Mấy ngày qua, hình ảnh người đàn ông cho cả đàn lợn con uống sữa bằng giá gỗ gây thích thú với người dùng mạng xã hội. Nhiều người để lại bình luận tích cực đối với sự sáng tạo cũng như sự nhẫn nại, chăm chút của người đàn ông đối với đàn lợn con của mình.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Trọng Tuấn (55 tuổi, trú xóm 4, xã Nghĩa Đồng, Tân Kỳ, Nghệ An), cho biết bản thân khá bất ngờ và vui khi nổi tiếng bất đắc dĩ trên mạng xã hội.
Theo người đàn ông này, nhiều năm qua, gia đình làm nghề chăn nuôi để phát triển kinh tế nhưng mới nuôi lợn sinh sản được khoảng 3 năm nay. Việc nuôi lợn nái khá vất vả, chủ yếu tập trung chăm sóc lợn mẹ trong thời gian mới sinh.
Cách đây 1 tháng, con lợn mẹ của gia đình sinh được 14 con. Tuy nhiên, sau 2 ngày sinh, do thời tiết nắng nóng, kém ăn, lợn mẹ chết, để lại đàn lợn con.
Một số thương lái đặt vấn đề mua cả đàn lợn sữa với mức giá 100.000 đồng/con, ông Tuấn không đồng ý bán mà quyết định để lại tự nuôi. Tuy vậy, việc nuôi lợn sữa không đơn giản như người đàn ông này nghĩ.
Mỗi ngày, vợ chồng ông Tuấn vật lộn với 5 cữ sữa cho đàn lợn “mồ côi”. Sữa dùng để nuôi lợn là loại dành cho gia súc, được bán ở các đại lý thức ăn chăn nuôi.
Theo người đàn ông này, nuôi lợn sữa phải hết sức cẩn trọng, bởi lợn dễ tiêu chảy và khó xử lý nếu mắc bệnh. Do đó, nước dùng để pha sữa là nước đun sôi để nguội, bình sữa phải được rửa sạch sẽ trước và sau khi sử dụng.
Ông Trần Đình Hướng, Chủ tịch Hội nông dân xã Nghĩa Đồng đánh giá cao sáng tạo của hội viên Nguyễn Trọng Tuấn trong việc chế tạo giá đặt bình sữa cho cả đàn lợn, tiết kiệm công sức và thời gian của người chăn nuôi.
“Bà nhà tôi chịu trách nhiệm pha sữa, còn tôi cho lợn bú. Tôi ngồi bế từng con cho ăn, vừa mất thời gian, vừa mỏi tay, mỏi lưng. Chưa kể, 10 giờ đêm 2 người còn lọ mọ ngoài chuồng cho lợn uống sữa, nếu không lợn đói kêu cả đêm”, ông Tuấn kể.
Sau 3 ngày nuôi lợn còn hơn chăm con mọn, ông Tuấn nảy ra sáng kiến làm giá để bình sữa cho lợn. Với ý tưởng phác thảo trong đầu, ông chạy ra xưởng mộc gần nhà, xin một số thanh gỗ thừa, mượn khoan đục để khoan giá đặt 14 bình sữa.
“Mỗi lỗ khoan vừa đủ để đặt một đầu bình sữa qua. Giá phải có độ nghiêng vừa phải, giúp lợn dễ uống sữa mà sữa trong bình không bị đọng lại, gây lãng phí”, ông Tuấn cho biết. Chỉ trong 1 tiếng đồng hồ, ông vác giá đặt bình sữa nuôi lợn về trong sự ngỡ ngàng của vợ.
Có giá đặt bình sữa, vợ chồng ông Tuấn bắt tay vào thử nghiệm. Đàn lợn vốn quen được bế, đút bình sữa vào mồm, nay không chịu “hợp tác”. Ông Tuấn phải bắt từng con lại, dúi miệng vào bình sữa đặt trên giá để tập ăn. Sau 2 ngày, đàn lợn mới quen với cách ăn mới.
“Cả pha sữa, cho ăn chỉ khoảng 15 phút, bằng 1/4 thời gian trước kia mà mình thì khỏe hẳn ra”, ông Tuấn khoe.
Để đảm bảo con lợn nào cũng được ăn đủ sữa, ông Tuấn phải ngồi canh, tránh những con to hơn giành ăn của lợn bé hơn. Quen với sự chăm sóc của người đàn ông này, đàn lợn quấn vào chân mỗi khi ông Tuấn vào chuồng.
Sau hơn 20 ngày tuổi, đàn lợn con chuyển sang tập ăn cám, ông Tuấn bớt cữ sữa xuống còn 3 bữa/ngày và sẽ cắt hẳn sữa khi lợn chuyển sang giai đoạn ăn cám, rau hoàn toàn. Gia đình ông Tuấn làm thêm nghề nấu rượu, thức ăn cho lợn chủ yếu là hèm rượu nấu thêm cám, hạn chế sử dụng cám công nghiệp.
Hiện, mỗi con lợn đạt trọng lượng 4-5kg. Ông Tuấn không bán lợn giống mà dự tính để đàn lợn con lại để nuôi lợn thịt. “Khi lợn đạt 80-90 kg/con thì xuất chuồng, hi vọng tiền lợn đủ bù tiền sữa”, ông Tuấn hài hước cho biết và không tiết lộ số tiền sữa nuôi lợn trong thời gian qua.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm