Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
TP.HCM hỗ trợ người lao động, người khuyết tật tìm việc làm
Ngày hội có sự tham gia của hơn 30 doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng người khuyết tật trên địa bàn TP.HCM. Tại ngày hội, doanh nghiệp không chỉ tuyển dụng lao động theo nhu cầu của mình mà còn chia sẻ với người lao động về tình hình tuyển dụng, sử dụng lao động là người khuyết tật. Qua đó, định hướng nghề nghiệp và liên hệ công tác tạo việc làm cho người khuyết tật.
Ngày hội việc làm còn có sự tham gia của hơn 400 người lao động, người khuyết tật có nhu cầu tìm việc làm. Đây là cơ hội để họ được tư vấn, hướng nghiệp và giới thiệu việc làm, được cung cấp về thông tin thị trường lao động, tư vấn về các chế độ chính sách về lĩnh vực lao động việc làm, tiền lương, tiền công và đào tạo nghề; được các nhà tuyển dụng phỏng vấn, tuyển dụng.
Tại ngày hội, rất nhiều phụ huynh có con là người khuyết tật đến các gian hàng của doanh nghiệp tuyển dụng để nghe tư vấn. Đưa con trai đến tìm việc tại ngày hội, chị Thúy Hoa (ở TP.Thủ Đức) chia sẻ: “Con tôi bị khuyết tật trí tuệ, nay hơn 20 tuổi rồi nên tôi cũng muốn tìm cho con công việc phù hợp với thể trạng. Lương thấp cũng được nhưng có công ăn việc làm để sau này con tự lo cho bản thân. Các doanh nghiệp tại đây tư vấn rất rõ ràng, cũng cấp đầy đủ các yêu cầu cần tuyển dụng”.
Còn anh Trần Ngọc Quang Minh (39 tuổi, sống ở Long An) đến ngày hội để tìm công việc nhân viên lễ tân, trực tổng đài.
“Tôi bị tai nạn gãy xương chân, di chuyển rất khó khăn thêm nữa nhà chỉ còn mẹ già hơn 70 tuổi nên muốn tìm công việc không phải đi lại nhiều, gần nhà để dễ sắp xếp. Tôi có tìm hiểu công việc lễ tân, nhân viên trực tổng đài của Công ty Máy Tính Viện, thấy ổn với mình. Tôi sẽ liên hệ với họ để tìm hiểu thêm về điều kiện làm việc, học thêm kiến thức nếu cần”, anh Minh nói.
Anh Hà Hải Thiên Sơn, đại diện Công ty Máy Tính Viện cho biết, đến ngày hội hôm nay, công ty tuyển dụng ở 6 vị trí gồm kỹ thuật viên sửa chữa máy tính, điện thoại; nhân viên trực tổng đài; lễ tân; thu ngân; quay phim; nhân viên giao hàng.
“Công ty sẵn sàng nhận người khuyết tật vào làm việc, hiện công ty có nhiều người khuyết tật gắn bó với công ty trên 10 năm. Khi nhận vào làm việc, chúng tôi sẽ đào tạo kiến thức theo khả năng để họ có thể gắn bó với công ty. Ngoài ra, công ty cũng hỗ trợ tối đa cho người khuyết tật vận động nếu họ cần chỗ ăn ở tại công ty”, anh Sơn thông tin.
Ngoài ra, tại ngày hội, người lao động và người khuyết tật còn được tìm hiểu và tư vấn nhiều công việc khác như nhân viên giao hàng, nhân viên phụ bếp, nhân viên kho…
Lao động – Tin Tức Việc làm
TPHCM tổ chức ngày hội việc làm dành cho người khuyết tật
Theo kế hoạch, ngày hội việc làm dành cho người khuyết tật thành phố sẽ được tổ chức kết hợp với ngày hội việc làm dành cho người lao động quận 3. Sự kiện được tổ chức vào ngày 29/8 tại Trung tâm Bảo trợ – Dạy nghề và Tạo việc làm TPHCM (215 Võ Thị Sáu, phường Võ Thị Sáu, quận 3).
Dự kiến ngày hội sẽ có 20-30 doanh nghiệp tham gia; trong đó có 10-15 doanh nghiệp tuyển dụng người khuyết tật trên địa bàn toàn thành phố, còn lại là các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng người lao động trên địa bàn quận 3.
Ban tổ chức dự kiến mời 250 người khuyết tật có nhu cầu tìm việc, người khuyết tật là học viên đang được đào tạo nghề tại Trung tâm Bảo trợ – Dạy nghề và Tạo việc làm TPHCM và các học viên đã được đào tạo trước đây đến ngày hội để tìm kiếm cơ hội việc làm.
Theo bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, tại ngày hội, doanh nghiệp không chỉ tuyển dụng lao động theo nhu cầu của mình mà còn chia sẻ với người lao động về tình hình tuyển dụng, sử dụng lao động là người khuyết tật. Qua đó, định hướng nghề nghiệp và liên hệ công tác tạo việc làm cho người khuyết tật.
