Đây là một trong những hoạt động thuộc dự án WODIMO – Phụ nữ ứng dụng công nghệ số, do Liên minh châu Âu tài trợ thông qua Tổ chức Care quốc tế tại Việt Nam, nhằm tạo thu nhập từ nghề bán hàng online và tăng cơ hội tiếp cận an sinh xã hội cho phụ nữ lao động nhập cư trong khu vực phi chính thức. Tại sự kiện này, diễn giả Ngô Thùy Anh (Forbes Vietnam Under 30 – năm 2022) đã chia sẻ về chủ đề xây dựng thương hiệu cá nhân để bán hàng trên mạng xã hội.
Facebook có 5.000 bạn nhưng chẳng thấy ai mua hàng…
Chia sẻ câu chuyện xây dựng thương hiệu cá nhân từ hoàn cảnh ngặt nghèo thời du học ở Mỹ và câu chuyện vượt qua cảm giác e ngại khi đứng trước đám đông, ngại truyền thông trong giai đoạn trở về Việt Nam sáng lập 3 công ty, chị Ngô Thùy Anh nói: “Thực ra, xuất phát điểm của tôi rất bình thường, không có cái gì quá cao xa. Tư duy của tôi về mặt thương hiệu cá nhân lúc đầu cũng đơn giản là muốn lan tỏa giá trị của mình đến với mọi người, mình kể câu chuyện bản thân để cho những người đồng cảm họ biết được. Tất cả những gì tôi có bây giờ là nhờ thương hiệu cá nhân, nên tôi rất muốn chia sẻ về chủ đề này”.
Diễn giả Thùy Anh cho rằng, thương hiệu cá nhân được hiểu đơn giản là những dấu hiệu để mọi người nhận biết về bạn, bao gồm các yếu tố như: ngoại hình, tính cách, nghề nghiệp, thái độ sống, các giá trị đóng góp cho kinh tế – xã hội hay thành tựu đạt được… mà khi nhắc tới mọi người sẽ nhớ về bạn.
Có 3 cấp độ xây dựng thương hiệu cá nhân. Cấp độ 1 (cấp cao) là thương hiệu cá nhân: Nổi bật được giá trị bản thân, trao được giá trị cho người khác. Cấp độ 2 (cấp trung) là nhận diện cá nhân: Xuất hiện ở nhiều nơi, có nhận diện quen mắt, được nhiều người biết nhưng không biết đến giá trị của họ. Cấp độ 3 (cấp thấp) là hình tượng cá nhân: Người có bề ngoài đẹp, ấn tượng, dễ nhớ…
“Các chị không cần phải dạo quá nhiều kênh khác nhau mà mình có cái gì tập trung cái đấy, chịu khó đăng bài và đăng ảnh hơn trên Facebook và Zalo. Có rất nhiều người bán hàng cứ để ảnh đại diện là hình con chó, con mèo, trong khi mình mua hàng cũng muốn thấy mặt người bán để xem họ có uy tín hay không. Để hình cá nhân, để tên cá nhân, chia sẻ câu chuyện cá nhân là bước đầu người ta xây dựng thương hiệu cá nhân”, chị Thùy Anh nhìn nhận.
Chị Thùy Anh cho hay, nhờ kể những chuyện dân dã, chị đi đến kết luận là không cần thiết phải chứng tỏ bản thân mình có nhiều kinh nghiệm hay có nhiều kiến thức, hiểu biết. Mình sẽ là chính bản thân mình và mình đưa ra sự chân tình khi muốn lan tỏa, muốn chia sẻ giá trị góp phần làm cuộc sống mọi người tốt hơn.
“Khi mình chia sẻ đúng những cái gì mình mong muốn thì tự nhiên những người khác cũng nhận được giá trị đó. Và những người có nguồn lực, họ giỏi hơn mình, giàu có hơn mình sẽ chia sẻ những nguồn lực họ có cho ước mơ của mình”, chị Thùy Anh chia sẻ.
Vị diễn giả này tâm tình: “Có rất nhiều học viên bảo tôi là cô giáo ơi, Facebook của chị có 5.000 bạn rồi nhưng mà chẳng thấy ai mua hàng của chị cả. Tôi hỏi là thế chị có 5.000 bạn bằng cách nào? Chị ấy nói lên trên mạng thấy ai hay thì kết bạn. Tôi mới bảo là các chị ơi, đấy không phải là khách hàng của chị. Cho nên phải tự hỏi bản thân là: Mình bán sản phẩm đấy thì bao nhiêu % bạn bè có khả năng trở thành khách hàng của mình? Mình làm cách nào để có nhiều bạn trên mạng nhất và những người bạn đấy phải là người có khả năng mua hàng…”.
Chị Thùy Anh lưu ý người bán hàng online nên chọn cái tên ấn tượng, dễ nhớ. Bên cạnh đó, cần chú trọng việc chia sẻ thông tin, hình ảnh cho ai, chia sẻ như thế nào, cần viết kế hoạch tăng số lượng khách hàng tiềm năng trở thành bạn bè, cách để tăng nhận diện cá nhân…
Đề cập nội dung chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội, theo chị Thùy Anh, nên ưu tiên chia sẻ thông tin về hoạt động kinh doanh, về các sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn, thông tin xoay quanh giá trị mà bạn muốn chia sẻ, thông tin về các đối tác, khách hàng, những mối quan hệ uy tín. Còn những thông tin khác như gia đình, sở thích… chỉ nên chiếm khoảng 10%.
Làm thế nào để tăng nhận diện cá nhân? Chị Thùy Anh nêu kinh nghiệm: Tham gia các buổi giao lưu nơi có nhiều khách hàng tiềm năng, xin liên hệ của họ và kết bạn; kết bạn với những người có nhiều bạn chung thuộc tệp khách hàng tiềm năng của bạn; tham gia chia sẻ trên các hội nhóm liên quan; tự tạo ra hội nhóm riêng cho bạn; tương tác lại với những người đã tương tác với bạn…
Giúp phụ nữ nhập cư xây dựng thương hiệu cá nhân để thành công trong bán hàng online
Sự kiện Bán hàng trực tuyến: Từ kiến thức đến thực hành nói trên có sự tham gia của hơn 100 nữ lao động nhập cư khu vực phi chính thức. Bên cạnh đó, còn có các đại diện đến từ những ban ngành liên quan tại TP.HCM và Hà Nội, từ các trung tâm công tác xã hội…
Chị Nguyễn Thị Chung (32 tuổi, ở TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho hay, gia đình chị có cửa hàng nhỏ bán đồ điện gia dụng và một số sản phẩm đồ chơi trẻ em. Trước đây, chị muốn bán hàng online nhưng không biết bắt đầu từ đâu, vì không có nhiều kết nối, chia sẻ của những người đi trước. Tình cờ được Cơ sở Bảo trợ xã hội Thảo Đàn giới thiệu về dự án WODIMO, chị đã tham gia 4 buổi tập huấn trực tuyến về kinh doanh online trong 2 tháng qua, trước khi đến với sự kiện trực tiếp này.
“Tôi không bỏ sót buổi tập huấn nào. Từ những khái niệm ban đầu và có được những kết nối, dần dần tôi học hỏi được nhiều thông tin bổ ích. Hiện nay, tôi thấy bán hàng online rất hiệu quả nên tôi cũng muốn chuyển đổi công việc, phát triển bản thân theo xu hướng của xã hội”, chị Chung bày tỏ.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà (Quản lý dự án – Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam), chiếm đại đa số người hưởng lợi trực tiếp từ dự án WODIMO là phụ nữ lao động nhập cư tại Hà Nội và TP.HCM. Họ làm các ngành nghề khác nhau nhưng thường là các nghề tự do, không có hợp đồng lao động nên chịu nhiều thiệt thòi. Mức thu nhập của họ cũng rất khác nhau, không ổn định và đa số là thấp. Tại TP.HCM, còn có các chị em là người khuyết tật.
Khảo sát đầu vào từ dự án WODIMO cho thấy cái thiếu lớn nhất của các chị em khi mới tham gia dự án là thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng bán hàng online an toàn, đúng pháp luật và hiệu quả.
Vì vậy, ban tổ chức thực hiện những hoạt động chia sẻ bí kíp bán hàng, cập nhật các thông tin, chính sách liên quan đến bán hàng online. Song song đó, dự án kết nối nhiều đơn vị sản xuất hàng Việt Nam chất lượng cao và các sàn thương mại điện tử, để tạo nên cộng đồng tương trợ nhau.
“WODIMO không phải là bán hàng đa cấp, cũng không phải yêu cầu các chị em tham gia sẽ phải mua – bán hàng của dự án. Đây là dự án chính thống, được tài trợ bởi Liên minh châu Âu (EU) và được thực hiện bởi Tổ chức Care quốc tế tại Việt Nam cùng các đối tác uy tín của dự án.
Ở đây, chúng tôi không mong muốn các chị em trở thành những doanh nhân hào nhoáng mà mọi người hay thấy trên internet. Chúng tôi mong và tin rằng khi phụ nữ có tri thức, có kỹ năng thì họ sẽ có thêm tự tin, có thể tự chủ và đưa ra quyết định tốt cho bản thân mình và cho gia đình”, bà Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh.
Cũng tại sự kiện trên, một số chuyên gia về kinh doanh trực tuyến như Phạm Thành Công, Đặng Ngọc Khả Hân lần lượt chia sẻ về tiếp thị số (digital marketing) trong bán hàng trực tuyến, bí kíp livestream hiệu quả… Buổi chiều cùng ngày, các học viên được thực hành kỹ năng livestream bán hàng trực tuyến cùng các đại diện doanh nghiệp và nhãn hàng.
1.475 nữ lao động nhập cư được hỗ trợ trực tiếp
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà (Quản lý dự án – Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam), dự án WODIMO diễn ra từ tháng 5.2023 đến tháng 11.2025, tại Hà Hội và TP.HCM. Có 1.475 nữ lao động nhập cư khu vực phi chính thức được hỗ trợ trực tiếp từ dự án này, theo đó các chị em được tăng cơ hội tạo thu nhập thông qua bán hàng online, sử dụng công nghệ số để tiếp cận chính sách an sinh xã hội tốt hơn.
Được biết, Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam có sứ mệnh phục vụ các nhóm phụ nữ dễ bị tổn thương, cụ thể là phụ nữ dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa và phụ nữ thiệt thòi về mặt xã hội ở đô thị, giúp họ vượt qua nghèo đói, có được cuộc sống đàng hoàng với quyền lợi và tiếng nói bình đẳng.
Lao động – Tin Tức Việc làm