Năm 2010, anh Nguyễn Minh Thuận (37 tuổi, trú tại phường 8, thành phố Đà Lạt, quê gốc Bình Thuận), tốt nghiệp ngành sư phạm sinh học tại Đại học Đà Lạt và trở về quê tìm việc. Sau nhiều tháng thất nghiệp, anh quay lại Đà Lạt học cao học ngành sinh học thực nghiệm.
“Năm 2012, sau khi bảo vệ luận văn thạc sĩ, tôi được nhận vào làm việc tại công ty nấm ở Đà Lạt. Thời gian làm việc tại đây giúp tôi có thêm kiến thức và gắn bó với cây nấm đến giờ,” anh Thuận chia sẻ.
Năm 2021, khi làm việc ở công ty, trong quá trình trồng để kiểm tra giống, anh Thuận phát hiện một cây nấm tròn, bề ngoài là những sợi màu trắng ôm sát nhau trông rất đẹp mắt.
“Lúc đó, trong khu giống có những loại nấm quen thuộc như hồng ngọc, hoàng kim, nấm hương… Duy cây nấm tròn màu trắng là tôi chưa biết nên rất tò mò”, anh Thuận kể lại.
Từ thông tin của lãnh đạo công ty, anh Thuận sau đó được biết đó là nấm hầu thủ, có hình dạng giống đầu con khỉ và có tính dược liệu cao. Đây là loại nấm ít được trồng ở Việt Nam thời điểm đó.
Được sự đồng ý từ công ty, anh Thuận đưa phôi nấm hầu thủ về trồng thử. Do chưa từng tiếp xúc với loại nấm này, anh phải tham khảo ý kiến từ các chuyên gia và tìm hiểu cách trồng, nhân giống từ các website chuyên ngành.
Anh Thuận cho biết, khi nấm lớn, anh đưa cây vào phòng thí nghiệm để nhân giống và phát triển số lượng lớn.
“Đầu năm 2022, lượng phôi nấm hầu thủ khá nhiều, tôi quyết định mở xưởng sản xuất rộng 650m2 ở xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng. Lúc đó, để tập trung cho nấm hầu thủ, tôi xin nghỉ việc ở công ty”, anh Thuận chia sẻ.
Thời điểm đó, anh đang có mức lương 20 triệu đồng, mức thu nhập cao so với nhiều người.
Khởi nghiệp với nấm hầu thủ mang lại thành công, đến nay thạc sĩ Nguyễn Minh Thuận mở rộng khu sản xuất lên gần 6.000m2 tại xã Đạ Nhim để sản xuất nấm hầu thủ và nấm hương. Anh cũng liên kết với 6 hộ dân trong vùng, phát triển nấm hương, trong đó có 2 hộ là người đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo anh Thuận, hiện nay một công ty dược liệu và một đơn vị xuất khẩu đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm nấm hầu thủ với đơn hàng 80kg/tháng nấm khô (tương đương 800kg nấm tươi) với mức giá 1,1 triệu đồng/kg. Anh cũng cung cấp ra thị trường khoảng 1 tấn nấm hầu thủ tươi với mức giá 190.000 đồng/kg.
Đối với các hộ liên kết sản xuất nấm hương, thạc sĩ Thuận cung cấp phôi giống, trực tiếp tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật sản xuất, đồng thời ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá 70.000 đồng/kg. Các sản phẩm nấm của anh Thuận đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao (mỗi xã một sản phẩm).
Cùng với việc phát triển kinh doanh và xây dựng chuỗi liên kết với nông dân, anh Thuận đang tạo công ăn việc làm cho 15 người với mức lương 5-10 triệu đồng/người/tháng.
Về doanh thu từ mô hình nấm hầu thủ và nấm hương, chủ trang trại chia sẻ: “Từ sản xuất, bán giống đến nấm thương phẩm… mỗi năm gia đình thu về 15-18 tỷ đồng”.
Ông Phạm Văn Thịnh, Phó chủ tịch UBND xã Đạ Nhim, cho biết hiện nay, mô hình sản xuất nấm hầu thủ và nấm hương của anh Nguyễn Minh Thuận là một trong những mô hình tiêu biểu, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Việc phát triển liên kết sản xuất của anh Thuận với nông dân địa phương đã góp phần giúp người dân ổn định kinh tế, vươn lên làm giàu.
“Chính quyền xã Đạ Nhim mong muốn anh Thuận tiếp tục nhân rộng mô hình trồng nấm ở địa phương. Thời gian qua, địa phương khuyến khích và tạo điều kiện để gia đình anh Thuận tìm quỹ đất mở nhà xưởng”, ông Phạm Văn Thịnh chia sẻ.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm