Khi rừng là cuộc sống
Năm 2017, Ban Quản lý rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) được thành lập. Hầu hết các thành viên là đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều và được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 600ha rừng tự nhiên ở gần khu dân cư.
Ông Hồ Văn Chiến (64 tuổi), Trưởng ban Quản lý rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh, cho biết, đơn vị có 1 trưởng ban, 2 phó ban, 1 thư ký, 3 giám sát và 6 tổ tuần tra rừng (mỗi tổ 5-6 người).
Theo ông Chiến, các tổ sẽ thay phiên nhau đi tuần rừng, khi phát hiện người lạ hoặc rừng có dấu hiệu bị xâm phạm sẽ ngăn chặn, đẩy đuổi, trình báo cơ quan chức năng xử lý kịp thời.
“Người dân ở đây xem rừng như là cuộc sống, viên ngọc quý của trời đất ban tặng nên mới thành lập ban để bảo vệ và thu hút rất nhiều người tham gia trên tinh thần tự nguyện”, ông Chiến nói.
Được Ban quản lý rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh, chính quyền địa phương, hạt kiểm lâm bảo vệ nghiêm ngặt, những cánh rừng cộng đồng của địa phương này sinh trưởng, phát triển tốt, nhiều cây rừng tự nhiên có đường kính lớn, nhiều loài thú quý có trong Sách đỏ kéo về sinh sống.
Thu nhập là động lực giữ rừng
Tham gia vào tổ tuần rừng hơn 6 năm, anh Hồ Văn Lai Hai, thành viên tổ tuần tra, Ban Quản lý rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, cho hay, nhờ sự chung tay bảo vệ của bà con trong thôn, các cánh rừng ngày càng xanh tươi, nhiều cây rừng tự nhiên có đường kính lớn, nhiều loài thú quý kéo về sinh sống.
“Mới đây tôi cùng một số người dân bất ngờ nhận được 450.000 đồng. Hỏi ra mới biết là tiền từ việc bán tín chỉ carbon, đây là chi phí mà mọi người nhận được khi tham gia bảo vệ rừng. Điều này khiến chúng tôi rất vui và càng nỗ lực hơn để bảo vệ, chăm sóc rừng”, anh Hai vui mừng nói.
Ông Phan Ngọc Long, Chủ tịch UBND Xã Hướng Phùng, cho biết, trên địa bàn có hơn 3.500ha rừng tự nhiên. Trong khi đó, nhiều diện tích rừng đều mang lại các giá trị hệ sinh thái như: đa dạng sinh học, tài nguyên di truyền, hấp thụ carbon, bảo vệ nguồn nước, văn hóa tinh thần…
“Từ đầu năm 2023, cộng đồng thôn Chênh Vênh nhận được tiền từ nguồn bán tín chỉ carbon rồi chia luôn cho các hộ dân. Khoản tiền mỗi hộ nhận về tuy không nhiều nhưng ai cũng vui và phấn khởi, càng quyết tâm giữ rừng hơn”, ông Long thông tin.
Quảng Trị là một trong 6 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ thực hiện thí điểm, chuyển nhượng kết quả giảm phát thải (bán tín chỉ carbon) và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính, theo Nghị định năm 2022 của Chính phủ.
Trong năm 2023, tỉnh Quảng Trị thu về hơn 51 tỷ đồng từ việc bán tín chỉ carbon. Số tiền này sẽ được dùng để tập trung cho công tác quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng, chi phí quản lý, hỗ trợ cho cộng đồng dân cư.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Trị cho biết, số tiền hơn 51 tỷ đồng kể trên sẽ được chi trả trong thời gian 2023-2025.
Năm 2023, địa phương đã giải ngân hơn 17 tỷ đồng, trong đó hơn 16 tỷ đồng chi trả cho chủ rừng, UBND cấp xã và các tổ chức khác được nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng tự nhiên.
“Số diện tích rừng được chi trả là hơn 126.600ha, trung bình mỗi ha rừng được chi trả khoảng 120.000 đồng. Việc giải ngân, chi trả tiền cho người dân sẽ giúp họ và các thành viên trong cộng đồng dân cư có thêm động lực để làm tốt hơn công việc bảo vệ rừng”, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Trị nói.
Năm 2022 Chính phủ có nghị định về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải – bán chứng chỉ carbon và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh chuyển nhượng 10,2 triệu tấn CO2 vùng Bắc Trung Bộ cho Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Trung ương đã nhận được 51,5 triệu USD từ Quỹ Carbon thông qua Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm