Sản lượng giảm 3 năm liền
Theo Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền (huyện Bình Chánh, TPHCM), tính từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình kinh doanh của các thương nhân tại chợ diễn ra vô cùng khó khăn. Sản lượng tiêu thụ tại chợ chỉ đạt 2.100 tấn/ngày, giảm 10-20% so với cùng kỳ các năm trước.
Đại diện công ty cho hay, tình hình khó khăn này đã kéo dài từ năm 2021 đến nay. Nguyên nhân do tình hình kinh tế chung, hàng quán, quán ăn vắng khách nên chợ cũng ế ẩm theo.
Ngoài ra, các điểm buôn bán trái phép bên ngoài khu vực chợ vẫn còn nhiều, đặc biệt là trên đường Quản Trọng Linh và Nguyễn Văn Linh. Mặc dù lực lượng chức năng xử lý thường xuyên nhưng tình trạng này vẫn còn tiếp diễn.
“Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 từ năm 2021, chợ đầu mối phải đóng cửa, nhiều người bán hàng nhỏ, lẻ trên lề đường xuất hiện, tình trạng buôn bán trái phép ngày càng nhiều”, đại diện công ty nói.
Thực tế, theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, hơn 11h, hàng loạt xe ba gác chở trái cây đậu dọc một số con đường gần chợ Bình Điền.
Khi thấy lực lượng chức năng đến, những người bán hàng rong tại đây liền phóng lên xe, rồ ga bỏ chạy như “đàn ong vỡ tổ”, để lại đám rác bốc mùi hôi hám. Sau khi lực lượng chức năng rời đi, nhóm người này liền quay trở lại, tiếp tục bán tiếp.
Ngoài ra, tiểu thương tại chợ Bình Điền kinh doanh ngày càng khó khăn là do cạnh tranh về giá trên thị trường, phải bán giá vốn để duy trì.
“Sau giai đoạn Covid-19, phương thức kinh doanh trực tuyến cũng trở nên phổ biến, người tiêu dùng từ đó đã có thói quen mua hàng theo phương thức này, dẫn đến việc hạn chế vào chợ đầu mối mua hàng.
Tình trạng công nhân thất nghiệp, bỏ về quê, tiểu thương ở các khu chợ nhỏ buôn bán ế ẩm, cũng khiến các tiểu thương ở chợ đầu mối cũng khó khăn theo”, đại diện công ty chia sẻ.
Bên cạnh đó, vấn đề về tiền thuế đất của thương nhân có giá cao hơn các chợ khác vẫn chưa được các cấp có thẩm quyền giải quyết.
Tiểu thương “kêu cứu”, công ty tìm cách hút khách
Anh Lương Văn Chính, tiểu thương hàng nông sản tại chợ đầu mối Bình Điền, cho hay doanh thu hằng tháng của cửa hàng anh sụt giảm gần 50%. Sản lượng giảm dần do bạn hàng nhập số lượng hàng ít lại so với trước. Đơn cử, thay vì đặt đơn hàng trung bình trị giá 1 triệu đồng thì nay bạn hàng của anh chỉ chi khoảng 500.000 đồng.
Sạp hàng của anh Chính còn phải cạnh tranh với những người bán nông sản nhỏ lẻ ở lề đường, chợ trời, trong khi bản thân phải chi cho tiền thuê sạp, điện, nước, trả lương nhân viên, vốn nhập hàng,…
“Họ vào chợ để mua hàng, rồi ra ngoài bán rong. Chúng tôi bị họ ép giá rất nhiều. Ví dụ như rau, chúng tôi phải bán 8.000 đồng/kg trong khi giá vốn đã 8-9.000 đồng/kg. Nếu không bán thì họ không mua nữa, nông sản để lâu ngày là hỏng nên tiểu thương đành cắn răng mà bán. Có nhiều tháng tôi phải gồng lỗ, bỏ tiền túi để duy trì việc kinh doanh”, anh Chính thở dài.
Tương tự như anh Chính, nhiều tiểu thương tại chợ đầu mối Bình Điền cũng đang bị rơi vào tình thế này. Không ít tiểu thương “kêu cứu” vì sợ sẽ không bám trụ, gồng gánh nổi.
Theo Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền, đơn vị đã phối hợp với UBND quận 8 và UBND huyện Bình Chánh để xử lý triệt để tình trạng buôn bán trái phép, gây ảnh hưởng trực tiếp đến các tiểu thương trong chợ.
Ngoài ra, đơn vị đang thực hiện chủ trương quy hoạch tổng thể Khu thương mại Bình Điền trong việc đầu tư mới giai đoạn 2; cải tạo, sửa chữa một số hạng mục nhằm hướng đến thu hút khách du lịch nói riêng, người dân nói chung, đến tham quan, mua sắm.
Công ty cũng đã giải thích, vận động thương nhân nộp tiền thuế đất, đồng thời kiến nghị lên UBND TPHCM và Hội đồng nhân dân TPHCM giảm tiền thuế đất khu chợ Bình Điền.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm