Cuối tháng 11 âm lịch, lò nấu mật mía của gia đình ông Nguyễn Văn Vinh (thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) đỏ lửa cả ngày lẫn đêm. Ông Vinh cho biết, đây là vụ cao điểm trong năm, vì vậy công suất được tăng lên để kịp phục vụ người dân dịp tết Nguyên đán.
Theo ông Vinh, nghề sản xuất mật mía được làm quanh năm, tuy nhiên dịp cuối năm, người dân địa phương làm nhiều hơn. Bắt đầu từ tháng 9 âm lịch, các lò nấu mía ở địa phương hối hả vào vụ.
Năm nay giá mía tăng cao (1,2-1,3 triệu đồng/tấn) nên ông Vinh lo lắng vụ Tết thu nhập không như kỳ vọng
“Nghề làm mật mía ở địa phương có từ lâu đời, tuy nhiên do công việc nấu mật vất vả, hiện ở địa phương chỉ còn một vài nhà giữ nghề. Để tạo ra được những giọt mật ngon, phải trải qua rất nhiều công đoạn như ép mía, nấu, lọc mật. Thời gian hoàn thiện một mẻ nấu khoảng 5-6 giờ đồng hồ”, ông Vinh cho hay.
Nước mía sau khi đun nấu trong lò sẽ sủi bọt để lại lớp mật cô đọng phía dưới đáy nồi. Quá trình nấu mật, người thợ sẽ vớt bỏ lớp bọt ở phía trên rồi dùng vải màn lọc lấy dòng mật sánh mịn.
Mật mía sau khi nấu xong được đưa vào thùng, để nguội. Theo kinh nghiệm của những người thợ tại đây, mật mía ngon có màu vàng cánh gián, sánh, mịn và ngọt dịu.
Đã có kinh nghiệm nhiều năm trong nghề nấu mật mía, ông Nguyễn Văn Vinh thường cẩn thận kiểm tra mật sau mỗi lần nấu.
“Muốn có mật ngon phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu là chủ yếu. Mía ở huyện Thạch Thành được đánh giá là chất lượng tốt hơn các vùng nguyên liệu khác”, ông Vinh cho hay.
Ông chủ lò nấu mật cho hay, trung bình mỗi ngày gia đình ông sản xuất từ 2 đến 3 tạ mía. Hiện giá bán dao động 16.000-17.000 đồng/lít mật. Ngoài bán tại gia đình, ông Vinh còn nhập mật mía cho một số tỉnh khu vực miền trung và miền bắc. Do giá mía tăng cao, vụ Tết năm nay ông Vinh ước tính thu về ít hơn mọi năm từ 20 đến 30 triệu đồng.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm