Dẫn chúng tôi tham quan trang trại nuôi chim cút nằm giữa cánh đồng lúa bạt ngàn vừa mới thu hoạch, anh Phạm Minh Cảnh (48 tuổi, khối phố Viêm Tây 2, phường Điện Thắng Bắc, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) cho hay, chim đang sinh sản rất tốt. Do vị trí nuôi nằm xa khu dân cư, vị trí thoáng mát nên không ảnh hưởng đến người dân địa phương.
Theo anh Cảnh, kể từ khi bắt đầu khởi nghiệp, năm 1997, anh đã trải qua rất nhiều lần thất bại. Có những lúc anh tưởng chừng sẽ phải bỏ dở đam mê chăn nuôi vì nợ nần nhưng ý chí đã giúp anh gầy dựng trang trại như hôm nay.
“Tôi nhớ nhất 2 đợt càn quét của dịch cúm H5N1 vào năm 1999 và 2006 khiến tôi mất trắng, lâm cảnh nợ nần. Khi ấy, toàn bộ đàn chim chết hết khiến tôi suy sụp. Nếu không có niềm đam mê chăn nuôi, chắc tôi không theo nghề được đến hôm nay”, anh Cảnh tâm sự.
Hiện nay, với 250m2 chuồng trại, anh Cảnh nuôi 20.000 chim cút đẻ, được thiết kế thành 4 dãy chuồng, mỗi chuồng nhỏ gồm 6 lồng xếp chồng lên nhau, mật độ nuôi 35 con/lồng.
Nằm ở cánh đồng lúa nên trại cút khá mát mẻ vào mùa hè, nhiệt độ thông thoáng. Anh Cảnh sử dụng tấm cách nhiệt cho trần nhà, mở hết các cửa trại. Vào mùa đông, do thời tiết lạnh nên chim cút phát triển chậm, anh thắp đèn để đảm bảo ánh sáng và tăng độ ẩm, duy trì nhiệt độ 25-30 độ C cho chim cút phát triển.
Theo anh Cảnh, để chim cút phát triển, người nuôi cần giữ trang trại yên tĩnh, vì cút rất dễ bị kích thích do sợ hãi tiếng động. Nước cho chim cút uống phải là nước sạch, được thiết kế dẫn theo hệ thống tự động giúp tiết kiệm nước, giữ vệ sinh chuồng trại.
Khâu tiêu độc khử trùng chuồng trại hết sức quan trọng. Cứ 2 ngày anh vệ sinh chuồng một lần, thường xuyên phun thuốc sát khuẩn chuồng trại và môi trường xung quanh. Phân cút được anh thu gom, phơi khô trong 2 ngày, sau đó bán làm phân bón cho các cơ sở trồng rau, hoa màu.
Trung bình một ngày, đàn chim cút 20.000 con ăn hết 20 bao cám. Trong quá trình nuôi đẻ, anh Cảnh luôn theo dõi thể trạng của cút để tránh chim quá mập hay quá gầy, sẽ làm giảm năng suất đẻ trứng.
Sau mỗi buổi sáng thu trứng, cần theo dõi tình trạng ăn uống, phân để nắm tình hình phát triển của cả đàn. Qua đó, phát hiện sớm nếu có dịch bệnh và kịp thời xử lý để giảm thiểu thiệt hại.
“Cút thường có bệnh về đường ruột nên cần theo dõi kỹ để xử lý và tách đàn tránh lây lan. Sau đó xử lý thuốc và tiến hành vệ sinh chuồng trại, môi trường xung quanh, máng ăn uống…”, anh Cảnh chia sẻ.
Nuôi chim cút chỉ 35 ngày là đẻ trứng, nhanh có thu. Anh Cảnh mua cút giống từ tỉnh Phú Yên về đã 20 ngày tuổi, chỉ cần nuôi thêm 15 ngày có thể thu trứng. 20.000 chim cút giống đẻ khoảng 17.000 trứng mỗi ngày. Sau 9 tháng phải thải cút để đảm bảo thu hoạch trứng hiệu quả.
Từ nguồn thu trang trại, anh đầu tư mua xe tải để vận chuyển trứng chim cút đi tiêu thụ. Đều đặn 2 ngày anh sẽ thu trứng một lần, ngoài trứng của trang trại, anh Cảnh còn bao tiêu đầu ra cho nhiều trại cút tại địa phương. Mỗi lần xuất bán hơn 80.000 trứng cút, tiêu thụ ở thị trường Đà Nẵng.
Với tình hình chăn nuôi ổn định, trung bình mỗi năm anh thu lãi gần 200 triệu đồng, trở thành tấm gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi nhiều năm liền của địa phương. Trang trại nuôi chim cút của anh Cảnh còn là địa chỉ được nhiều người tìm đến tham quan, học hỏi.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm