Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, thời điểm này, một lượng lớn học viên, sinh viên các trường cao đẳng, đại học đã tốt nghiệp và bắt đầu tìm kiếm việc làm.
Điều này tạo ra cơ hội tuyển dụng nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao cho các doanh nghiệp, nhưng cũng đồng thời tăng áp lực, cạnh tranh trên thị trường lao động.
Nguồn cung dồi dào hơn, khiến người lao động cũng khó khăn hơn khi bắt đầu tham gia vào thị trường tuyển dụng ngày càng cạnh tranh, đặc biệt với nhóm lao động trẻ.
Tại Hà Nội, theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm, trong tháng 7, người lao động tìm kiếm việc làm chủ yếu tập trung ở nhóm tuổi 25-34 tuổi, chiếm 45,8%, nhóm từ 15-24 tuổi, chiếm 11,75%.
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, có nhiều lý do khiến lao động trẻ có thể gặp khó khăn khi tìm việc trên thị trường lao động hiện nay, đơn cử như thiếu kinh nghiệm.
Đa số lao động trẻ mới ra trường thiếu kinh nghiệm làm việc thực tế trong ngành hoặc vị trí mà họ quan tâm. Trong khi các nhà tuyển dụng lại ưa chuộng ứng viên có kinh nghiệm làm việc.
Tại Hà Nội, có đến 50% số vị trí việc làm trống trong tháng 7 yêu cầu người lao động có kinh nghiệm từ 2 năm trở lên.
Ngoài ra, theo ông Thành, một số ngành nghề yêu cầu các kỹ năng đặc biệt mà lao động trẻ có thể chưa có, chẳng hạn như kỹ năng kỹ thuật, kỹ năng lãnh đạo, hoặc kỹ năng quản lý. Đây là những kỹ năng quan trọng cần đúc kết qua quá trình làm việc kéo dài.
Để phù hợp với thị trường lao động Hà Nội hiện nay, chuyên gia khuyến cáo người lao động có thể cần thay đổi và phát triển thêm một số kỹ năng, như kỹ năng kỹ thuật và công nghệ…
Bởi công nghệ đang thay đổi nhanh chóng, vì vậy việc nắm vững kỹ năng kỹ thuật và công nghệ mới là quan trọng. Điều này bao gồm sử dụng các công cụ và phần mềm mới, kiến thức về trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn.
Bên cạnh đó, kỹ năng giao tiếp hiệu quả và khả năng làm việc nhóm cũng là quan trọng để có thể làm việc hiệu quả trong môi trường làm việc đa dạng và đòi hỏi sự hợp tác.
Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội, trong tháng 8, Thành phố hỗ trợ, giải quyết việc làm cho hơn 18.300 lao động.
Trong đó, Thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách Xã hội cho các đối tượng nghèo, đối tượng chính sách vay với số tiền 266 tỷ đồng, giúp tạo việc làm cho 3.200 lao động.
Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức 23 phiên giao dịch việc làm với 695 đơn vị, doanh nghiệp tham gia, kết quả có 1.700 lao động được tuyển dụng.
Tính chung 8 tháng năm 2024, toàn Thành phố giải quyết việc làm cho 164.100 lao động.
Thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các trung tâm dịch vụ việc làm, sàn giao dịch, hội chợ việc làm, trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, hỗ trợ người học tìm việc làm sau tốt nghiệp; gắn kết đào tạo với việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Trong quý III, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội dự kiến 51,57 triệu người có việc làm, tăng 127.000 người so với quý II. Theo đó, 3 ngành sẽ tăng nhu cầu tuyển dụng là chế biến gỗ, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất, sản xuất các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm