Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Sang Hàn làm công nhân 6 năm, chàng trai Việt thành chủ 2 nhà hàng phở
Xa quê hương nuôi mộng “đổi đời”
Tốt nghiệp ngành quản trị du lịch, anh Nguyễn Hưng (quê tại Quốc Oai, Hà Nội) trở thành một nhân viên văn phòng với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Gia cảnh không mấy khá giả, tiền làm ra chỉ đủ nuôi bản thân, chàng trai luôn trăn trở, tìm một con đường khác để thay đổi cuộc sống.
“Tôi muốn được đi nước ngoài để học tập nhưng tài chính gia đình lại không cho phép. Trong một lần tìm hiểu, tôi biết đến Chương trình EPS, một chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc, nên bắt đầu theo đuổi từ đó”, anh Hưng nói.
Với mơ ước đổi đời, năm 2011, chàng trai lao đầu vào học tiếng Hàn suốt 7 tháng và thi đỗ vào Chương trình EPS, trở thành một trong hàng trăm lao động Việt đến Hàn Quốc làm việc.
Thời gian đầu, anh được làm việc tại một nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô, nằm cách xa TP Seoul hơn 1 tiếng di chuyển bằng xe buýt. Nhà máy nằm ở một vùng nông thôn thiếu thốn đủ thứ, vì thế, anh gặp không ít bất tiện trong đời sống hằng ngày. Hơn nữa, dù đã thi đỗ tiếng Hàn và học tập vô cùng chăm chỉ, anh Hưng vẫn không tài nào giao tiếp được với người bản xứ.
Ngày tháng sống ở xứ sở kim chi, anh Hưng cảm nhận rõ cơ thể mình lúc nào cũng lạnh cóng. Những đêm ngủ trong giá rét nơi xứ người, đặc biệt là những ngày Tết, đối với anh là cảm giác nhớ nhà khôn xiết.
“Tôi là người không thích sự từ bỏ. Nhận thấy những khó khăn của mình, tôi liền dành ngày cuối tuần để đi đến trung tâm hỗ trợ người nước ngoài ở địa phương để học hỏi, rèn luyện tiếng Hàn. Một thời gian sau, chẳng những việc giao tiếp của tôi được cải thiện, tôi còn được giới thiệu sang làm cho một công ty chuyên về vi mạch điện thoại, thu nhập lên đến 2.000 USD/tháng”, anh Hưng chia sẻ.
Công việc ở chỗ làm mới vô cùng vất vả, anh Hưng không thể quên được những ngày tháng làm việc xuyên đêm không ngủ, thời gian biểu bị đảo lộn hoàn toàn. Anh trải lòng rằng anh nỗ lực hết mình, đánh đổi cả sức khỏe là để đổi lấy đồng tiền gửi về cho gia đình, dành dụm nuôi ước mơ khởi nghiệp của bản thân.
Chàng trai Việt chia sẻ anh vẫn cảm thấy may mắn vì suốt hành trình ấy, anh được gặp những người tốt, sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ anh.
Ước mơ làm chủ nơi xứ người
Sau 6 năm làm công nhân, anh Hưng tích cóp được 1,5 tỷ đồng. Cùng lúc ấy, công ty gặp khó khăn về tài chính dẫn đến phá sản khiến công việc của anh cũng trở nên bấp bênh.
Nam lao động Việt chợt nhận ra rằng nếu cứ rơi vào vòng lặp đi làm thuê, dựa dẫm vào người khác thì sẽ khó làm chủ cuộc đời mình. Nghĩ thời cơ đã chín muồi, chàng trai bắt đầu tìm mô hình khởi nghiệp thích hợp.
“Từ khi bước chân sang Hàn, tôi đã ấp ủ mơ ước làm chủ xứ người nên lúc nào cũng trong tâm thế chuẩn bị sẵn sàng. Tôi biết điều quan trọng và khó khăn nhất để khởi nghiệp ở nước ngoài chính là có được visa đủ điều kiện cho phép kinh doanh. Vì thế, từ năm 2011 đến năm 2017, tôi đã nỗ lực và đổi thành công visa E9 (lao động phổ thông) sang E7 (lao động dài hạn) và cuối cùng là F2 (cho phép người nước ngoài nhập cư và sinh sống tại Hàn lâu dài)”, anh nói.
Năm 2016, trong lần tham dự buổi giao lưu đồng hương Việt, chàng trai tình cờ gặp được một nghệ nhân ẩm thực thuộc Hội đầu bếp Sài Gòn đang quảng bá món phở. Thấy món ăn Việt được nhiều người chào đón, anh Hưng mới nảy ra ý tưởng mở nhà hàng tại Hàn Quốc, nhờ người nghệ nhân hướng dẫn bí quyết và công thức nấu phở chuẩn vị miền Nam.
Thời gian đầu, việc kinh doanh diễn ra không hề dễ dàng. Chàng trai phải mất 1 năm để mày mò cách nấu, điều chỉnh hương vị cho phù hợp với khẩu vị của người Hàn. Anh Hưng cũng kết nối những trang trại lớn ở Mỹ, Canada để nhập thịt bò chất lượng cho nhà hàng của mình.
“Người bản địa thường thích ăn những thứ tốt cho sức khỏe. Vì thế, thay vì dùng đường phèn thì tôi dùng rau củ để tạo độ ngọt cho nước dùng. Tôi còn phối hợp giữa độ ngọt của phở miền Nam và độ thanh của phở miền Bắc để tạo sự khác biệt so với những tiệm phở xung quanh”, anh chia sẻ.
Trong thời gian đó, anh còn lân la khắp nơi để tìm mặt bằng ưng ý tại TP Incheon, tìm tuyển những nhân viên tốt nhất.
Mỗi ngày, anh túc trực ở nhà hàng từ 9h đến 19h, sau đó trở về nhà tiếp tục kiểm kê nguyên liệu cho đến tối muộn mới nghỉ ngơi. Chàng trai Việt còn phải cân bằng giữa việc khởi nghiệp và chăm sóc gia đình nhỏ.
“Khó khăn nhất chính là quản lý nhân sự. Lắm lúc, nhân viên ở quán không quá nhiệt tình với công việc khiến một mình tôi phải quán xuyến mọi thứ, thật sự rất vất vả. May mắn là sau một thời gian, tôi cũng đúc kết được nhiều kinh nghiệm từ chính mình, rồi dần hoàn thiện tất cả”, anh Hưng bộc bạch.
Để nhà hàng có nhiều khách hơn, năm 2019, anh đăng ký tham gia khóa học marketing để mở rộng quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội và tìm cách tiếp cận khách hàng. Một năm sau, anh tiếp tục học lớp thanh niên khởi nghiệp của quận tổ chức để giao lưu, học hỏi với nhiều người cùng khởi nghiệp giống mình.
Dần dà, lượng khách kéo đến càng đông hơn. Năm 2020, anh mở thêm một chi nhánh. Mỗi chi nhánh có 5 nhân viên thì mới kịp phục vụ khách hàng. Ngoài món phở, anh Hưng còn bán thêm các món nướng để đa dạng thực đơn.
Đến nay, doanh thu của cả 2 chi nhánh có thể đạt 120 triệu won/tháng (tương đương hơn 2,2 tỷ đồng).
“Niềm hạnh phúc không chỉ dừng lại ở doanh thu mà là cảm xúc khi chứng kiến món ăn truyền thống của dân tộc được nhiều người ủng hộ. Không chỉ người Hàn, người Việt sống tại Hàn cũng thường xuyên lui tới và dành nhiều lời khen cho món ăn tại nhà hàng. Họ nói rằng họ cảm thấy nhớ quê hương sau khi ăn bát phở”, anh Hưng cười, nói.
Nhìn lại chặng đường vừa qua, chàng trai chia sẻ nhờ những nỗ lực “không tưởng” của bản thân đã đưa anh đến được thành công như hôm nay. Vốn là một lao động sang Hàn để làm thuê, kiếm ba cọc ba đồng, giờ đây anh Hưng tự hào mình đã có thể làm chủ nơi xứ lạ quê người.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Gần 400 gian hàng trưng bày tại sự kiện khởi nghiệp sáng tạo lần thứ 5
Ông Hồ Quang Bửu, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đã công bố rằng TechFest Quảng Nam 2024 sẽ được nâng cấp và lan tỏa mạnh mẽ hơn nhằm hoàn thành mục tiêu của hệ sinh thái khởi nghiệp tỉnh đến năm 2030. Đây là một phần trong định hướng chỉ đạo của trung ương và tỉnh Quảng Nam về phát triển khởi nghiệp.
Chương trình sẽ bao gồm chuỗi các hoạt động và sự kiện tầm cỡ quốc gia và quốc tế, nhằm khẳng định vị trí và vai trò của tỉnh Quảng Nam nói riêng và toàn quốc nói chung trong phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.
Đây cũng là cơ hội để mở rộng liên kết và ứng dụng công nghệ số để giới thiệu, quảng bá và trưng bày các dự án, sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo, sản phẩm OCOP và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của xứ Quảng và các tỉnh, thành phố khác.
“Sự kiện lần này kết hợp truyền tải thông điệp khuyến khích, hướng cộng đồng chăm lo bảo vệ tài sản trí tuệ và kết nối giao thương mạnh mẽ trong kỷ nguyên kỹ thuật số.
Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp, các tổ chức và cá nhân có công cụ hữu hiệu để kích thích đổi mới, tạo lợi thế kinh doanh hướng đến phát triển bền vững”, ông Hồ Quang Bửu cho biết.
Phát biểu tại sự kiện, ông Hoàng Minh – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ – đánh giá cao sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Nam và sự hưởng ứng mạnh mẽ của nhân dân trong phong trào khởi nghiệp.
Theo ông Minh, TechFest Quảng Nam luôn là hình ảnh sống động, tạo động lực và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, tinh thần doanh nhân, mở rộng liên kết và hợp tác quốc tế, góp phần tạo lập và thúc đẩy mạng lưới khởi nghiệp quốc gia.
Tuần lễ khởi nghiệp sáng tạo lần thứ 5 – TechFest Quảng Nam 2024 diễn ra từ ngày 5 đến ngày 9/6, thu hút gần 400 gian hàng trưng bày, giới thiệu hàng nghìn ý tưởng, sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm OCOP và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu từ trong và ngoài tỉnh Quảng Nam.
Ngoài ra, TechFest Quảng Nam 2024 còn tổ chức nhiều hội thảo và diễn đàn quy mô, chuyên sâu về các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Sang Nhật làm bánh mì, may ghế, thu nhập 30 triệu đồng/tháng
Ngày 29/5, lãnh đạo Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Bạc Liêu (trực thuộc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu) cho biết, tỉnh này đang tuyển gần 100 lao động đi làm việc tại thị trường Nhật Bản theo hợp đồng.
Các công việc có nhu cầu lao động gồm: May ghế ngồi ô tô, chế biến thức ăn nhanh, làm bánh mì, nội và ngoại thất.
Người lao động sẽ làm việc trong khoảng 3 năm (có thể gia hạn thêm) với mức lương từ 30 triệu đồng/tháng trở lên.
Theo Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Bạc Liêu, nhà tuyển dụng cần lao động 18-35 tuổi, trình độ 9/12 trở lên. “Người lao động phải đủ sức khỏe đi làm việc ở nước ngoài, không tiền án, tiền sự”, yêu cầu từ nhà tuyển dụng cho hay.
Trong đó, công việc may ghế ngồi và chế biến thức ăn chủ yếu cần lao động nữ; còn công việc làm bánh mì, nội và ngoại thất tuyển lao động nam.
Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu, xác định công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần tăng thu nhập cho người dân, Sở đã phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người trong độ tuổi, đảm bảo đủ các điều kiện đi lao động.
Theo kế hoạch, năm 2024, tỉnh Bạc Liêu sẽ đưa 500 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Trước đó năm 2023, tỉnh Bạc Liêu đặt ra mục tiêu đưa 300 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tỉnh này đã đưa 483 lao động, đạt hơn 161% kế hoạch.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Ngăn chặn lừa đảo đưa lao động Việt Nam sang Úc
Ngày 17.5, Bộ LĐ-TB-XH đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc phối hợp thông tin để ngăn chặn tình trạng lừa đảo đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Úc.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, ngày 1.3, Bộ LĐ-TB-XH và Bộ Ngoại giao và thương mại Úc đã ký kết kế hoạch thực hiện bản ghi nhớ giữa Chính phủ Úc và Chính phủ Việt Nam về hỗ trợ công dân Việt Nam đi làm việc trong ngành nông nghiệp tại Úc theo Chương trình PALM (the Pacific Australia Labour Mobility).
Theo đó, hai bên sẽ thống nhất lựa chọn đơn vị thực hiện để đưa 1.000 lao động Việt Nam đi làm việc trong ngành nông nghiệp tại Úc, bắt đầu trong năm 2024.
Bộ LĐ-TB-XH và Đại sứ quán Úc tại Việt Nam đang phối hợp lựa chọn doanh nghiệp Việt Nam đủ điều kiện, đơn vị sự nghiệp tham gia vào Chương trình PALM và đơn vị có pháp nhân tại Việt Nam đại diện cho Úc thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ, cung cấp thông tin về chương trình đến người lao động, hướng dẫn doanh nghiệp và người lao động làm thủ tục hồ sơ xin cấp thị thực vào Úc làm việc, tổ chức khóa đào tạo miễn phí cho người lao động trước khi xuất cảnh.
Tuy nhiên, thời gian qua đã xuất hiện một số tổ chức, cá nhân mạo danh được Bộ LĐ-TB-XH và phía Úc lựa chọn để tuyển chọn, thu tiền của người lao động trái quy định pháp luật, có nguy cơ mất an ninh, trật tự tại một số địa phương.
Nhằm ngăn ngừa tình trạng tổ chức, cá nhân lợi dụng thông tin về chương trình để lừa đảo, thu tiền của người lao động trái quy định pháp luật, Bộ LĐ-TB-XH đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức thông tin, tuyên truyền tới người lao động tại địa phương về việc không đăng ký, nộp tiền cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào để tham gia chương trình lao động nông nghiệp tại Úc cho tới khi Bộ LĐ-TB-XH và Đại sứ quán Úc tại Việt Nam công bố chính thức danh sách doanh nghiệp dịch vụ Việt Nam, đơn vị sự nghiệp được lựa chọn tham gia Chương trình PALM và đơn vị được phía Úc lựa chọn thực hiện chương trình.
Bộ LĐ-TB-XH và Đại sứ quán Úc tại Việt Nam sẽ thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để các doanh nghiệp dịch vụ, người lao động đủ điều kiện đăng ký tham gia chương trình.
Lao động – Tin Tức Việc làm
- « Previous Page
- 1
- …
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- …
- 18
- Next Page »