Tại ngày hội, lãnh đạo các trung tâm, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội Quận 3 cũng sẽ trao đổi với các doanh nghiệp về công tác đào tạo nghề, chính sách tạo việc làm của thành phố dành cho người khuyết tật.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Người khuyết tật vượt khó, khao khát làm việc để khẳng định bản thân
Ngày 16/4, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp với Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội tổ chức “Phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật lần thứ I năm 2024”.
Tham gia phiên giao dịch việc làm có 32 doanh nghiệp với 1.117 chỉ tiêu tuyển dụng, trong đó, 386 chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh lao động là người khuyết tật.
Phát biểu tại phiên giao dịch việc làm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Nguyễn Tây Nam cho biết, hiện nay, Hà Nội có 112.171 người khuyết tật, trong đó có 7.704 người khuyết tật có khả năng lao động. Nhiều người khuyết tật vươn lên làm chủ các cơ sở sản xuất kinh doanh.
Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, người khuyết tật có bản tính cần cù, khéo léo, nghị lực vượt khó và khát khao được làm việc để khẳng định bản thân. Họ luôn mong muốn có được việc làm phù hợp, có thu nhập để tự chăm lo cho chính mình và đóng góp cho sự phát triển của xã hội.
“Vì vậy, việc hỗ trợ giải quyết việc làm cho người khuyết tật là việc làm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đồng thời còn ghi nhận vai trò của người khuyết tật trong đời sống xã hội”, ông Nam nhấn mạnh.
Với ý nghĩa đó, trong thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội định kỳ tổ chức các phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật nhằm hỗ trợ, động viên người khuyết tật tích cực học tập, tham gia vào thị trường lao động.
Ông Nam trăn trở: “Trong điều kiện bình thường, cơ hội việc làm đối với người khuyết tật vốn đã khó khăn, thì nay trong bối cảnh suy thoái kinh tế sau dịch bệnh Covid-19… vấn đề giải quyết việc làm cho người khuyết tật càng thêm nhiều trở ngại.
Đó cũng là điều chúng tôi muốn nói với cộng đồng doanh nghiệp, đó là giải quyết việc làm cho người khuyết tật không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước, mà đó còn là trách nhiệm của cả cộng đồng doanh nghiệp, xã hội”.
Cũng nhân dịp này, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Hà Nội mong muốn người lao động khuyết tật hãy nỗ lực hơn nữa để tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng tay nghề để sẵn sàng đảm nhận được công việc của nhà tuyển dụng, qua đó khẳng định được giá trị của mình trên thị trường lao động.
Ông Trịnh Xuân Dũng, Phó chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội cho biết, phiên giao dịch việc làm nhằm hỗ trợ thanh niên khuyết tật, người khuyết tật trong độ tuổi lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm ổn định.
Bên cạnh đó, thông qua đây, người khuyết tật được tiếp cận thông tin đầy đủ, chính xác về đơn vị tuyển dụng. Họ còn biết đến chính sách pháp luật về lĩnh vực việc làm, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về người khuyết tật.
“Những hoạt động như vậy đã góp phần thúc đẩy tuyển dụng lao động từ các công ty, doanh nghiệp với người khuyết tật”, ông Dũng chia sẻ.
Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội mong muốn được duy trì các phiên giao dịch việc làm để người khuyết tật có cơ hội việc làm trên thị trường lao động. Bên cạnh đó, người lao động khuyết tật phải nỗ lực hoàn thành công việc, chấp hành tốt nội quy, quy định công ty.
Tham gia phiên giao dịch việc làm, nhiều người khuyết tật mong muốn được học nghề và tìm được việc làm phù hợp năng lực bản thân. Chị Nguyễn Thị Nhường (30 tuổi, ở Đông Anh, Hà Nội) mong muốn học nghề nấu ăn, từ đó có công việc cho mình để phụ giúp cho gia đình.
Ông Nguyễn Thế Khang, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư công nghệ Đại Sỹ, chuyên sản xuất bóng đèn LED, cho biết, doanh nghiệp chuyên mảng công nghệ đang tìm kiếm những bạn biết về công nghệ thông tin, hoặc chưa biết thì có tư duy tốt để có thể đào tạo.
Bên cạnh đó, công ty sẽ hỗ trợ người lao động có thể làm online, phù hợp với sức khỏe của người khuyết tật.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Hai chàng trai 8X khởi nghiệp làm mũi, tay, chân giả cho người khiếm khuyết
Khởi nghiệp từ tình yêu thương
Những ngày đầu năm, 7 nhân công ở xưởng sản xuất chân, tay giả cho người khiếm khuyết của anh Hiệp vẫn đang rất bận rộn chế tác các đơn hàng.
Tối muộn, anh Hiệp vẫn đang tỉ mỉ chỉnh từng nếp nhăn trên ngón tay làm bằng silicon. Các công đoạn vẫn chưa kết thúc cho đến khi từng chi tiết, màu sắc của ngón tay giả y hệt ngón tay thật của khách hàng.
Anh Hiệp cho biết, mỗi tháng, xưởng của anh cung cấp 60-80 sản phẩm, doanh thu đỉnh điểm có thể lên đến 300 triệu đồng/tháng.
Hiệp đặt ngón giữa và ngón trỏ giả vừa hoàn thành trên bàn, khách hàng của anh chậm rãi đeo vào. Vị khách nam vừa trải qua tai nạn, mất 2 ngón tay, chợt nở cười mãn nguyện khi các ngón tay giả nhìn y như thật.
Năm 2016, Trần Huy Hiệp (32 tuổi, ngụ TP Hà Nội) từ một kỹ thuật viên xét nghiệm, lấy hết can đảm xin bố mẹ được nghỉ việc, rồi cùng anh Đào Văn Phúc (43 tuổi) theo nghề làm chi giả cho người khiếm khuyết.
Anh Hiệp chia sẻ, thời gian đầu, nghề này ở Việt Nam ít có ai làm, còn khá mới và chưa có trường lớp nào đào tạo. Vì thế, bản thân anh cũng chưa dám bỏ nghề cũ để theo đuổi công việc mình yêu thích, một phần vì gia đình chưa hiểu và chưa ủng hộ.
Sau khi được Phúc động viên, Hiệp mạnh dạn chọn cho mình một lối đi khác biệt. Từ đó, cả hai bắt đầu tìm tòi, học hỏi. Số lượng ngón tay, chân, mũi giả hư hỏng không đếm xuể. Cuối cùng, Hiệp và Phúc cũng thành công khi màu sắc và chi tiết của từng bộ phận giả được làm nhìn y như thật.
“Khi còn làm trong ngành y, tôi từng tiếp xúc với nhiều bệnh nhân bị khiếm khuyết về bộ phận trên cơ thể. Nhưng những bộ phận giả trên thị trường lại khá đắt và kiểu mẫu không được đẹp. Lúc đó, tôi đã lên ý tưởng tự sáng tạo ra sản phẩm đẹp hơn, rẻ hơn cho những người kém may mắn này”, chàng trai 8X chia sẻ.
Vì chưa có tài liệu hay sách vở nào hướng dẫn cụ thể, anh Hiệp và anh Phúc đã tự tìm tòi, học hỏi trên Internet. Những sản phẩm đầu tiên không được đẹp, cả hai không nản chí mà chọn bước tiếp, ngày ngày học hỏi, rèn luyện để sản phẩm hoàn thiện hơn.
Công việc đòi hỏi tay nghề cao
Theo anh Hiệp, một bộ phận giả không thể làm theo kiểu đại trà, mà nó phải được tạo hình tỉ mỉ, từ cách đóng khuôn, pha màu sao cho nhìn giống thật, phù hợp với người sử dụng.
“Đầu tiên tôi sẽ lấy dấu, lấy mẫu của khách hàng, kể cả phần bị khiếm khuyết. Sau đó tới công đoạn đổ sản phẩm, tạo hình dựa trên khuôn. Ví dụ họ bị mất ngón tay bên bàn tay trái thì tôi sẽ dựa theo hình dáng ngón tay bên bàn tay phải để tạo hình.
Cuối cùng là tạo màu cho bộ phận giả sao cho hợp với màu da của khách hàng, đây là công đoạn khó nhất và quan trọng nhất. Màu có thể dễ bị phai, mài mòn trong quá trình sử dụng, vậy nên chúng tôi luôn lựa chọn nguyên liệu tốt, bền để giữ được chất lượng càng lâu càng tốt”, chàng trai 8X nói.
Ngoài chất liệu chính là silicon, các tác phẩm còn được tạo nên bởi những chất liệu khác như đất sét, màu chuyên dụng,… Được biết, mỗi sản phẩm mất khoảng 10-20 ngày để hoàn thành, giá thành từ 1-3 triệu đồng tùy thuộc vào độ khó của từng sản phẩm.
Hơn 8 năm theo nghề, anh Hiệp và anh Phúc từng trải qua nhiều khó khăn, gặp gỡ không ít hoàn cảnh khiến cả hai xúc động. Không ít khách hàng bị tai nạn dẫn đến khiếm khuyết, nhiều năm không dám gặp gia đình.
“Sau khi được gắn ngón tay, ngón chân giả nhìn y như thật, khách hàng rất xúc động và bày tỏ sự vui mừng vì lần đầu được quay về nhà sau nhiều năm xa cách. Những lúc như vậy, tôi thấy mình đã làm được một điều rất ý nghĩa, không đơn thuần là công việc nữa”, Hiệp bộc bạch.
Không những vậy, Hiệp và Phúc còn nhận được lời mời từ các bác sĩ tại đại học Y Hà Nội về việc phục hình lại vùng mắt cho bệnh nhân sau khi điều trị ung thư.
“Có thể nhiều người nghĩ đây chỉ là một loại hình nghệ thuật, là đam mê để con người ta theo đuổi. Nhưng đối với chúng tôi, đây chính là một nghề thật sự”, anh Hiệp nói.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm