Vào tháng 8 và tháng 9 hằng năm, cây trẩu tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị bước vào mùa rụng quả. Đây là loài cây có thể trồng lấy gỗ, hạt trẩu được thương lái thu mua để ép dầu, sử dụng trong ngành công nghiệp sơn và keo.
Để có thêm thu nhập, hằng năm, bà con đồng bào Vân Kiều tại một số xã trên địa bàn huyện Hướng Hóa vào rừng, nương rẫy nhặt quả trẩu. Họ xem đây như một nghề thời vụ để trang trải cuộc sống.
Trên tuyến đường vào khu dự án điện gió ở xã Hướng Tân, không khó để bắt gặp hình ảnh người dân đang ngồi tách vỏ trẩu lấy hạt, chờ thương lái đến thu mua.
Chị Hồ Thị Cơ, trú thôn Trằm, xã Hướng Tân, chia sẻ: “Hơn 1 tuần qua, ngày nào tôi cũng vào rừng nhặt quả trẩu. Nếu đi trúng khu vực nhiều cây trẩu, chỉ mất 2-3 tiếng đồng hồ đã nhặt được 20-25kg, sau khi tách vỏ cũng được 10-15kg hạt. Hạt trẩu tươi được thu mua với giá 5.000 đồng/kg, khô thì 8.000-10.000 đồng/kg.
Công việc khá đơn giản, lại có tiền lo cho cuộc sống hàng ngày nên cứ đến mùa, rất nhiều người lại vào rừng nhặt trẩu. Để bảo vệ rừng và có nguồn lợi lâu dài, bà con chúng tôi chỉ nhặt quả, nhất quyết không chặt cây, bẻ cành”.
Theo một số người dân ở Hướng Hóa, cây trẩu có tên khá lạ nhưng lại rất quen thuộc với bà con địa phương. Ngoài những cây trẩu ở rừng phòng hộ, cây còn được trồng quanh nương rẫy để che chắn gió, đến mùa thu hoạch quả, không tốn công chăm sóc như những loại cây khác.
Ông Hồ Văn Mừng, trú xã Hướng Tân, cho biết: “Gia đình có khoảng gần 1ha trồng trẩu xen lẫn với cây keo. Cứ đến mùa lại vào rẫy để nhặt quả, nhặt hết lại vào các cánh rừng phòng hộ để nhặt về bán, mang lại nguồn thu nhập đáng kể”.
Không chỉ người lớn, mùa trẩu rụng đúng thời điểm nghỉ hè nên nhiều học sinh đồng bào dân tộc Vân Kiều ở huyện Hướng Hóa cũng đổ xô đi nhặt “lộc rừng”, kiếm thêm tiền để mua sắm sách vở, quần áo cho năm học mới.
Em Hồ Văn Hoàng, trú xã Hướng Tân, với sự nhanh nhẹn của mình, chỉ trong buổi sáng vào rừng nhặt trẩu đã thu về một bao tải lớn.
“Với số trẩu này, em kiếm được hơn 200.000 đồng. Từ đầu mùa trẩu đến nay, nam sinh lớp 9 cũng thu được tiền triệu. Không chỉ em mà nhiều bạn khác cũng theo người lớn vào rừng nhặt trẩu. Đang kỳ nghỉ hè nên bọn em cũng muốn kiếm thêm thu nhập phụ giúp bố mẹ, có điều kiện mua quần áo, sách vở”, Hoàng khoe.
Ông Bùi Văn Thình, Phó Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đakrông (Quảng Trị), cho hay diện tích trẩu trên địa bàn do Lâm trường Hướng Hóa trồng từ năm 1991.
Cây trẩu thường ra hoa vào cuối tháng 2 hàng năm, đến tháng 8, tháng 9 thì rụng quả. Quả trẩu có kích thước nhỏ, ra từng chùm, màu xanh, khi chín chuyển màu đen. Những quả rụng xuống đất được bà con nhặt về, tách lấy hạt bán cho thương lái.
Mùa trẩu rơi vào lúc nông nhàn, thời điểm các học sinh nghỉ hè nên rất đông người vào rừng để nhặt quả. Có nhà 4-5 người, mỗi ngày đi nhặt trẩu cũng thu về tiền triệu.
Theo ông Thình, để bảo vệ rừng và đảm bảo sản lượng quả qua từng năm, cứ đến mùa trẩu rụng, cán bộ đơn vị thường xuyên có mặt tại các cánh rừng để tuyên truyền cho bà con không được cắt cành, chặt hạ cây, góp phần gìn giữ và phát huy lợi ích kinh tế bền vững mà rừng mang lại.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm