không ngờ lại nhận về một cặp gà sao.

Nữ nông dân coi chim quý như con, bán một cặp hơn công nhân làm cả tháng (Video: Doãn Công).
Sau đó, anh quyết định đầu tư nghiêm túc hơn bằng cách mua một cặp chim công Ấn Độ từ Bình Dương với giá 2,7 triệu đồng. Dù một con bị bệnh chết, nhưng con còn lại đã đẻ trứng, mở ra cơ hội phát triển kinh tế từ việc nuôi chim công.
“Thực tế dù là nhà nông nhưng tôi không am hiểu nhiều về đồng ruộng, chăn nuôi, vì học xong lớp 12 đã theo nghề sửa chữa ô tô đến nay. Ban đầu vợ chồng mua cặp chim công về nuôi giải trí, vì thấy chim công xòe đuôi múa rất đẹp, màu lông sặc sỡ chứ không nghĩ nuôi chim công có thể đẻ trứng”, anh Trinh nói.
Nhận thấy tiềm năng kinh tế từ việc nuôi chim công, vợ chồng anh Trinh đã đầu tư gần 40 triệu đồng để mua thêm 3 con chim công trưởng thành.
Chị Mười cho hay, ban đầu không có kinh nghiệm, vợ chồng rất lúng túng khi chim công mắc bệnh, thậm chí chim chết nhưng không biết nguyên nhân.

“Có năm 27 Tết, vợ chồng tôi phải ôm chim vào tận thành phố Quy Nhơn để tìm nơi chữa bệnh. Chỗ nào có tiệm thuốc thú y là tôi ghé nhưng ai cũng lắc đầu”, chị Mười nhớ lại.
Dù ban đầu gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm, nhưng sau nhiều năm học hỏi, họ đã sở hữu đàn chim công khoảng 300 con, trong đó có hơn 50 con sinh sản.
Theo chị Mười, chim công dễ nuôi với thức ăn đơn giản như cám, bắp ngô, gạo và trái cây. Mỗi năm, chim công mái đẻ 20-30 trứng, và sau khi ấp 26-27 ngày, trứng sẽ nở. Chim non được nuôi trong lồng thắp điện 2-3 tháng trước khi chuyển ra chuồng lớn.

Giá trị của chim công tăng dần theo độ tuổi, từ 1 triệu đồng/cặp khi mới nở đến 10-20 triệu đồng/cặp khi trưởng thành. Ngoài chim công, gia đình chị Mười còn nuôi thêm chim trĩ 7 màu, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Ông Châu Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Minh, đánh giá mô hình nuôi chim công, chim trĩ của gia đình chị Mười là mới mẻ nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Địa phương đang khuyến khích nhân rộng mô hình này, đặc biệt là với những hộ có diện tích vườn rộng.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm